Giải bài toán thiếu vật liệu san lấp công trình
Đến năm 2030, đất cát san lấp phục vụ các công trình của tỉnh ước tính thiếu khoảng 36 triệu m3. Để giải quyết nguồn vật liệu còn thiếu này, Sở TN-MT đề xuất tận dụng nguồn đất cát san lấp từ nhu cầu cải tạo đất canh tác nông nghiệp của người dân.
Hiện các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh nhu cầu vật liệu khá lớn, nhất là vật liệu san lấp. Trong ảnh: Thi công Cầu Sông Rạng - dự án đường Long Sơn - Cái Mép. |
Đến năm 2030, thiếu 36 triệu m3 đất cát san lấp
Theo quy hoạch tài nguyên khoáng sản giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 30/2016 ngày 07/9/2016, sau đó điều chỉnh, bổ sung và HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 34/2018 ngày 14/12/2018), trên địa bàn tỉnh có 60 khu vực quy hoạch khoáng sản với tổng diện tích hơn 1.704ha, trữ lượng hơn 305 triệu m3 và 242.000 tấn than bùn.
Kết quả rà soát quy hoạch tài nguyên khoáng sản giai đoạn đến năm 2020, đã loại bỏ 18 khu vực với diện tích hơn 411ha với tổng trữ lượng hơn 10 triệu m3; giữ lại 42 khu vực với diện tích hơn 1.243ha, tổng trữ lượng hơn 211 triệu m3. Trong đó, đá xây dựng - 27 khu vực, trữ lượng hơn 168 triệu m3; cát xây dựng - 6 khu vực, trữ lượng hơn 6 triệu m3; vật liệu san lấp - 4 khu vực, trữ lượng gần 5 triệu m3; sét gạch ngói - 4 khu vực, trữ lượng hơn 6 triệu m3; than bùn - 1 khu vực, trữ lượng 200.000 tấn.
Theo số liệu từ các sở, ngành và địa phương cung cấp, tổng nhu cầu vật liệu cho các công trình sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách từ năm 2022 đến 2030 là hơn 32 triệu m3 đá các loại, gần 7 triệu m3 cát xây dựng, hơn 109 triệu m3 đất đắp nền. Trong đó, riêng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn qua địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có chiều dài tuyến 19,5km, ước tính cần 738.000 m3 đá các loại và gần 1,5 triệu m3 đất đắp nền.
Trước nhu cầu lớn về vật liệu phục vụ cho các công trình, cơ quan chức năng, địa phương thời gian qua đã tìm kiếm, bổ sung thêm vào quy hoạch và huy động nguồn đất cát san lấp. Từ đó, đã bổ sung mới 3 khu vực cát xây dựng, trữ lượng gần 5 triệu m3; bổ sung mới 1 khu vực đất, cát san lấp, trữ lượng khoảng 1,6 triệu m3. Đồng thời, huy động đất cát san lấp từ các mỏ cát sau tuyển rửa (gần 6 triệu m3), sản phẩm bột đá (hơn 14 triệu m3), nguồn đất tầng phủ từ mỏ đá (gần 5 triệu m3), nguồn nạo vét các hồ thủy lợi (hơn 37,7 triệu m3), nguồn nạo vét luồng lạch (3,5 triệu m3).
Tuy nhiên, cân đối giữa nhu cầu với nguồn vật liệu sau rà soát, bổ sung thì đá xây dựng và cát xây dựng đủ đáp ứng cho các công trình của tỉnh đến năm 2030. Riêng đất cát san lấp thiếu khoảng 36 triệu m3.
Tận dụng nguồn đất cát san gạt dôi dư của người dân
Để giải quyết nguồn vật liệu còn thiếu so với nhu cầu đến năm 2030, Sở TN-MT đề xuất tận dụng nguồn đất cát san lấp từ nhu cầu cải tạo đất canh tác nông nghiệp của người dân để bổ sung vào nguồn đất cát san lấp còn thiếu. Theo đó, Sở NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN-MT, UBND các địa phương xây dựng quy định giải quyết theo hướng hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu cải tạo, san hạ mặt bằng đăng ký với UBND các địa phương. Sở NN-PTNT có trách nhiệm kiểm tra, xác nhận sự phù hợp, trên cơ sở đó UBND cấp huyện cung cấp thông tin cho các ban quản lý dự án và chủ đầu tư công trình trọng điểm của tỉnh để tự liên hệ, thỏa thuận việc san hạ. Sau khi thống nhất, người dân sẽ làm đơn đề nghị thu hồi khoáng sản trong quá trình san hạ và cam kết chỉ sử dụng cho công trình trọng điểm đã thỏa thuận với chủ đầu tư.
Về biện pháp lâu dài, Sở TN-MT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh báo cáo Bộ TN-MT đề xuất Chính phủ có quy định cụ thể giải pháp cho phép người dân được thu hồi khối lượng khoáng sản dôi dư này để trừ chi phí cải tạo và tận dụng nguồn vật liệu trong dân phục vụ cho các công trình trọng điểm và công trình dân sinh khác.
Phát biểu trong cuộc họp ngày 15/11 do ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì nghe Sở TN-MT báo cáo kết quả rà soát quy hoạch tài nguyên khoáng sản và đề xuất giải quyết nguồn vật liệu còn thiếu so với nhu cầu đến năm 2030, ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Sở TN-MT cho biết, hiện cách xử lý san gạt các đồi trong dân nguồn khoáng sản dư ra rất lớn. Vì vậy, các địa phương có đánh giá cụ thể khối lượng khoáng sản dôi dư khi người dân san gạt cải tạo đất để canh tác. Qua khảo sát của Sở TN-MT và Sở Xây dựng tại các huyện, nhu cầu san gạt của người dân rất lớn, nếu thống kê được khối lượng khoáng sản dôi dư này sẽ cân đối được khối lượng đất san lấp đang thiếu.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chuyên ngành giao thông tỉnh cho rằng, việc cải tạo đất của người dân để canh tác nông nghiệp có ưu điểm là nguồn vật liệu phong phú, dồi dào và dàn trải trên khắp các địa phương. Cho nên công trình nào cũng có thể được tiếp nhận nguồn vật liệu này, giúp giải quyết được nhu cầu trước mắt. “Hiện thủ tục cấp mới mỏ khai thác khoáng sản, đấu giá tài nguyên thời gian kéo dài. Cho nên giải pháp khả dĩ nhất là gia hạn cấp phép các mỏ theo quy hoạch và tận dụng nguồn vật liệu dôi dư của người dân san gạt cải tạo đất”, ông Tứ nhấn mạnh.
Sau khi nghe ý kiến của các thành viên tham dự họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Vinh chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát nhu cầu người dân cải tạo đất để canh tác nông nghiệp. Qua đó, thống kê khối lượng nguồn đất, cát san gạt dôi dư. Trong vòng 10 ngày phải có con số cụ thể, sau đó, các địa phương báo cáo số liệu về Sở TN-MT. Trên cơ sở đó, Sở TN-MT tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Tỉnh ủy về quy hoạch tài nguyên khoáng sản và đề xuất hướng giải quyết nguồn vật liệu san lấp còn thiếu khoảng 36 triệu m3.
Bài, ảnh: SA HUỲNH