Giá USD tăng khiến những DN phải nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất bị đội chi phí nhập khẩu, phí vận tải và khoản chênh lệch tỷ giá lớn. Điều này khiến giá thành tăng, lợi nhuận và sức cạnh tranh của hàng hóa giảm.
Tỷ giá ngoại tệ biến động mạnh đã tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN xuất nhập khẩu. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Twinkle Việt Nam gia công vali, túi xách xuất khẩu. |
Doanh nghiệp gặp khó
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood) cho biết, nguyên liệu trong nước giảm dần nên DN phải nhập từ nước ngoài. Khi nhập khẩu nguyên liệu, DN phải giao dịch bằng ngoại tệ. Vì vậy, việc tỷ giá USD/VND tăng mạnh đã tác động tới giá nhập khẩu nguyên liệu đầu vào. Bên cạnh đó, giá USD tăng cũng khiến cho nhiều thị trường xuất khẩu bị biến động.
“Hợp đồng sản lượng ký kết với khách hàng thường là 6 tháng, hợp đồng về giá là 3 tháng. Vì vậy, công ty sẽ chủ động chuẩn bị nguồn nguyên liệu đủ nhu cầu sản xuất theo đơn giá ký 3 tháng để làm việc với khách hàng”, ông Dũng nói.
Bà Nguyễn Thị Thu, đồng sáng lập thương hiệu ca cao OCA (huyện Châu Đức) cho biết, thị trường chính của công ty là Nhật Bản. Nguyên liệu chủ yếu là hạt ca cao được lấy từ trong nước nhưng một số nguyên liệu như bột sữa phải nhập từ nước ngoài. Vì vậy, tỷ giá đồng USD tăng khiến DN bị tác động. Mặt khác, dù các sản phẩm xuất khẩu sang Nhật Bản đang có lợi do DN sử dụng VND để giao dịch nhưng do tỷ giá yên Nhật giảm sâu khiến đối tác Nhật Bản gặp nhiều khó khăn nên việc thu hồi công nợ của DN cũng bị chậm.
Các DN ở ngành hàng sản xuất khác như: đồ nhựa, may mặc, thực phẩm, sản phẩm điện tử… phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu về sản xuất cũng đang “đau đầu” vì giá USD tăng cao.
Theo các chuyên gia kinh tế, biến động tỷ giá USD và các ngoại tệ khác sẽ tác động đến các khoản vay của DN, cũng như trực tiếp ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của nhóm DN xuất, nhập khẩu. Nếu như các DN xuất khẩu có thể hưởng lợi khi đồng USD tăng giá thì ở chiều ngược lại, DN nhập khẩu phải “gánh” thêm một khoản chi phí để bù đắp khoản chênh lệch do biến động này. Trong khi đó, lợi nhuận của DN vốn đang chịu nhiều tác động bởi chi phí đầu vào như: xăng dầu, giá nguyên liệu đầu vào, giá nhân công… đều tăng, nay lại thêm tỷ giá ngoại tệ biến động sẽ càng giảm lợi nhuận.
Chủ động phòng ngừa rủi ro
Trên thực tế, nhiều DN chủ yếu là gia công lắp ráp, nên phải nhập khẩu phần lớn linh kiện, nguyên phụ liệu. Điều này đòi hỏi DN phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cũng như có thêm biện pháp hỗ trợ về chính sách.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu dự báo, từ nay đến cuối năm 2022, giá USD sẽ tiếp tục tăng 1-3%. Sự biến động này có hai mặt. DN xuất khẩu sẽ hưởng lợi nhưng ở chiều ngược lại, DN nhập khẩu sẽ gặp bất lợi lớn.
Để ứng phó với những biến động của thị trường, DN trong nước cần chú trọng gia tăng sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, tạo sự khác biệt cho sản phẩm. Đặc biệt, với các DN nhập khẩu, việc tối đa hóa nguồn lực nội địa, tìm kiếm đối tác thay thế trong nước, giảm dần sự phụ thuộc vào một thị trường nhập khẩu sẽ giúp giảm bớt chi phí, hạn chế rủi ro khi thị trường thế giới biến động.
“Bên cạnh đó, các DN cũng cần chú ý đến tỷ giá hối đoái giữa VND và các đồng tiền thanh toán ngoại thương để lựa chọn thị trường xuất nhập khẩu và lựa chọn đồng tiền thanh toán có lợi cho DN. DN có thể tham khảo công cụ phát sinh như: mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi (swap), bảo đảm cho các hoạt động xuất nhập khẩu được kế hoạch hóa một cách khoa học, đúng quy định để giảm bớt rủi ro khi giao dịch xuất khẩu trong bối cảnh biến động tỷ giá như hiện nay”, TS Nguyễn Trí Hiếu nói.
Bài, ảnh: SONG BÌNH