.

Người dân ồ ạt gửi tiền ngân hàng

Cập nhật: 17:02, 20/11/2022 (GMT+7)

Lãi suất huy động liên tục tăng cao trong những ngày gần đây khiến nhiều người dân tiếp tục gom tiền gửi ngân hàng thay vì những kênh đầu tư khác.

Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ.

Lãi suất huy động liên tục tăng cao

Khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua, lãi suất tiết kiệm đã liên tục được các ngân hàng điều chỉnh tăng. Từ mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 7,5%/năm của tháng trước rồi lên 8%, rồi sau đó 9% và đến nay đã chạm mốc 10%/năm.

Chẳng hạn tại Techcombank, trong vòng 10 ngày qua đã hai lần điều chỉnh lãi suất. Lần điều chỉnh mới đây nhất là ngày 15/11, ngân hàng này tăng thêm 0,3 điểm % ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất cao nhất tại ngân hàng đã lên 9%/năm, áp dụng cho khách hàng ưu tiên gửi mới tiết kiệm kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Đối với khách hàng thường, lãi suất cao nhất là 8,8%/năm.

Qua tìm hiểu cho thấy, Techcombank  không phải là ngân hàng duy nhất tăng lãi suất huy động tiền gửi trong nửa đầu tháng 11 này, mà đã có hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất, ở mức 9% thậm chí cao hơn. Cụ thể SCB (9,7%/năm); SeABank, (9,4%/năm); GPBank, ABBank. Bên cạnh đó, các ngân hàng này còn có các chương trình ưu đãi, khuyến mãi như cộng lãi suất, tặng quà tùy theo lượng tiền mà khách hàng gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, để được hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải gửi ở các kỳ hạn dài (từ 12 tháng trở lên), đi cùng với đó là một số điều khoản và điều kiện cùng số tiền gửi.

Ở kỳ hạn ngắn, nhiều ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng kịch trần 6%/năm và với kỳ hạn 3-5 tháng thì hầu hết tối đa 6%/năm.

Đáng chú ý, trong đợt điều chỉnh lãi suất vừa qua có sự tham gia của VietinBank.  Đây là ngân hàng đang có lãi suất huy động tiền gửi khách hàng cá nhân cao nhất nhóm ngân hàng quốc doanh với mức 8,2%/năm, áp dụng cho các khoản gửi online kỳ hạn 12-24 tháng. Đối với lãi suất huy động khách hàng cá nhân tại quầy, VietinBank hiện vẫn tương đương nhóm ngân hàng Vietcombank, BIDV, Agribank với mức 4,9-5,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn gửi 1-5 tháng; 6%/năm với tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng và 7,4%/năm với các khoản gửi 12 tháng trở lên.

Dịch chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng

Lãi suất huy động liên tục tăng cao đã thu hút được lượng tiền lớn nhàn rỗi trong dân. Bà Lâm Thị Hồng Ngọc, Phó Giám đốc NHNN, chi nhánh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, đến cuối tháng 9/2022, tổng nguồn huy động trên địa bàn tăng trưởng trở lại (tăng 388 tỷ đồng so với cuối tháng 8/2022) và tiếp tục duy trì tăng trưởng trong tháng 10/2022. Tính đến cuối tháng 10, tổng nguồn huy động từ nền kinh tế trên địa bàn đạt 171.300 tỷ đồng, tăng 0,46% so với tháng trước. Tiền gửi tiết kiệm đạt 93.800 tỷ đồng, chiếm 54,76% tổng nguồn huy động. Trong đó, tiền gửi bằng đồng Việt Nam đạt 153.400 tỷ đồng, chiếm 89,55% trong tổng nguồn vốn huy động; tiền gửi bằng ngoại tệ đạt 17.900 tỷ đồng, chiếm 10,45% trong tổng nguồn vốn huy động.

Theo phản ánh của một số người dân, khi lãi suất thay đổi từng ngày, nhiều khách hàng đã có xu hướng gửi kỳ hạn ngắn để chờ đợi diễn biến tiếp theo của thị trường. Và đặc biệt, một làn sóng ngầm dịch chuyển tiền gửi giữa các ngân hàng cho thấy đang diễn ra cuộc cạnh tranh mạnh mẽ. Một số khách hàng chờ khi đến hạn nhưng cũng có khách hàng rút trước hạn để gửi ngân hàng có lãi suất cao hơn.

Cách đây 2 tuần, chị Thanh nhà ở đường Lê Lợi (TP. Vũng Tàu) đến hạn rút khoản tiền tiết kiệm tại một ngân hàng. Bình thường như mọi năm, chị để vậy gửi tiếp, tuy nhiên gần đây do lãi suất ngân hàng liên tục được điều chỉnh và có sự chênh lệch khá lớn nên chị đã ra rút và gửi ở một ngân hàng khác có lãi suất cao hơn.

Theo phản ánh của một số ngân hàng cổ  phần nhỏ, dù thanh khoản đang tốt nhưng để bảo đảm nguồn huy động vốn trong dài hạn, các ngân hàng này  cũng phải chạy đua tăng lãi suất để giữ chân khách hàng.   

Bài, ảnh: PHAN HÀ

 
.
.
.