Thu nhập khá từ nghề làm chả cá
Nhiều hộ dân trên địa bàn xã Phước Tỉnh, Phước Hưng (huyện Long Điền) đã phát triển mô hình làm chả cá. Nhờ thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, các loại chả cá mối, chả cá thu của người dân Long Điền được người tiêu dùng ưa chuộng, có đầu ra ổn định. Kinh tế nhiều hộ ngày càng cải thiện với thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng.
Chị Nguyễn Thị Lụa có thu nhập 8 triệu đồng/tháng từ nghề làm chả cá tại gia đình ông Trần Công Khanh. |
Năm 2002, gia đình ông Trần Công Khanh, ở ấp Phước Lâm, xã Phước Hưng bắt đầu làm chả cá mối, cá thu. Thời gian đầu, ông Khanh chủ yếu làm chả cá theo kiểu truyền thống bán lẻ tại chợ Long Hải. Khi lượng khách đặt hàng tăng lên, ông đầu tư thêm máy móc để làm số lượng lớn phục vụ thị trường.
Theo ông Khanh, nguồn cá dồi dào do ghe tàu tại cảng Phước Tỉnh cung cấp là nguyên liệu chủ yếu để cho ra những mẻ chả cá thơm ngon. Để đảm bảo cung ứng đủ đơn hàng, ông Khanh thuê thêm 10 lao động tham gia sản xuất chả cá. Mỗi ngày, cơ sở Quý Khánh của gia đình ông Khanh làm từ 700kg - 1 tấn chả cá, cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, giá bán chả cá mối từ 50 - 70 ngàn đồng/kg; chả cá thu từ 150 - 200 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, gia đình ông Khanh thu lãi từ 1,2 - 1,6 triệu đồng/ngày.
Ông Khanh chia sẻ, bí quyết làm chả cá cũng không có gì nhiều, chủ yếu là khâu lựa chọn cá phải tươi ngon và tẩm ướp các loại gia vị: hành, tỏi, ớt, bột nêm, tiêu… sao cho vừa miệng. Chả cá mối là món rất dễ ăn, với cách chế biến phổ biến là chiên. Chả cá thu có thể nấu canh, nấu lẩu hoặc chiên. Chả được làm theo phương pháp thủ công, không dùng hàn the hay chất bảo quản nên người tiêu dùng có thể an tâm sử dụng.
Cơ sở sản xuất chả cá của gia đình ông Trần Công Khanh tạo thêm thu nhập cho người lớn tuổi mỗi ngày gần 100 ngàn đồng từ việc bóc vỏ hành. |
Gia đình bà Đỗ Thị Kim Dung, ở ấp Phú Hương, xã Phước Tỉnh bắt đầu làm chả cá từ hơn 5 năm trước. Khi mới vào nghề, bà học cách làm chả từ người quen và làm theo cách thủ công. Sau đó, nghề dạy nghề dần dần bà đã biết cách sơ chế, tẩm ướp để chả giữ được độ dai, vị ngon và được người tiêu dùng tin tưởng. Để mở rộng quy mô, đáp ứng nhu cầu thị trường, bà đã đầu tư gần 30 triệu đồng mua máy phá xương cá và máy xay công suất lớn. Bà Dung cho hay: “Chồng vươn khơi bám biển đánh bắt cá tôm, chúng tôi ở nhà cũng phải biết tạo nghề, tạo việc, nâng cao giá trị con tôm, con cá của biển quê hương, cải thiện thu nhập và là hậu phương vững chắc để chồng an tâm vươn khơi”.
Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở Phúc Phước của bà Dung cho ra lò 50 - 60kg chả mực và hơn 100kg chả cá các loại. Sau khi trừ chi phí, bà Dung thu nhập từ 500 - 600 ngàn đồng/ngày.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn xã Phước Hưng và xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền có gần chục hộ làm chả cá. Trong đó, hộ ông Khanh và hộ bà Dung là có quy mô lớn. Nhờ nghề làm chả cá, gia đình bà Dung và ông Khanh đã xây dựng được những căn nhà khá khang trang. Ông Khanh là hộ giàu của xã Phước Hưng, còn bà Dung là hộ có thu nhập khá tại xã Phước Tỉnh.
Mô hình làm chả cá tại huyện Long Điền là một mô hình kinh tế có nhiều tiềm năng vì có nguồn nguyên liệu dồi dào từ những chuyến biển của ngư dân trong vùng. Chả cá mang thương hiệu Long Điền đã từng bước tạo dựng chỗ đứng trên thị trường và được xuất bán đi các tỉnh, thành trong cả nước. Trong tương lai, mô hình này còn có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng hơn nữa.
Ông Trần Văn Công, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Phước Hưng cho biết thêm: Hiện nay, chả cá của cơ sở Quý Khánh đã có mặt trên khắp các tỉnh, thành và là món ăn quen thuộc được nhiều người dân trong vùng tin dùng. Nghề làm chả cá trên địa bàn xã Phước Hưng nói riêng và huyện Long Điền nói chung đã giúp người dân cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bài, ảnh: HỒNG SƠN