Theo kế hoạch hành động mà UBND tỉnh vừa mới xây dựng, từ nay đến năm 2025, sẽ xóa bỏ hoàn toàn các điểm đen ô nhiễm trên địa bàn tỉnh.
Lãnh đạo TP. Vũng Tàu tham gia nhặt rác khu vực biển Bãi Trước. |
Còn 6 điểm nóng ô nhiễm cần xử lý
Nhiều năm qua, bảo vệ môi trường (BVMT) là vấn đề được quan tâm hàng đầu, song song với mục tiêu phát triển kinh tế. Do đó, với sự quyết tâm cao trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, công tác BVMT trên địa bàn tỉnh đã đạt kết quả quan trọng. Trong đó, các chỉ tiêu về BVMT đặt ra tại Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 27/10/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác BVMT cơ bản hoàn thành.
Cụ thể đến nay, tất cả các khu chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tạm, không hợp vệ sinh đã đóng cửa. Chất thải rắn sinh hoạt của tỉnh (ngoại trừ Côn Đảo) đã được thu gom, chôn lấp hợp vệ sinh tại Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên (TX. Phú Mỹ). Chất thải y tế nguy hại đã được xử lý theo mô hình tập trung. Nhà máy tái chế bụi lò thép tại KCN Phú Mỹ 3 được đầu tư và đưa vào vận hành.
Đồng thời, tỉnh đang triển khai xây dựng Đề án quản lý chất thải rắn, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ tiên tiến.
Bên cạnh đó, nước thải tại các KCN - CCN đều được thu gom, xử lý đạt quy chuẩn. Nguồn nước thải, khí thải được quản lý thông qua hệ thống quan trắc tự động, dữ liệu được truyền về Trung tâm tiếp nhận dữ liệu quan trắc của tỉnh. Đến nay, tỉnh đã đầu tư 3 trạm quan trắc tự động không khí, 6 trạm quan trắc nước tại các hồ cấp nước sinh hoạt...
Tỉnh cũng đã hoàn thành xây dựng bản đồ khoanh vùng bảo vệ hồ chứa nước sinh hoạt; cắm mốc xác định hành lang bảo vệ 22 công trình thủy lợi; ban hành danh mục các loại hình dự án không hoặc hạn chế thu hút đầu tư khu vực thượng nguồn các hồ cấp nước sinh hoạt.
Hiện nay, các địa phương đã hoàn thành kế hoạch xử lý các điểm đen ô nhiễm, trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư. Đến nay, toàn tỉnh còn 6 điểm nóng ô nhiễm nhưng vẫn đang được kiểm soát tốt như: khu vực chế biến mủ cao su, khu vực cống số 6 (xã Tân Hải, TX.Phú Mỹ)…
Sẽ vào cuộc quyết liệt, hiệu quả
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, mặc dù có nhiều chuyển biến tích cực trong công tác BVMT, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU vẫn còn một số hạn chế. Các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng công nghệ đốt chậm được thực hiện. Việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn chưa được triển khai đồng bộ, vẫn còn tình trạng chôn lấp, đốt rác thải sinh hoạt ở vùng nông thôn. Rác thải ở khu vực Bãi Nhát (huyện Côn Đảo) chưa được xử lý triệt để. Đáng chú ý là, đầu tư hạ tầng và quản lý hoạt động của Khu xử lý chất thải tập trung Tóc Tiên còn bất cập, gây ảnh hưởng đến môi trường xung quanh...
Để nâng cao chất lượng công tác BVMT, ngày 10/10, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 33-CT/TU (ngày 4/4/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác BVMT giai đoạn 2022-2025.
Mục tiêu của kế hoạch là tạo môi trường sống an toàn, phát triển bền vững trong thời gian tới. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ che phủ cây xanh 44,5%, che phủ rừng 14%; 98% chất thải rắn sinh hoạt ở đô thị được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; xóa bỏ 100% các điểm ô nhiễm môi trường hiện có và không để phát sinh điểm mới; xử lý triệt để vấn đề rác sinh hoạt, rác đại dương tại Côn Đảo.
“Tỉnh sẽ triển khai hiệu quả các giải pháp để giải quyết dứt điểm các điểm đen môi trường, kết hợp di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường với chỉnh trang đô thị, đồng thời tăng cường quản lý nhà nước, không để phát sinh những điểm mới…”, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết.
Bài, ảnh: QUANG VŨ