Giá nhiên liệu tăng, nhiều tàu cá nằm bờ

Thứ Tư, 16/11/2022, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều tàu cá trên địa bàn tỉnh đang phải nằm bờ vài tháng nay do giá nhiên liệu tăng cao, nếu ra khơi chắc chắn sẽ thua lỗ. Ngư dân rất mong chờ Nhà nước sớm có chính sách hỗ trợ, nhất là chi phí nhiên liệu để họ tiếp tục vươn khơi bám biển.

Chi phí tăng cao, trong khi sản lượng ít, giá cả thấp khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc thu hoạch cá sau chuyến ra khơi.
Chi phí tăng cao, trong khi sản lượng ít, giá cả thấp khiến nhiều tàu cá phải nằm bờ. Trong ảnh: Ngư dân xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc thu hoạch cá sau chuyến ra khơi.

Cứ ra khơi là... thua lỗ

Vừa có chuyến đi biển hơn 1 tháng sau thời gian dài nằm bờ, nay tàu cá của ông Nguyễn Văn Minh (xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) lại tiếp tục phải “buộc neo” bởi chuyến đánh bắt vừa rồi thua lỗ nặng. Hơn 30 năm làm nghề biển, ông Minh chưa bao giờ phải neo tàu thời gian dài đến vậy. Trước đây, mỗi lần mưa bão, thiên tai, tàu ông cũng chỉ nghỉ ngơi vài ngày rồi tiếp tục ra khơi, bám biển. Nhưng từ cuối năm ngoái tới nay, số chuyến đi biển của gia đình ông chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Ông Minh cho hay, năm ngoái dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, năm nay giá xăng dầu liên tục biến động, có thời điểm tăng cao. Tàu cá của ông đã nằm bờ 2-3 tháng bởi cứ chuyến nào ra khơi cũng thua lỗ. “Bây giờ cá tôm ít, giá nhiên liệu, nhân công tăng cao, nhiều ngư dân chưa ra khơi đã biết trước thua lỗ. Chúng tôi cũng ráng đi vài ba chuyến để duy trì nghề nhưng mỗi chuyến lại thua lỗ 20-30 triệu đồng nên buộc phải ở nhà”, ông Minh chia sẻ.

Tương  tự, ông Phạm Sơn Trường (TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ), chủ ghe lưới lặn, cũng đang phải cho ghe nằm bờ vì sợ thua lỗ. Cuộc sống của gia đình ông rơi vào khó khăn. Thay vì bám biển, hiện ông phải làm thuê nghề khác để có tiền trang trải cuộc sống. “Càng đi biển càng lỗ, nợ nần nhiều không có nguồn thu trả nên chúng tôi buộc phải ở nhà. Rất mong Nhà nước có chính sách hỗ trợ ngư dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, có động lực để tiếp tục vươn khơi, bám biển”, ông Trường bày tỏ.

Theo phản ánh của các chủ tàu cá và địa phương trên địa bàn tỉnh, với giá dầu như hiện nay, tàu đi đánh bắt nhiều khả năng sẽ không mang lại hiệu quả. Chi phí chuyến biển quá cao, doanh thu không đủ bù chi phí, tình trạng thiếu lao động khai thác cũng đang gây khó khăn cho chủ tàu, dẫn đến tàu phải nằm bờ.

Trước việc giá xăng dầu tăng, tàu cá hoạt động nghề lưới kéo chịu ảnh hưởng nhiều nhất vì mỗi chuyến biển phải sử dụng hơn 40.000 lít dầu, chi phí tăng thêm mỗi chuyến biển (chỉ tính riêng dầu) khoảng hơn 288 triệu đồng. Tiếp đó là nghề lưới rê và lưới vây chi phí tăng thêm của mỗi chuyến biển từ 64-86 triệu đồng. Ảnh hưởng thấp nhất là nghề câu, nghề chụp chi phí tăng thêm mỗi chuyến biển từ 14-28 triệu đồng.

Do nằm bờ quá lâu, tàu cá của ngư dân Đăng Quang Đực (KP. Hải Trung, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi máy móc có dấu hiệu hư hỏng.
Do nằm bờ quá lâu, tàu cá của ngư dân Đăng Quang Đực (KP. Hải Trung, TT. Phước Hải, huyện Đất Đỏ) đang phải đối mặt với nhiều rủi ro khi máy móc có dấu hiệu hư hỏng.

Kiến nghị hỗ trợ ngư dân

Việc xăng dầu tiếp tục có nhiều biến động như thời gian qua sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới ngư dân trên địa bàn tỉnh. Tình trạng tàu cá nằm bờ có thể kéo dài nếu Nhà nước không có những chính sách hỗ trợ cho ngư dân, nhất là chi phí nhiên liệu đang tăng trở lại và diễn biến khó lường.

Toàn tỉnh có 5.638 tàu cá. Số tàu cá hoạt động khai thác vùng lộng, vùng khơi đang nằm bờ, tạm ngưng hoạt động trong toàn tỉnh khoảng 685 tàu/4.643 thuyền viên. Trong đó, tàu cá của huyện Long Điền đậu bờ nhiều nhất 400 chiếc/2.400 thuyền viên. Kế đến là TP. Vũng Tàu 205 chiếc, huyện Xuyên Mộc 44 chiếc, huyện Đất Đỏ 27 chiếc…

Tháng 6/2022, Bộ NN-PTNT đã có văn bản gửi các bộ Công thương, LĐ-TBXH về việc hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng bởi giá xăng dầu tăng cao. Theo Bộ NN-PT NT, do giá xăng dầu tăng quá cao đã ảnh hưởng tiêu cực đến nghề đánh bắt hải sản. Hiện số lượng tàu cá phải ngừng hoạt động đã lên đến 40-55%, đặc biệt các tàu cá làm nghề tiêu thụ nhiều nhiên liệu như: lưới kéo, nghề rê. Điều này làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập, đời sống và an sinh xã hội của cộng đồng ngư dân.

Bộ NN-PT NT đề nghị hỗ trợ thuyền viên làm việc trên tàu cá tạm ngừng hoạt động sản xuất do giá nhiên liệu tăng. Thời gian hỗ trợ trước mắt 6 tháng. Mức hỗ trợ theo mức lương tối thiểu của vùng áp dụng đối với người lao động quy định tại Nghị định số 90/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Ngư dân trên địa bàn tỉnh kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ để họ tiếp tục vươn khơi bám biển.
Ngư dân trên địa bàn tỉnh kiến nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ để họ tiếp tục vươn khơi bám biển.

Riêng tại  Bà  Rịa-Vũng  Tàu, nhằm tháo gỡ những khó khăn cho ngư dân, UBND tỉnh đã có báo cáo số 14200/UBND-VP kiến nghị gửi Bộ NN-PTNT phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng của giá xăng dầu tăng cao đối với chủ tàu, thuyền viên hoạt động khai thác thủy sản. Cụ thể, hỗ trợ 10 triệu đồng/tàu đối với chủ tàu cá có tàu tạm ngưng hoạt động; hỗ trợ 3 triệu đồng/thuyền viên, người lao động trên tàu khai thác thủy sản đang tạm ngưng hoạt động. UBND tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ tối đa 30% tổng số tiền chênh lệch giá dầu trong chuyến biển tham gia hoạt động khai thác thủy sản trong thời gian ảnh hưởng của giá dầu tăng.

Bài, ảnh: PHÚC HIẾU

;
.