Ngày 25/10, lãi suất điều hành tăng thêm 1% theo quyết định vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành. Theo đó, các ngân hàng thương mại tiếp tục nâng lãi suất huy động. Lãi suất cho vay theo đó cũng tăng theo, đặc biệt là các khoản vay cá nhân mua nhà, mua xe và vay phục vụ mục đích tiêu dùng.
Khách hàng giao dịch tại BIDV Phú Mỹ. |
Người vay lo lắng
Cách đây một tuần, chị Thanh Thuỷ (đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu) nhận được thông báo thay đổi lãi suất ngân hàng từ 9,4% lên 10,4%, áp dụng bắt đầu từ tháng 10/2022.
Chị Thuỷ cho biết, hồi đầu năm nay, chị có vay khoản tiền 500 triệu đồng để mua nhà tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Với khoản vay 500 triệu đồng, hằng tháng chị phải trả cả gốc và lãi gần 7,9 triệu đồng. Nay lãi suất tăng thêm 1%, chị phải trả thêm một khoản kha khá. Chị Thuỷ đang đau đầu lo làm sao có đủ hơn 8,5 triệu đồng để trả cho ngân hàng mỗi tháng, trong khi tổng thu nhập của gia đình hơn 20 triệu đồng.
Còn chị Hải Anh (phường 10, TP.Vũng Tàu) thì đang loay hoay tìm ngân hàng vay để mua ô tô trả góp. Thông thường, các khoản vay mua ôtô tương tự sẽ được nhân viên bán hàng giới thiệu để ngân hàng liên kết hỗ trợ làm thủ tục vay vốn và giải ngân. Trong bối cảnh “room” tín dụng còn ít, nhiều ngân hàng buộc phải từ chối, ưu tiên cho vay lĩnh vực sản xuất và hàng hóa thiết yếu để phục vụ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch.
Do đó, chị Hải Anh phải tự đi tìm ngân hàng để vay vốn. Tuy nhiên, khi tìm được ngân hàng hỗ trợ cho vay, chị lại đối mặt với việc lãi suất tăng. “Ngay trong năm đầu lãi suất đã lên tới 9,7% và không biết những năm tiếp theo sẽ tiếp tục tăng như thế nào”, chị Hải Anh lo lắng.
Không riêng các khoản cho vay cá nhân mua nhà, mua xe, ngay cả những khoản vay của DN phục vụ nhu cầu sản xuất kinh doanh cũng chịu chung xu hướng tăng lãi suất này. Giám đốc một DN sản xuất, gia công cơ khí chia sẻ, trong khoản vay mới nhất phát sinh với ngân hàng, lãi suất DN của ông phải chịu đã tăng 2%/năm so với các khoản vay hồi đầu năm. Tuy nhiên, điều mà DN lo lắng đà tăng này vẫn chưa dừng lại. Và nếu lãi suất tiếp tục tăng, DN sẽ khó cạnh tranh nổi.
Qua khảo sát tại các ngân hàng cho thấy, mặt bằng lãi suất cho vay nhiều ngân hàng đã tăng mạnh trong khoảng một tháng trở lại đây, đặc biệt là các khoản cho vay cá nhân và cho vay DN ngoài lĩnh vực ưu tiên.
Hiện nay, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên tối đa là 4,5%/năm; Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: khối ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến ở mức 7-10%/năm; ở khối ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức 9-11%/năm.
Lãi suất cho vay trung, dài hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 7-10%/năm. Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh thông thường: khối ngân hàng thương mại Nhà nước phổ biến ở mức 9,5-12%/năm; khối ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến ở mức 10-13%/năm.
Khách hàng giao dịch tại SCB, phòng giao dịch Tân Thành. |
Đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%
Theo các chuyên gia kinh tế, việc tăng lãi suất chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới việc tiếp cận vốn của DN. Do đó, các chuyên gia đề xuất đẩy mạnh triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN để góp phần ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Gói cho vay cấp bù lãi suất 2%/năm này có quy mô lên tới 40.000 tỷ đồng, dành cho các DN, HTX và hộ kinh doanh với khoảng 10 nhóm ngành chính được hỗ trợ.
Thông tin từ NHNN chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, hiện nay các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đã thực hiện việc đăng ký kế hoạch hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng trong 2 năm 2022- 2023 và kế hoạch cụ thể của từng năm theo quy định tại Nghị định 31 và Thông tư 03.
Đồng thời tích cực rà soát hồ sơ khách hàng có dư nợ thuộc đối tượng, nhóm ngành nghề được hỗ trợ theo quy định, nhằm kịp thời hỗ trợ khách hàng khi khách hàng có nhu cầu được hỗ trợ. Tuy nhiên, theo NHNN, hiện gói hỗ trợ này mới chỉ giải ngân được vài chục tỷ đồng, tương đương với tỷ lệ rất nhỏ so với kế hoạch giải ngân trong năm nay.
Để hỗ trợ tiết giảm chi phí vốn vay của các DN, HTX, hộ kinh doanh giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh, tạo nền tảng và động lực phát triển kinh tế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần triển khai nhanh hơn gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho DN.
Điều này rất cần thiết trong bối cảnh lãi suất điều hành và lãi suất tiền gửi có thể tiếp tục tăng cao hơn trong những tháng tới, gây sức ép lên mặt bằng lãi suất cho vay.
Bài, ảnh: PHAN HÀ