Với phương châm "Tất cả vì sự hài lòng của nhà đầu tư", Bà Rịa - Vũng Tàu đã và đang đón nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất. Tỉnh sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch và công bằng để các nhà đầu tư phát triển bền vững.
Bà Rịa- Vũng Tàu có hạ tầng giao thông thuận lợi là những điều kiện quan trọng để thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Trong ảnh: Đường QL 56 tuyến tránh TP.Bà Rịa. |
“Top 5” về thu hút đầu tư
Đánh giá về tiềm năng cũng như các cơ hội đầu tư tại Bà Rịa-Vũng Tàu, ông Philippe Fouet, Trưởng ban Kinh tế của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam bày tỏ, ông rất ấn tượng khi thăm hệ thống cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) các KCN và các dự án lớn đã triển khai cũng như các dự án sẽ được thực hiện trong thời gian tới.
“Trong tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa-Vũng Tàu được định hướng sẽ trở thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á, trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế, là trung tâm công nghiệp lớn của vùng Đông Nam Bộ. Tỉnh cũng phấn đấu sẽ trở thành tỉnh đầu tiên ở Việt Nam đạt được mục tiêu đưa mức phát thải carbon dioxide về trạng thái trung tính “net-zero”.
Nhằm phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tỉnh và khu vực, trong thời gian tới, định hướng tỉnh sẽ phát triển dựa trên các lĩnh vực kinh tế trọng tâm như: công nghiệp, dịch vụ logistics, dịch vụ bảo đảm an toàn hàng hải, du lịch, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao và phát triển nông nghiệp, thủy sản theo các mô hình sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn. Đặc biệt chú trọng phát triển của hệ thống cảng biển, khu thương mại tự do và các KCN. Để thực hiện mục tiêu đó, tỉnh luôn lắng nghe, đồng hành cùng DN, nhà đầu tư; dần hoàn thành quy hoạch tỉnh, trong đó nêu rõ định hướng, các khu vực tiềm năng, lợi thế của tỉnh để tiếp tục thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước”.
(Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị của Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài ngày 17/9/2022)
|
“Chúng tôi biết rằng, Bà Rịa-Vũng Tàu là một điểm đến hấp dẫn nhờ vị trí địa lý chiến lược, cho phép phát triển các cơ sở hạ tầng giao thông quan trọng. Vì thế, các DN hoạt động tại tỉnh có điều kiện để tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đây cũng là địa phương nằm trong nhóm các địa phương năng động nhất của Việt Nam (với tỷ lệ tăng trường ấn tượng trong năm nay), là điểm đến tất yếu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, với tổng vốn đầu tư đạt 33 tỷ USD, Bà Rịa-Vũng Tàu đang đứng thứ 5 về thu hút đầu tư nước ngoài và đứng thứ 5 về tổng sản phẩm quốc nội GDP (PIB). Do đó, Pháp không thể vắng mặt tại Bà Rịa – Vũng Tàu và hơn thế, chúng tôi cần phải làm nhiều hơn và làm tốt hơn nữa”- ông Philippe Fouet bày tỏ.
Báo cáo từ Sở KH-ĐT cho biết, nhờ nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường các hoạt động hỗ trợ DN, đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng… nên Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn thu hút được nhiều dự án. Chỉ tính riêng 10 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư cho 38 dự án FDI với tổng vốn đăng ký mới và tăng thêm 705,73 triệu USD; cấp mới và điều chỉnh vốn đầu tư 52 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký tăng thêm 21.765,5 tỷ đồng. Dự kiến năm 2022, trên địa bàn tỉnh thu hút được nguồn vốn đầu tư khoảng 1.455 triệu USD.
Để đạt được kết quả trên, tỉnh luôn đồng hành với các DN, chú trọng giải quyết kịp thời các vướng mắc, khó khăn, hỗ trợ DN yên tâm hoạt động, từ đó tạo ra kênh xúc tiến đầu tư tại chỗ hiệu quả. Tỉnh đã đón nhiều đoàn nhà đầu tư nước ngoài đến nghiên cứu tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh như: Đoàn công tác của chính quyền TP.Monterey Park, bang California (Hoa Kỳ), Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia PTT Thái Lan và Công ty CUIYC Singapore, Đoàn Đại biểu cấp cao tỉnh Xiêng - Khoảng (CHDCND Lào), Tập đoàn Anadi (Ấn Độ), Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu...
Theo ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN, các cơ quan chức năng của tỉnh đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính. Các KCN đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút thêm nhiều dự án sản xuất; tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai, tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ các DN phát triển sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, tỉnh đã tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc gắn với bảo vệ môi trường, sử dụng có hiệu quả quỹ đất và hình thành các CCN liên kết với nhau, tạo nguồn hàng cho hệ thống cảng CM-TV, thực hiện điều chỉnh ngành, nghề nhằm thu hút đầu tư vào tỉnh.
Toàn cảnh dự án Nhà máy sản xuất Polypropylene (PP) và Kho ngầm chứa khí hóa lỏng LPG Hyosung, một trong những dự án lớn có sức lan tỏa tại Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Phát huy thế mạnh thu hút đầu tư
Đánh giá từ các nhà đầu tư cho thấy, thế mạnh của Bà Rịa-Vũng Tàu trong thu hút đầu tư đó là về tài nguyên và thiên nhiên đứng thứ 5 châu Á về khai thác dầu khí, hơn 93% lượng dầu và 16% lượng khí thiên nhiên của Việt Nam nằm ở thềm lục địa ngoài khơi Bà Rịa-Vũng Tàu. Trữ lượng dầu mỏ ước tính hơn 1,5 tỷ tấn, khí đốt khoảng 1.000 tỷ m3.
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có bờ biển dài hơn 100km; 8 nhà máy điện với tổng công suất hơn 4.244 MW, chiếm khoảng 16,8% sản lượng điện quốc gia; 9 nhà máy nước công suất khoảng hơn 200.000m3/ngày đêm. Về hạ tầng giao thông, những năm vừa qua, tỉnh đã tập trung nguồn lực để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đến cảng biển, sân bay, các tỉnh, thành phố lân cận và ra quốc tế.
Cùng với những lợi thế trên, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có lợi thế về cảng biển nước sâu, về phát triển công nghiệp, du lịch, có hạ tầng giao thông thuận lợi, cùng với sự phát triển năng động của các tỉnh lân cận trong khu vực Đông Nam Bộ là những điều kiện quan trọng để Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút đầu tư, huy động nguồn lực cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đến nay trên địa bàn tỉnh có 445 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký 30.268,3 triệu USD; 689 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư đăng ký 355.855 tỷ đồng. Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục là nơi được các nhà đầu tư trong nước chọn để đầu tư, với ngành nghề sản xuất kinh doanh, dịch vụ rất đa dạng như công nghiệp (sản xuất ống thép), nông nghiệp, hóa chất, phân bón, cơ khí, dịch vụ hàng hải, thiết bị dụng cụ, vật tư y tế; thuốc, thực phẩm bảo vệ sức khỏe… |
Ông Nguyễn Tấn Cường, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT cho biết, nhằm phát huy các thế mạnh, tỉnh hiện đang thực hiện định hướng thu hút đầu tư: “Kiên trì thu hút đầu tư có chọn lọc các dự án quy mô lớn, có công nghệ hiện đại, giá trị gia tăng cao, không thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; xây dựng tốt môi trường đầu tư kinh doanh, công khai, minh bạch các thông tin, đáp ứng nhu cầu, tạo sự thuận tiện hơn nữa cho người dân và DN; phát triển khu vực kinh tế tư nhân, hướng tới hình thành một số DN địa phương đủ năng lực để tham gia liên kết với các tập đoàn kinh tế lớn”.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN