Từ những công việc hàng ngày, không ít chị em đã tìm tòi, sáng tạo ra những sản phẩm đem lại giá trị kinh tế cao, tạo vị thế cho phụ nữ trong xã hội.
Bà Nguyễn Thị Hường (ngoài cùng bên trái, ngụ xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) giới thiệu sản phẩm Hạt điều sấy hơi nước Tâm Hồng cho hội viên tại gian hàng khởi nghiệp do Hội LHPN tỉnh tổ chức. |
Tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu tại địa phương
Trên địa bàn ấp 5, xã Tóc Tiên (TX.Phú Mỹ) đặc thù đất cát pha cằn cỗi khó canh tác, cây trồng chủ lực tại đây là cây điều, trước năm 2012, bà Nguyễn Thị Hường đi làm công nhân cho một công ty tách vỏ hạt điều tại xã Tóc Tiên. Nhận thấy nhân hạt điều loại 1 đều được xuất khẩu đi các nước, số còn lại được chế biến thành các sản phẩm là: hạt điều rang muối, kẹo hạt điều… tiêu thụ tại thị trường địa phương, bà Hường tự nhủ: “Tại sao không tạo ra một sản phẩm tốt nhất, giữ nguyên hương vị, chất lượng và bán giá cả phải chăng cho người dân sử dụng”. Sau nhiều đêm trăn trở, năm 2012, bà bàn bạc với các thành viên trong gia đình dồn hết nguồn vốn tích góp được thuê thợ về lắp hệ thống sấy hạt điều bằng hơi nước tại nhà.
Với quy trình nghiêm ngặt từ khâu thu hoạch, tách vỏ, đem hấp chín và mang vào lò sấy, mẻ nhân hạt điều 200kg đầu tiên của gia đình bà Hường cho ra sản phẩm tương đối vừa ý. “Dù chưa được giòn, vỏ còn khó bóc nhưng đây là bước đi thành công của tôi trong việc tạo ra một sản phẩm chất lượng. Tôi đã căn chỉnh thời gian, hoàn thiện các khâu và cho ra sản phẩm giữ được hương vị nguyên chất từ 92-96%, làm nên thương hiệu hạt điều sấy hơi nước Tâm Hồng”, bà Hường cho biết. Vừa qua, bà Hường vinh dự đạt giải Nhất cuộc thi viết ý tưởng, dự án khởi nghiệp năm 2022 do Hội LHPN tỉnh tổ chức, với ý tưởng “Sản xuất và kinh doanh hạt điều sấy khô bằng hơi nước”.
Chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (bên phải, ngụ xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) giới thiệu các sản phẩm chế biến từ mật ong thiên nhiên cho khách hàng. |
Cùng hướng về các sản phẩm từ thiên nhiên có nhiều công dụng làm đẹp cho phụ nữ và chữa các bệnh cảm cúm thông thường cho trẻ em, chị Nguyễn Thị Thanh Trúc (thôn Đông Hải, xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ) sáng tạo thành công các sản phẩm từ mật ong thiên nhiên gồm: mật ong nhân sâm tinh bột nghệ, mật ong chanh gừng, mật ong nghệ sữa ong chúa… Chia sẻ về ý tưởng độc đáo này, chị Trúc cho biết, năm 2020, nhận thấy nguồn mật ong hoa cà phê của người thân trong gia đình nuôi có màu đẹp, hương thơm nồng nàn, để được lâu mà không đóng đường. Đang có con nhỏ và đang tìm mua các sản phẩm mật ong từ thiên nhiên, chị Trúc mạnh dạn mua mật ong về chế biến thành các sản phẩm và dùng thử. Sản phẩm mang lại hiệu quả tốt, chị chia sẻ cho người thân trong gia đình cùng sử dụng và chế biến nhiều hơn trữ dùng dần. Năm 2021, được Hội Nông dân thị xã hỗ trợ vốn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách - Xã hội thị xã, chị mạnh dạn đầu tư các loại máy móc, trang thiết bị chuyên dụng để tách mật, đầu tư quầy kệ, nhãn hiệu, bao bì sản phẩm mang bán ra thị trường. Sản phẩm thiên nhiên có giá cả phải chăng từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng, hương vị thơm ngon nên được khách hàng ưa chuộng. Mỗi năm gia đình chị thu vào hơn 200 triệu đồng.
Khẳng định vai trò của phụ nữ trong xã hội
Với chị Nguyễn Thị Tuyết Hằng (phường Phước Hưng, TP.Bà Rịa) lại có niềm yêu thích đặc biệt với thiên nhiên, hoa cỏ và các sản phẩm thân thiện với môi trường. Giữa năm 2021, trong thời gian ở nhà thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, chị Hằng quyết định dấn thân vào lĩnh vực hoàn toàn mới là khởi nghiệp bằng sản xuất và kinh doanh các sản phẩm Enzyme sinh học, sử dụng phương pháp ngâm ủ và lên men các phế phẩm nông sản.
Nguồn nguyên liệu chính được chị Hằng sử dụng làm chất tẩy rửa đa năng có công dụng rửa chén, ngâm rửa rau củ quả, lau nhà, lau chùi vật dụng là vỏ trái cây, rau, củ, quả... còn các nguyên liệu như: cam, hoa, hồng, táo ... được chị sử dụng làm các sản phẩm Enzyme cao cấp hơn để tắm, gội, rửa mặt, tẩy trang.
Nguyên liệu mua về được chị tách, sàng lọc kỹ càng rồi trộn chung với các nguyên liệu cần thiết khác; thêm nước và khuấy đều để tạo dung môi ngâm ủ. Sau khoảng 3 tháng, đem dung môi đi tách lọc nước cốt để lấy Enzyme và tạo ra Enzyme thành phẩm.
Các sản phẩm Enzyme sinh học GE được chị Hằng bán trên các sàn thương mại điện tử, đem lại nguồn thu từ 5-10 triệu đồng/tháng.
Chị Hằng chia sẻ: “Tôi từng có công việc vị trí cao, mức lương ổn định lại một công ty nước ngoài. Lúc đầu nghiên cứu vì đam mê, dần dần tôi nhận ra đây là công việc mình yêu thích và có niềm tin với nó trong tương lai. Tôi quyết tâm theo đuổi, thử sức kinh doanh các sản phẩm thân thiện với môi trường này”.
Bà Lê Thị Kim Thu, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, để phong trào phụ nữ khởi nghiệp, sáng tạo trong hội viên ngày một lan tỏa, phát triển. Hằng năm, Hội LHPN các cấp tiếp nhận từ 100-150 lượt đăng ký ý tưởng, dự án khởi nghiệp của hội viên, trong đó có nhiều ý tưởng, dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp do UBND tỉnh và Trung ương Hội tổ chức.
|
Bài, ảnh: MAI NGỌC