Gian nan cuộc chiến chống buôn lậu

Chủ Nhật, 30/10/2022, 20:25 [GMT+7]
In bài này
.

Từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng cao là cơ hội cho các đối tượng lợi dung kinh doanh hàng lậu, gian lận thương mại. Do đó, lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát để xử lý kịp thời các vụ vi phạm, góp phần bình ổn thị trường.

Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Bà Rịa.
Cơ quan chức năng kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại một cửa hàng trên địa bàn TP. Bà Rịa.

Thủ đoạn buôn lậu ngày càng tinh vi

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389 tỉnh), 9 tháng năm 2022, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh giảm, không xảy ra các vụ việc nổi cộm, phức tạp. Mặc dù vậy, qua các đợt kiểm tra, kiểm soát các lực lượng chức năng vẫn phát hiện các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất buôn bán hàng giả, hàng cấm và xâm phạm sở hữu trí tuệ trên biển và trên đất liền. Các hành vi vi phạm chủ yếu là mua bán trái phép chất ma túy; vận chuyển dầu D.O, khoáng sản trái phép (cát nhiễm mặn); kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng cấm (pháo nổ, thuốc lá điếu nhập lậu, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm..); kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ...

Theo Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, qua quá trình đấu tranh với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại cho thấy, phương thức, thủ đoạn hoạt động của nhiều loại đối tượng ngày càng tinh vi, phức tạp. Đối với hàng hóa nhập khẩu, các đối tượng không khai báo hoặc khai hải quan không đúng với thực tế hàng hóa, che giấu nguồn gốc, tuyến đường của lô hàng; tang vật để phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, được cất giấu tinh vi, giấu lẫn trong hàng hóa không vi phạm nhằm trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, đối với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu, các đối tượng sử dụng phương tiện tàu cá cải hoán được trang bị 2-3 máy có công suất lớn từ 800CV đến 1.000CV để mua bán, vận chuyển trái phép xăng dầu trên biển gây khó khăn cho lực lượng chức năng khi truy đuổi, bắt giữ. Vị trí nhận dầu thường ở vùng biển xa, sau đó vận chuyển về bơm cho các tàu cá đánh bắt trên biển. Có đối tượng sử dụng biển số của tàu đi nhận dầu xong thay biển số giả cho tàu vận chuyển về vị trí bơm dầu cho các tàu cá để tránh bị phát hiện...

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát

Báo cáo tại buổi làm việc với đoàn công tác Ban chỉ đạo 389 Trung ương mới đây, ông Lê Quang Hải, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó Ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh cho biết, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại nhưng vẫn còn một số khó khăn. Lực lượng chức năng mỏng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ công chức chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, từ đó gặp nhiều khó khăn trong kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm. Việc phối hợp giữa các Hiệp hội DN, DN chủ sở hữu với cơ quan chức năng trong công tác trao đổi, cung cấp thông tin trong phòng chống buôn lậu, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ chưa thật sự thường xuyên và chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm trong hoạt động thương mại điện tử ngày càng trở nên khó khăn do các giao dịch, thanh toán trên mạng đều chớp nhoáng và vô hình, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể, việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi vi phạm là hết sức khó khăn, chế tài trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe…

 “Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thời gian tới, các lực lượng thuộc Ban Chỉ đạo 389 tỉnh sẽ tiếp tục chủ động nắm chắc tình hình, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện tốt công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn, đặc biệt là trong đợt cao điểm 3 tháng cuối năm 2022; trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023”, ông Lê Quang Hải cho biết thêm.

9 tháng năm 2022, các đơn vị thành viên Ban Chỉ đạo 389 tỉnh đã phát hiện 1.707 vụ việc với 1.769 đối tượng vi phạm (giảm 10,9% về số vụ và giảm 23,9% về số đối tượng vi phạm so với cùng kỳ năm 2021); xử lý hành chính 1.620 vụ với tổng số tiền xử phạt và truy thu hơn 367 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm 2021; trị giá hàng hóa vi phạm ước tính hơn 17 tỷ đồng, phát mại hàng hóa tịch thu sung công quỹ số tiền hơn 30 tỷ đồng; khởi tố hình sự 57 vụ với 63 đối tượng.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

;
.