Đổi mới làng nghề bằng khoa học công nghệ

Thứ Tư, 26/10/2022, 19:27 [GMT+7]
In bài này
.

Việc áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) vào sản xuất đã mang lại những thay đổi tích cực và mới mẻ ở những làng nghề truyền thống.

Gia đình bà Lê Mỹ Nhân (KP6, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đầu tư hệ thống băng chuyền tự động trong quá trình làm bún.
Gia đình bà Lê Mỹ Nhân (KP6, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đầu tư hệ thống băng chuyền tự động trong quá trình làm bún.

Sản xuất gắn với bảo vệ môi trường

Nghề truyền thống làm bún Long Kiên, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa hình thành từ những năm 1954. Hiện nghề bún Long Kiên có 40 hộ sản xuất, sản lượng khoảng 20 tấn/ngày. Sản phẩm bún Long Kiên không chỉ được tiêu thụ trên địa tỉnh mà còn có mặt tại các tỉnh Đồng Nai và TP.Hồ Chí Minh.

Trước đây, đa số các hộ sản xuất với có quy mô nhỏ, thiết bị công nghệ lạc hậu, năng lực trình độ tổ chức quản lý chưa cao, thiếu vốn nên khó đáp ứng được yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, nguồn thải từ các nghề truyền thống trong quá trình sản xuất chưa được xử lý triệt để, dẫn đến tình trạng ô nhiễm ở một số khu vực. Những năm gần đây, địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng KHCN nhằm giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường trong quá trình sản xuất.

Ông Lê Văn Khuyên, KP. 6, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa cho biết, gia đình ông theo nghề làm bún hơn 20 năm nay, trước đây làm bún chủ yếu bằng tay. Năm 2020, ông  đầu tư 150 triệu lắp đặt hệ thống băng chuyền tự động, hoàn toàn khép kín. Các công đoạn từ xay gạo, ép bún, đảo bột đều được làm bằng máy.

Theo ông Khuyên, làm thủ công như trước đây tốn thời gian mà năng suất và chất lượng thấp hơn nhiều. Nếu như trước đây, trung bình mỗi ngày gia đình chỉ làm 200-300kg bún thì nay có thể làm đến 1 tấn bún/ngày. “Ngoài nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hiện gia đình chúng tôi đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải trong quá trình làm bún, không còn thải trực tiếp ra môi trường”, ông Khuyên chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Hà Quang, công chức Thương mại - Dịch vụ phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa, từ năm 2015, phường bắt đầu thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý môi trường cho nghề làm bún Long Kiên, đến năm 2020, đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải khép kín. Dự án đã góp phần hỗ trợ người dân ứng dụng, chuyển giao công nghệ cho các cơ sở sản xuất, áp dụng công nghệ mới ít chất thải, hạn chế tiếng ồn. Phường khuyến khích các cơ sở sản xuất bún đầu tư đổi mới trang thiết bị theo phương châm kết hợp công nghệ tiên tiến với công nghệ thủ công truyền thống nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Việc đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề truyền thống không chỉ tăng năng suất, mà còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.  Trong ảnh: Máy đảo bột được gia đình ông Lê Văn Khuyên (KP6, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đầu tư vào sản xuất.
Việc đầu tư khoa học kỹ thuật vào sản xuất tại các làng nghề truyền thống không chỉ tăng năng suất, mà còn góp phần làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Trong ảnh: Máy đảo bột được gia đình ông Lê Văn Khuyên (KP6, phường Phước Nguyên, TP. Bà Rịa) đầu tư vào sản xuất.

Gìn giữ và phát triển thương hiệu

Với hơn 50 năm tuổi, làng nghề bánh tráng tại xã An Ngãi, huyện Long Điền hiện có 128 hộ theo nghề, chiếm gần 60% tổng số hoạt động ngành nghề nông thôn trên địa bàn xã. Để gìn giữ và phát triển nghề truyền thống lâu đời của địa phương, xã An Ngãi đã triển khai Dự án “Phát triển làng nghề truyền thống bánh tráng An Ngãi” đã tạo điều kiện người làm nghề bánh tráng tại xã tiếp cận với công nghệ, với cơ giới hóa, máy móc và trang thiết bị hỗ trợ làm nghề như: máy xay bột, lò tráng điện…

Việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đã tiết kiệm chi phí, thời gian và sức lao động cho người dân đồng thời bảo vệ môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm làm ra nhiều hơn, chất lượng hơn. Ông Phan Văn Hên, ấp An Lộc, xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, việc tráng bánh bây giờ không còn tốn nhiều thời gian như trước đây nhờ gia đình đã đầu tư hệ thống bếp điện thay cho bếp củi. Bột làm bánh cũng được đảo bằng máy nên năng suất cao hơn nhiều so với trước.

Ông Nguyễn Tăng Trường Duy, Phó Chủ tịch UBND xã An Ngãi, huyện Long Điền cho biết, sau khi được công nhận làng nghề bánh tráng,  xã hướng tới sẽ tiếp tục phát huy, phát triển làng nghề, thành lập các cụm để thành khu du lịch cộng đồng, đăng ký sản phẩm OCOP. Đồng thời, vận động thành lập hợp tác xã và khai thác, sử dụng thương hiệu này để các hộ sản xuất kinh doanh bánh tráng tại xã An Ngãi phát triển.

Tiếp tục hỗ trợ làng nghề đổi mới

Ông Vũ Ngọc Đăng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn (Sở NN-PTNt) cho biết, dể duy trì và phát triển nghề truyền thống trên địa bàn tỉnh, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng dự án bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Bằng  các hình thức như hỗ trợ máy móc, thiết bị hỗ trợ sản xuất... đã  phần nào giúp  bà  con  giải phóng được sức lao động; hỗ trợ về xử lý nước thải để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường để bà con yên tâm gắn bó với nghề.

Bên cạnh đó, các sở, ngành cũng đã có kế hoạch xúc tiến thương mại, xây dựng các thương hiệu, làm các sản phẩm OCOP du lịch ở khu vực nông thôn. “Trong thời gian tới, Sở NN-PTNT có kế hoạch tiếp tục hỗ trợ để các cơ sở ngành nghề nông thôn về tín dụng. Trong đó, phấn đấu có trên 80% cơ sở hoạt động ngành nghề nông thôn được áp dụng KHCN theo hướng thân thiện môi trường. Đồng  thời, tiếp tục tư vấn, hướng dẫn hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, HTX, DN trong lĩnh vực ngành nghề nông thôn; tiếp tục hỗ trợ để 100% sản phẩm được thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu cho sản phẩm hàng hóa của tỉnh…”, ông Vũ Ngọc Đăng thông tin thêm.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.