Cơ giới hóa nông nghiệp chưa đồng bộ

Chủ Nhật, 06/11/2022, 19:06 [GMT+7]
In bài này
.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được coi là khâu then chốt, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, việc cơ giới hóa trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đồng bộ, chủ yếu tập trung ở một số khâu làm đất, cung cấp nước, thức ăn.

Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền sử dụng máy cấy.
Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền sử dụng máy cấy.

Cơ giới hóa một phần

Gia đình ông Trương Bình Minh, ở ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức có 1,5ha trồng tiêu đang thu hoạch. Ông đã đầu tư hệ thống tưới nước tự động theo công nghệ Israel kết hợp bộ châm phân bón tự động. Hệ thống dây nhỏ giọt được thiết kế bù áp nên bảo đảm lưu lượng nước ra đồng đều trên vườn. Tuy nhiên, ngoài khâu tưới nước, ông vẫn thực hiện việc thu hoạch và bảo quản tiêu theo phương thức truyền thống, khiến chi phí sản xuất cao.

Theo tính toán của ông Minh, để thu hoạch được 1 tấn tiêu, ông phải thuê từ 3-5 nhân công làm liên tục trong 15 ngày với giá thuê dao động từ 250-300 ngàn đồng/công. Như vậy, chỉ riêng tiền thuê nhân công đã mất khoảng 17-20 triệu đồng, chưa kể các loại chi phí khác. “Khâu thu hoạch hồ tiêu mất rất nhiều thời gian và nhân công, đòi hỏi chúng tôi phải đầu tư nhiều. Mặc dù giá tiêu thấp, không đủ chi phí, song tới vụ chúng tôi vẫn phải thuê người hái, nếu không sẽ ảnh hưởng tới cây trồng và chất lượng trái vụ tiếp theo”, ông Minh nói.

Ông Nguyễn Cảnh Thái Dương, ở ấp Liên Lộc, xã Xà Bang, huyện Châu Đức có 1,5ha trồng bơ cho biết, nhờ mạnh dạn cơ giới hóa nên đã giảm chi phí trong khâu chăm sóc, tăng chất lượng, năng suất cũng khá cao từ 15-20 tấn/ha/năm.

“Tuy nhiên, khâu bảo quản sau thu hoạch vẫn còn gặp nhiều khó khăn, mới chỉ dừng lại ở sơ chế. Việc thu hoạch và chế biến sau thu hoạch còn hạn chế do thiếu đồng bộ về hạ tầng. Chi phí đầu tư máy móc sau thu hoạch cao nên nhiều nông dân vẫn chưa có điều kiện đầu tư, khiến cho nông sản chưa tăng giá trị”, ông Dương bày tỏ.

Đẩy mạnh cơ giới hóa ở mọi khâu

Theo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNT), trên địa bàn tỉnh có hơn 400 loại máy móc phục vụ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp với số lượng hơn 115 ngàn chiếc, chủ yếu ở lĩnh vực khai thác hải sản.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 858/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông, lâm, thủy sản đến năm 2030. Bộ NN-PTNT cũng đang trình Chính phủ dự thảo nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp làm cơ sở pháp lý triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới. Mục tiêu của cơ giới hóa đồng bộ đến năm 2030: trồng trọt đạt 70%; chăn nuôi đạt 60%; sản xuất thủy sản đạt 90% và đánh bắt bảo quản là 95%; lâm nghiệp đạt 50% và diêm nghiệp đạt 90%.

Các khâu thu hoạch, sơ chế, bảo quản nông sản mới dừng lại ở một số mô hình ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản rau, trái cây sau thu hoạch. Mức độ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất nông nghiệp vẫn còn thiếu đồng bộ, có sự chênh lệch khá lớn. Điển hình như khâu làm đất đạt 100%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 80%, nhưng khâu thu hoạch mới chỉ đạt 20% và 30% đối với khâu sấy. Ngoài ra, việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp vẫn gặp một số khó khăn như diện tích nhỏ lẻ, manh mún, nông dân thiếu vốn đầu tư máy móc.

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, ngành nông nghiệp đang tiếp tục rà soát các văn bản pháp lý liên quan để tham mưa đẩy mạnh dự án cơ giới hóa nông nghiệp và ứng dụng công nghệ sau thu hoạch để triển khai đồng bộ cho người dân trong thời gian tới.

“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tập trung tuyên truyền, hướng dẫn nâng cao kỹ năng, trình độ cho người dân tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm mang lại hiệu quả, giảm sức lao động, chi phí sản xuất”, ông Đăng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.