Phát triển bền vững kinh tế vùng bờ
Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương ven biển hội đủ các yếu tố về vị trí địa lý, khí hậu, tiềm năng phát triển kinh tế vùng bờ. Đây là khẳng định của các chuyên gia tại Hội thảo “Kinh tế xanh và phát triển bền vững kinh tế vùng bờ”. Hội thảo do Sở TN-MT phối hợp Tổng Cục biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) và Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tổ chức ngày 13/10 tại TP. Vũng Tàu.
Du lịch biển là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn giúp Bà Rịa - Vũng Tàu phát huy tiềm năng kinh tế bền vững vùng bờ. Trong ảnh: Khách du lịch tham quan hòn Bảy Cạnh (huyện Côn Đảo). |
Mạnh về kinh tế biển
Thông tin tại hội thảo, ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT cho biết, trong những năm qua, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những quyết sách phát triển kinh tế biển hướng đến sự phát triển bền vững, phù hợp với quỹ đạo phát triển bền vững kinh tế biển của đất nước.
Tỉnh đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu của chương trình là nhằm đẩy nhanh tốc độ xây dựng Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành tỉnh mạnh của vùng biển và ven biển Đông Nam Bộ; đạt các tiêu chí quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng... Đồng thời, phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển trên địa bàn tỉnh; ứng dụng thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trong phát triển bền vững kinh tế biển của tỉnh.
Đến nay, tỉnh đã hình thành các tuyến hành lang kinh tế, từng bước góp phần phát triển kinh tế biển. Công nghiệp, cảng biển, du lịch biển, đảo, thủy sản phát triển nhanh; nhiều cảng biển, KCN, khu du lịch ven biển được xây dựng. Đầu tư vào các khu vực ven biển ngày càng tăng. Đời sống nhân dân vùng biển, đảo ngày càng được cải thiện. Tỉnh hiện có 57 bến cảng được quy hoạch, trong đó đã đưa vào khai thác 28 bến cảng với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD và tổng chiều dài cầu bến 11,6km. Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 17 bến cảng. Cùng với phát triển cảng biển, ngành dịch vụ hậu cần cảng của tỉnh đã có những chuyển biến tích cực, từng bước hình thành hệ sinh thái logistics, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bên cạnh đó, tỉnh tập trung phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển, đảo; sản phẩm du lịch gắn liền với các dịch vụ vui chơi giải trí tại ven biển như lướt ván, thuyền buồm, CLB diều; ưu tiên phát triển sản phẩm du lịch đẳng cấp quốc tế. Tại huyện Côn Đảo, ngoài việc phát huy giá trị du lịch tâm linh, tỉnh sẽ đầu tư phát triển du lịch trải nghiệm gắn với khám phá thiên nhiên, du lịch mạo hiểm và du lịch sinh thái tại các đảo... Trong những năm gần đây, ngành du lịch tỉnh có lượng khách tăng trưởng bình quân hơn 12,9% năm, trong đó phần lớn lượng khách đến vùng biển đảo; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân trên 15,9%/năm.
Khuyến khích đầu tư các ngành kinh tế biển
Đánh giá về vai trò, tiềm năng kinh tế vùng bờ của Bà Rịa-Vũng Tàu, tiến sĩ Won - Tae Shin, chuyên gia dự án KOICA cho rằng, tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi trong việc phát triển kinh tế biển. Bà Rịa-Vũng Tàu có bờ biển dài khoảng 305,4 km. Bờ phía Tây của tỉnh tiếp giáp với Vịnh Gành Rái rộng khoảng 50km2, nơi có nhiều sông, rạch lớn đổ ra biển, tạo kết nối mạng lưới giao thông hàng hải trong vùng, khu vực và quốc tế rất thuận lợi. Đặc biệt, sông Thị Vải-Cái Mép có tiềm năng lớn để xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu.
Ngoài ra, với thềm lục địa có diện tích hơn 100.000 km2, Bà Rịa-Vũng Tàu có tiềm năng để phát triển các ngành kinh tế biển như: Khai thác dầu khí, khai thác hải sản, vận tải biển… Hơn nữa, tỉnh nằm trên trục đường xuyên Á, có hệ thống cảng biển, sân bay và mạng lưới đường sông thuận lợi. Các tuyến QL51, QL55, QL56 cùng với hệ thống đường tỉnh... tạo liên kết toàn diện giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành khác trong vùng, cả nước và quốc tế.
Dự án “Thiết lập nền tảng cho quản lý tổng hợp vùng bờ tại một số tỉnh ven biển Việt Nam” với nguồn vốn viện trợ không hoàn lại từ Chính phủ Hàn Quốc là 3,5 triệu USD. Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương đầu tiên được thực hiện thí điểm dự án này.
Theo đó, Bà Rịa-Vũng Tàu đã triển khai chương trình quản lý tổng hợp vùng bờ của tỉnh; hoàn thành công tác thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển; thực hiện tốt công tác giao khu vực biển cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển; kiểm soát chặt chẽ hoạt động nhận chìm ở biển; xử lý kịp thời sự cố môi trường trên biển và vùng bờ, nhất là sự cố tràn dầu, hóa chất trên biển; giảm thiểu rác thải nhựa đại dương trên biển. Ngoài ra, dự án này cũng đã hỗ trợ tỉnh lắp đặt 2 trạm quan trắc nước biển tại khu vực Bãi Dâu và khu vực mũi Nghinh Phong (TP. Vũng Tàu).
|
Ông Park Won Kyung, Giám đốc phụ trách dự án hợp tác KOICA cho rằng, để phát triển kinh tế vùng bờ bền vững tương xứng với tiềm năng, lợi thế, Bà Rịa-Vũng Tàu cần tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi, khuyến khích đầu tư các ngành kinh tế biển; triển khai lộ trình tăng trưởng kinh tế cacbon thấp nhờ chuyển giao công nghệ, sử dụng cơ chế phát triển sạch, tìm kiếm tài trợ quốc tế cho các chương trình quản lý hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng cần tiếp tục xây dựng và phát triển thương hiệu các ngành kinh tế biển như: công nghiệp ven biển; kinh tế hàng hải; du lịch, dịch vụ biển; kinh tế thủy sản; kinh tế năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới…
“Bà Rịa-Vũng Tàu cũng cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực biển nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý biển cũng như khai thác bền vững tài nguyên, bảo vệ tốt môi trường biển và phát triển hiệu quả kinh tế biển. Trong đó, ưu tiên nguồn lực trong việc đầu tư cho KH-CN biển”, ông Park Won Kyung nhấn mạnh.
Bài, ảnh: QUANG VŨ