Gỡ khó cho đào tạo nghề lao động nông thôn
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) được xem như chìa khóa giúp LĐNT có việc làm, tăng nguồn thu nhập, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động và giảm nghèo bền vững. Hiệu quả mang lại rất lớn nhưng chương trình còn không ít khó khăn, bất cập cần được tháo gỡ để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới.
Đào tạo nghề cho LĐNT được triển khai hiệu quả đã mở ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập cho hàng ngàn lao động. Trong ảnh: LĐNT phường Kim Dinh (TP.Bà Rịa) phát triển mô hình trồng rau sau khi được hỗ trợ học nghề. |
Nhiều kết quả tích cực
Là lao động phổ thông làm việc nhiều năm tại công ty, năm 2021, anh Lê Văn Hòa (phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) tham gia lớp học lái xe nâng do Phòng LĐTBXH TX.Phú Mỹ phối hợp với Công ty CP Gạch ngói gốm Mỹ Xuân (TX.Phú Mỹ) tổ chức. Tuy đã lớn tuổi nhưng anh Hòa vẫn quyết tâm dành thời gian học tập, thực hành nghiêm túc. Sau 3 tháng đào tạo, anh Hòa được cấp chứng chỉ nghề. Anh Hòa cho biết: “Vừa học vừa làm ngay tại công ty nên rất thuận lợi về thời gian. Học xong, tôi có thêm kỹ năng nghề, được sắp xếp công việc phù hợp và mức lương cũng được tăng nên tôi rất vui”.
Anh Hòa là một trong hàng ngàn LĐNT đã được hỗ trợ học nghề, áp dụng kiến thức được học vào công việc, phát triển kinh tế, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Theo thống kê của Sở LĐTBXH, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đào tạo nghề cho 9.548 lao động, đạt 85,25% so với kế hoạch. Trong đó, nghề nông nghiệp có 4.913 người và nghề phi nông nghiệp có 4.635 người. Tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt 96,51%.
Theo đánh giá của Sở LĐTBXH thì Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Các địa phương đã huy động được sự tham gia cả hệ thống chính trị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các nguồn lực xã hội đầu tư cho công tác đào tạo nghề. Chính quyền các cấp cũng chủ động gắn đào tạo nghề với quy hoạch phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, tạo sự chuyển dịch cơ cấu lao động phù hợp với tái cơ cấu ngành nghề nông nghiệp. Cùng với đó, LĐNT đã chủ động lựa chọn nghề, học nghề để tìm việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.
Bà Rịa-Vũng Tàu đặt mục tiêu cho chương trình đào tạo nghề cho LĐNT giai đoạn 2021-2025 là tổ chức đào tạo và đào tạo lại trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng cho khoảng 5.500 người. Trong đó, nghề nông nghiệp khoảng 2.700 người và nghề phi nông nghiệp khoảng 2.800 người phấn đấu trên 80% số người học có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn. |
Phối hợp tổ chức đào tạo nghề tại chỗ
Theo dự báo thống kê của Sở LĐTBXH, giai đoạn 2022-2025, Bà Rịa-Vũng Tàu có hơn 8.500 lao động có nhu cầu học nghề sơ cấp hoặc dưới 3 tháng. Song do mức hỗ trợ học nghề theo Quyết định 46 của Chính phủ thấp nên công tác đào tạo nghề cho LĐNT gặp nhiều khó khăn.
Năm 2022, toàn tỉnh có khoảng 1.700 LĐNT có nhu cầu học nghề sơ cấp dưới 3 tháng. Tuy nhiên, do chi phí hỗ trợ học nghề theo Quyết định 46 của Chính phủ thấp không đủ thuê thiết bị thực hành, học tập. Đến nay toàn tỉnh chỉ có TX.Phú Mỹ và huyện Côn Đảo tổ chức được các lớp đào tạo nghề cho LĐNT nhờ có sự hỗ trợ, đồng hành của DN. Điển hình như tại Công ty CP Gạch ngói gốm Mỹ Xuân. Khi tự động hóa một số khâu sản xuất, DN cần tuyển dụng lao động lái xe nâng, xe xúc nhưng không tìm được ứng cử viên. Do vậy từ năm 2021 đến nay, công ty phối hợp với Phòng LĐTBXH TX.Phú Mỹ tổ chức đào tạo nghề lái xe nâng, xe xúc cho khoảng 50 lao động.
Bà Trần Thị Bích, Trưởng phòng Hành chính nhân sự công ty cho biết: “Với các lớp học, công ty hỗ trợ xăng, dầu, thiết bị máy móc… phục vụ cho công tác giảng dạy. Trong bối cảnh khó tuyển lao động như hiện nay, việc tổ chức các lớp học nghề như vậy rất cần thiết bởi DN vừa có lao động được đào tạo nâng cao tay nghề; người lao động có thêm cơ hội tăng thu nhập, đáp ứng yêu cầu công việc”.
Để giải quyết sự thiếu hụt nhân lực, một số DN đã đặt hàng với Phòng LĐTBXH TX. Phú Mỹ tổ chức các lớp đào tạo nghề ngắn hạn. Việc đào tạo đúng với các tiêu chí, kỹ thuật liên quan đến công việc tại DN. Ngoài mức hỗ trợ 2 triệu đồng/người theo quy định chung của đề án thì trong thời gian học, lao động vẫn được trả mức lương tương ứng.
Bà Nguyễn Thị Hồng Liên, Trưởng phòng LĐTBXH TX.Phú Mỹ cho biết, khi chính sách đào tạo nghề cho LĐNT còn khó khăn thì địa phương đã phối hợp với DN có nhu cầu để tổ chức lớp. TX.Phú Mỹ đã tổ chức đào tạo nghề cho 80 LĐNT. “Thiếu lao động có tay nghề là bài toán đau đầu của nhiều DN. Vì thế, địa phương luôn theo sát nhu cầu của DN để tìm hướng hỗ trợ hiệu quả. Cùng với hỗ trợ cơ sở vật chất, lao động sau khi học nghề còn được DN ưu tiên sắp xếp công việc phù hợp, tăng lương và hưởng nhiều ưu đãi khác nên lao động rất yên tâm khi tham gia các khóa học”, bà Liên nhấn mạnh.
Bài, ảnh: NHÃ UYÊN