Lồng ghép các chương trình trong xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 17/11/2022, 19:15 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 17/11, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị quán triệt một số nội dung trọng tâm và các chương trình chuyên đề thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Chương trình được tổ chức trực tuyến kết nối với 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Các địa phương sẽ đề xuất xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh/xã thương mại điện tử tại các địa phương.
Các địa phương sẽ đề xuất xây dựng mô hình thí điểm xã NTM thông minh/xã thương mại điện tử tại các địa phương.

Xây dựng các mô hình điểm

Trình bày về kế hoạch triển khai và hướng dẫn chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025”, ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương cho biết, để thống nhất cách thức triển khai xây dựng các mô hình thí điểm, mô hình này cần gắn với định hướng trọng tâm triển khai Chương trình OCOP theo Quyết định số 919/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể, mô hình thí điểm phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, 10 tỉnh, thành phố bao gồm: Tuyên Quang, Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Đắk Nông, Đồng Tháp, Cà Mau sẽ theo phương án phân bổ vốn Trung ương thực hiện Chương trình giai đoạn 2023-2025.

Đối với mô hình phát triển OCOP xanh gắn với tiêu chuẩn xuất khẩu, quản lý tài nguyên và bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm 10 tỉnh, thành phố theo phương án phân bổ gồm; Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Kạn, Hà Tĩnh, Phú Yên, Bình Thuận, Kon Tum, Bình Phước, Trà Vinh.

Cùng với đó là mô hình phát triển nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng, bao gồm 10 tỉnh, thành phố theo phương án phân bổ vốn gồm; Thái Nguyên, Bắc Giang, Điện Biên, Quảng Bình, Ninh Thuận, Đắk Lắk, Gia Lai, An Giang, Bến Tre, Tiền Giang.

Kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện mô hình thí điểm Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ được tiến hành theo 7 bước: đăng ký danh sách; phê duyệt danh sách; hướng dẫn nội dung xây dựng; phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật/Dự án án xây dựng; triển khai xây dựng; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát và tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện mô hình thí điểm. Về nguồn vốn triển khai các mô hình, vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương; vốn đối ứng từ ngân sách địa phương và vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định.

Đáng chú ý, đối với chương trình này, các địa phương sẽ đánh giá, lựa chọn 1 mô hình thí điểm, phù hợp, gửi Bộ NN-PTNT để lựa chọn xây dựng mô hình thí điểm.

Phân bổ nguồn vốn cho từng chương trình

Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM Trung ương, trong giai đoạn 2021-2025, chương trình xây dựng NTM đã được Quốc hội phê duyệt tổng nguồn vốn là 39.632 tỷ đồng. Chương trình đã phân bổ 30.000 tỷ đồng.

Hiện nay, Chính phủ đã có báo cáo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định về phương án phân bổ 9.632 tỷ đồng còn lại của Chương trình. Đồng thời, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép bổ sung thêm 88,6 triệu USD (tương đương khoảng 2.050 tỷ đồng vốn vay ADB thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn).

Như vậy, trong trường hợp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua phương án bổ sung 88,6 triệu USD vốn vay ADB, thì tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021-2025 tăng thêm 2.050 tỷ đồng vốn nước ngoài so với tổng vốn ngân sách trung ương đã được Quốc hội phê duyệt. Nguồn vốn này sẽ được phân bổ cho 16 tỉnh tham gia thực hiện Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn theo quy định.

Trong năm 2023, tổng vốn ngân sách trung ương giao thực hiện Chương trình dự kiến là 10.235 tỷ đồng. Ngay sau khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2023, Bộ NN-PTNT sẽ có văn bản hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và các địa phương triển khai, thực hiện kế hoạch vốn được giao theo đúng quy định.

Trong đó, kế hoạch sẽ phân bổ hơn 1.424 tỷ đồng nguồn vốn nhà nước cho 45 tỉnh nhận hỗ trợ từ ngân sách trung ương và tỉnh Quảng Nam, tỉnh Quảng Ngãi theo các tiêu chí, hệ số phân bổ được quy định. Phân bổ 144,3 tỷ đồng kinh phí sự nghiệp cho các bộ, cơ quan trung ương để thực hiện công tác quản lý chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nội dung thành phần của Chương trình và 1.328,46 tỷ đồng cho các bộ, ngành trung ương và địa phương để triển khai 6 chương trình chuyên đề đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo các tiêu chí, định mức nêu trên. Chương trình cũng sẽ hỗ trợ bổ sung 313,2 tỷ đồng  cho một số địa phương để thực hiện một số nhiệm vụ đột xuất, phát sinh được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với vốn nước ngoài của Chương trình vốn vay ADB, Bộ NN-PTNT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Bộ KH-ĐT, Bộ Tài chính hoàn thiện phương án phân bổ chi tiết báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định trước ngày 31/3/2023, để có cơ sở giao các địa phương triển khai thực hiện.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 50 sản phẩm OCOP, dự kiến đến cuối năm 2022 tổ chức đánh giá phân hạng cho hơn 30 sản phẩm, kế hoạch đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có hơn 200 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP. Tỉnh cũng tập trung đẩy mạnh chương trình chuyển đổi số. Hiện nay, tỷ lệ hộ gia đình có thiết bị thông minh đạt 92,8%; tỷ lệ hộ gia đình có Internet cáp quang đạt 95,5% và 76,75% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác. 100% các đơn vị đã thành lập Tổ công nghệ với 503/503 tổ. Đặc biệt, có gần 25 ngàn hộ sản xuất nông nghiệp đã được số hóa dữ liệu thông tin, trong đó số hộ có tài khoản gian hàng và giao dịch trên sàn thương mại điện tử: 1.286 hộ. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã được đưa lên sàn thương mại điện tử postmart.vn và voso.vn...

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.