Không để đứt gãy nguồn cung xăng dầu

Thứ Năm, 03/11/2022, 19:35 [GMT+7]
In bài này
.

Thị trường xăng dầu thế giới đang diễn biến khó lường, tiếp tục đe dọa tới nguồn cung của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Trước tình hình này, Bộ Công thương đề nghị các DN có vốn Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu xem xét xuất dự trữ thương mại để đáp ứng nhu cầu cho hệ thống, ứng cứu địa bàn thiếu xăng dầu cục bộ.

Trong bối cảnh các mỏ dầu ở Việt Nam đang suy giảm sản lượng nghiêm trọng, việc duy trì khai thác và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định là một sự nỗ lực của Petrovietnam. Trong ảnh: Giàn khai thác mỏ Rạng Đông của Petrovietnam.
Trong bối cảnh các mỏ dầu ở Việt Nam đang suy giảm sản lượng nghiêm trọng, việc duy trì khai thác và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định là một sự nỗ lực của Petrovietnam. Trong ảnh: Giàn khai thác mỏ Rạng Đông của Petrovietnam.

Chấp nhận thiệt thòi để bảo đảm nguồn cung

Thông tin từ Bộ Công thương cho biết, trong 36 đầu mối kinh doanh xăng dầu của cả nước, hiện chỉ có 22 DN thực hiện đạt và vượt kế hoạch được phân giao.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) được xem là trụ cột trong việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Thời gian qua, Petrovietnam đã thực hiện tốt việc đánh giá, dự báo thị trường năng lượng thế giới và trong nước, qua đó xác định vị trí, vai trò của DN trong việc bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước. Petrovietnam cũng đẩy mạnh công tác tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng dầu khí, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi thị trường năng lượng có nhiều biến động.

Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Petrovietnam chia sẻ, năm 2022, ngành năng lượng nói chung và lĩnh vực xăng dầu nói riêng trên thế giới gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, từ tháng 11 này, OPEC tiếp tục cắt giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày và Nga giảm sản lượng xuất khẩu. Điều này sẽ tạo áp lực lớn lên nguồn cung dầu thô và xăng dầu toàn cầu cũng như Việt Nam.  

Với vai trò là DN có vốn Nhà nước, Petrovietnam nhận thức trách nhiệm trong chấp hành nghiêm túc các quy định pháp luật, nỗ lực cao nhất để thực hiện mục tiêu của Chính phủ đặt ra, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, đặc biệt liên quan đến cung ứng xăng dầu cho nền kinh tế. Trong bối cảnh các mỏ dầu ở Việt Nam đang suy giảm sản lượng nghiêm trọng, việc duy trì khai thác và tạo nguồn cung nguyên liệu ổn định là một sự nỗ lực của Petrovietnam. Trong 9 tháng năm 2022, khai thác dầu thô của Petrovietnam đạt 8,15 triệu tấn, bằng 93% kế hoạch năm 2022. Để đạt được kết quả này, Petrovietnam phải đảm bảo duy trì nhịp độ khai thác, đặc biệt là ở các mỏ khai thác chủ lực; công tác quản trị sản lượng, các giải pháp kỹ thuật được áp dụng liên tục, đồng bộ và kịp thời.

Ông Lê Mạnh Hùng cho biết thêm, từ đầu năm 2022 đến nay, Tập đoàn đã bảo đảm Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn luôn hoạt động ổn định với công suất cao hơn công suất thiết kế, ở thời điểm hiện tại đạt 109% công suất. Với Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Petrovietnam cũng  phối hợp chặt chẽ với các đối tác để vận hành nhà máy ổn định, bảo đảm sản lượng sản xuất và giao hàng cho thương nhân đầu mối đủ hoặc cao hơn hợp đồng đã ký kết. Hiện, Nghi Sơn đang hoạt động 100% công suất.

Đại diện Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOil) cho biết, cho đến hết tháng 10/2022, PVOil đã thực hiện tổng nguồn đạt khoảng 3,3 triệu m3/tấn xăng dầu các loại và ước tính hết năm 2022 sẽ đạt khoảng gần 4 triệu m3/tấn, tăng so với bình quân các năm trước đây khoảng 800.000m3/tấn nhằm thực hiện nhiệm vụ đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước. Riêng trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, khi thị trường xăng dầu trong nước biến động mạnh, PVOIL đã cung cấp cho các đơn vị trong hệ thống trên toàn quốc vượt 7% so với kế hoạch, riêng xăng vượt 16%.

Về phía Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, phải chấp nhận thiệt thòi về hiệu quả kinh tế khi mua hàng với giá cao để bảo đảm nguồn cung. Trong 9 tháng năm 2022, Petrolimex đã tạo nguồn 7.347.000m3/tấn xăng dầu, vượt 26% so với kế hoạch được phân giao. Petrolimex cũng đã nhập khẩu đến 140% so với sản lượng nhập khẩu bổ sung quý II được giao theo Quyết định 242 của Bộ Công thương, gồm nhập khẩu 42% và tạo nguồn trong nước 58%.

Người lao động dầu khí bảo trì đường ống tại cụm mỏ Sư Tử Trắng.
Người lao động dầu khí bảo trì đường ống tại cụm mỏ Sư Tử Trắng.

Đề nghị DN xăng dầu Nhà nước xuất dự trữ thương mại

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu trên thế giới biến động mạnh, nhiều DN đầu mối kinh doanh xăng dầu bị thua lỗ do đã nhập khẩu khối lượng xăng dầu tương đối lớn với giá cao (trong quý II), từ quý III giá lại giảm liên tục. Do thua lỗ, nhiều DN đã thu hẹp hoạt động kinh doanh, nhập khẩu cầm chừng, cắt giảm các chi phí kinh doanh, trong đó có việc cắt giảm mạnh chiết khấu bán hàng dẫn đến DN bán lẻ xăng dầu không đủ chi phí duy trì kinh doanh và cắt giảm sản lượng hoặc gián đoạn việc bán hàng.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua, tại một số cây xăng trên địa bàn tỉnh treo bảng “hết xăng”, có nơi treo bảng “hết xăng A95”, “hết xăng còn dầu”. Một số cửa hàng xăng dầu cũng khống chế số lượng, giới hạn bán cho khách hàng, người đi xe ô tô phải đi 2, 3 cây xăng mới đổ đầy bình.

Trước tình trạng trên, Cục Quản lý thị trường tỉnh (QLTT) đã cử lực lượng xuống kiểm tra, giám sát. Qua kiểm tra cho thấy, tình trạng hết xăng chỉ xảy ra cục bộ. Sau khoảng 1, 2 giờ các cửa hàng đã kinh doanh lại bình thường.

Để không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu, tại cuộc họp trực tuyến diễn ra chiều 2/11, Bộ Công thương đã đề nghị các đầu mối DN Nhà nước sản xuất và kinh doanh xăng dầu xem xét xuất dự trữ thương mại để đáp ứng nhu cầu cho hệ thống, cung cấp cho những địa bàn thiếu xăng dầu cục bộ trong thời gian tới. Đồng thời, chia sẻ nguồn cung, kể cả việc tăng sản lượng sản xuất và tăng sản lượng nhập khẩu.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.