Trong 2 ngày 19 và 20/10, hoàn lưu bão số 6 đã gây mưa lớn, ngập úng cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề.
Khu vực nuôi tôm tại ấp Ông Tô, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) bị ngập, gây thiệt hại lớn. |
Sau trận mưa lớn vào chiều tối 19/10, khoảng 10ha lúa tại ấp Phước Sơn, xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ gieo hơn 1 tháng qua đã bị ngập sâu từ 80-1,2m.
Ông Lê Văn Giai, ngụ ấp Phước Sơn cho biết, gia đình ông có 9 sào lúa vừa gieo trồng và bón phân lần hai đã bị ngập sâu trong nước từ 3 ngày nay, ước thiệt hại khoảng 10 triệu đồng. Diện tích lúa này nếu thu hoạch sẽ đạt khoảng 4-5 tấn. Tuy nhiên, giờ nước có rút cũng không thể cứu được. “Nếu gieo trồng lại cũng không kịp thời vụ, nên giờ tôi coi như mất trắng”, ông Giai nói.
Theo Trung Tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục qua Nam bộ nên nhiều ngày qua, Bà Rịa-Vũng Tàu có lượng mưa tăng cao: trung bình từ 70-145,5cm. Trong đó, một số địa phương có lượng mưa cao như: TP. Vũng Tàu và các xã Phước Hội (huyện Đất Đỏ), Xuyên Mộc (huyện Xuyên Mộc), Xuân Sơn (huyện Châu Đức).
|
Tại xã An Nhứt, huyện huyện Long Điền, mưa lớn cũng gây ngập khoảng 40-50ha lúa Mùa vừa gieo trồng hơn 1 tháng. Theo ông Huỳnh Trung Thành, Giám đốc HTX Nông nghiệp An Nhứt, tình trạng ngập đã diễn ra từ tối 19/10. Mặc dù chưa đánh giá được thiệt hại, nhưng hiện cây lúa đang ở thời kỳ non và yếu, nếu tình trạng ngập vẫn diễn ra thêm 1 ngày nữa sẽ bị úng rễ, gây hư hại và buộc phải gieo trồng lại toàn bộ.
Trong khi đó, khu vực nuôi tôm thuộc ấp Ông Tô, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc cũng ghi nhận tình trạng nhiều diện tích ngập sâu trong nước, gây thiệt hại nặng nề cho các hộ nuôi.
Ông Đinh Văn Ái, hiện đang quản lý khu nuôi tôm hơn 10ha cho biết, từ tối 19/10, mưa lớn đã gây ngập toàn bộ nơi đây. Trong đó có 6 ao cá với sản lượng khoảng 8 tấn, còn 1 tuần nữa sẽ cho thu hoạch đã bị ngập trong nước, ước gây thiệt hại khoảng 800 triệu đồng. Ngoài ra, 4 ao nuôi tôm với sản lượng khoảng 2 tấn, còn 1 tháng nữa sẽ thu hoạch cũng gần như mất trắng, ước thiệt hại khoảng 2 tỷ đồng. Theo ông Ái, nước tràn vào khu vực nuôi tôm ảnh hưởng tới môi trường nuôi, làm mất cân bằng độ PH dẫn tới tình trạng tôm bị chết.
Thống kê của UBND xã Phước Thuận cho thấy, mưa lớn những ngày qua gây ngập sâu khoảng 40ha nuôi tôm tại khu vực ấp Ông Tô. Xã đã ghi nhận tình hình, đồng thời thông báo tới người dân những trường hợp nào cần hỗ trợ thu hoạch hoặc chống lũ để cử lực lượng tới hỗ trợ. Địa phương cũng khuyến cáo người dân thu hoạch sớm để tránh thiệt hại.
Theo Sở NN-PTNT, mưa lớn những ngày qua đã gây ra tình trạng ngập cục bộ tại nhiều địa phương, làm ảnh hưởng đến nhiều diện tích lúa, rau màu và nuôi tôm của người dân. Đơn vị đang chỉ đạo các địa phương nắm bắt tình hình cụ thể, thống kê thiệt hại để tổng hợp báo cáo. Dự báo những ngày tới trên địa bàn tỉnh sẽ còn mưa, vì vậy, người dân cần chủ động phương án phòng, chống thiên tai để hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp.
ÔNG TRẦN THANH HẢI, PHÓ GIÁM ĐỐC CÔNG TY ĐIỆN LỰC BÀ RỊA-VŨNG TÀU
Ngành điện sẵn sàng xử lý sự cố
Mưa lớn mấy ngày gần đây tuy gây ngập nhiều tuyến đường nhưng không ảnh hưởng đến hoạt động cung cấp điện. Trên địa bàn tỉnh cũng không có khu vực nào phải cắt điện khẩn cấp.
Chúng tôi đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện, tăng cường ứng trực 24/24 sẵn sàng xử lý các sự cố. Ngành điện cũng khuyến cáo người dân hạn chế ra đường khi mưa bão, tránh các sự cố bất ngờ như: sét đánh, dây điện đứt, cột điện đổ, sứ vỡ, cây đổ, rò điện. Khi có mưa bão, gió lớn, ngập úng cần chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện; đề phòng sự cố cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện làm đứt, đổ cột điện, nước tràn vào trạm điện gây cháy, nổ, rò điện.
Người dân không nên đứng trú mưa tại chân cột điện, dưới mái hiên trạm biến áp; không chạm trực tiếp vào cột điện, dây nối đất; không đi qua khu vực cột điện gãy, đổ, đường dây bị đứt, võng. Trường hợp phát hiện thấy hiện tượng bất thường trên hãy tránh xa và khuyến cáo mọi người xung quanh biết. Đồng thời thông báo ngay cho điện lực sở tại theo số điện thoại 19001006 để kịp thời xử lý sự cố.
|
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC