.

Mô hình trồng bưởi hữu cơ bước đệm hướng tới xuất khẩu

Cập nhật: 18:54, 22/11/2022 (GMT+7)

Sáng 22/11, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN-PTNT) đã tổ chức hội thảo đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất bưởi da xanh hữu cơ tại xã Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ. Đây là mô hình bưởi đầu tiên đạt chứng nhận bưởi hữu cơ theo tiêu chuẩn Việt Nam.

TX. Phú Mỹ đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi da xanh. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại Sông Xoài, TX. Phú Mỹ.
TX. Phú Mỹ đang từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm bưởi da xanh. Trong ảnh: Thu hoạch bưởi tại Sông Xoài, TX. Phú Mỹ.

Mô hình bưởi hữu cơ đầu tiên được xác nhận

Mô hình trồng bưởi da xanh hữu cơ được Trạm Bảo vệ thực vật TX.Phú Mỹ thực hiện trong 3 năm từ 2020 tại vườn của ông Trương Văn Út, xã Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ với diện tích 0,4ha. Đến nay, vườn bưởi da xanh đã trồng được 5 năm, cho trái ổn định.

Bà Dương Thị Thu Sương, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật TX.Phú Mỹ cho biết, mô hình sản xuất bưởi da xanh được thực hiện theo chứng nhận hữu cơ có kiểm soát chặt chẽ, nghiêm ngặt các tiêu chuẩn TCVN 11041-2:2017; TCVN 11041-1:2017.

Trong quá trình thực hiện, cán bộ phụ trách đã lấy mẫu kiểm tra các tồn dư hóa chất trong đất và nước, đồng thời đo và theo dõi các chỉ tiêu pH đất định kỳ 3 tháng một lần. Đơn vị cũng hướng dẫn nông dân cách ủ phân hữu cơ (compost), phân bón lá ủ từ cá, bánh dầu mè có sử dụng chế phẩm IMO (vi sinh bản địa) nguyên liệu từ sinh học phù hợp với yêu cầu của chứng nhận; quản lý dịch hại theo hướng an toàn không sử dụng hóa chất. Đồng thời, hướng dẫn nông hộ ghi chép nhật ký sản xuất.

Sau 3 năm chuyển đổi từ canh tác hóa học sang hữu cơ, năng suất năm đầu giảm 40%, đến năm thứ 3 mới bắt đầu ổn định. Tuy nhiên, chi phí đầu tư lại thấp hơn vườn đối chứng năm đầu 15% đến năm thứ 3 thấp hơn 45%, khả năng chống chịu sâu bệnh và tự đề kháng của cây tốt hơn.

Xác lập mã số vùng trồng

Như vậy, sau 3 năm triển khai Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ, đến nay trên địa bàn tỉnh có 6 mô hình sản xuất hữu cơ trên cây rau các loại, ca cao, hồ tiêu và bưởi với tổng diện tích 2,2ha.

Riêng về cây bưởi, bà Nguyễn Thị Hoài Châu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, trên địa bàn tỉnh có 1.163ha bưởi, sản lượng ước đạt 4.500 tấn/năm, tập trung tại TX. Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Hiện nay Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT) đã công bố yêu cầu kiểm dịch thực vật trái bưởi tươi của Việt Nam nhập khẩu sang Mỹ, trong đó có trái bưởi tươi của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đã có 4 vùng trồng bưởi da xanh được cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu trái bưởi tươi đi thị trường Mỹ, gồm trang trại bưởi hữu cơ Kim Long (huyện Châu Đức); trang trại bưởi Hoàng Long; bưởi da xanh Sông Xoài của hộ ông Trương Văn Út và ông Hồ Hoàng Kha trên địa bàn TX. Phú Mỹ, với tổng diện tích 68ha.

Để thúc đẩy việc thực hiện mã số vùng trồng hướng tới xuất khẩu trái bưởi, Chi cục sẽ tập trung phối hợp với các địa phương rà soát, đánh giá lại các vùng sản xuất bưởi tập trung có đủ điều kiện xuất khẩu để mở rộng thiết lập hồ sơ đăng ký mã số vùng trồng. Đồng thời cập nhật thông tin đầy đủ lên cơ sở dữ liệu quốc gia về mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói; bảo đảm yêu cầu về kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm; giám sát chặt chẽ việc ghi chép sổ nhật ký sản xuất.

“Việc thúc đẩy thiết lập và quản lý mã số vùng trồng xuất khẩu cho sản phẩm bưởi da xanh trên địa bàn toàn tỉnh nhằm phát triển mở rộng vùng nguyên liệu an toàn, đáp ứng các yêu cầu về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, ngành cũng đẩy mạnh triển khai chính sách khuyến khích xây dựng các mô hình sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, chế biến, kinh doanh các sản phẩm hữu cơ gắn xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, bảo đảm truy xuất nguồn gốc sản phẩm hữu cơ”, bà Châu nói thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.