.

Tạo môi trường kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư

Cập nhật: 19:06, 18/09/2022 (GMT+7)

Đó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với DN đầu tư nước ngoài ngày 17/9.

Tập đoàn CMA-CGM đang khai thác 31 dịch vụ vận chuyển trên 7 cảng khác nhau và nắm giữ CP tại cảng Gemalink ở Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Trong ảnh: Tàu CMA CGM cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink.
Tập đoàn CMA-CGM đang khai thác 31 dịch vụ vận chuyển trên 7 cảng khác nhau và nắm giữ CP tại cảng Gemalink ở Cái Mép-Thị Vải (CM-TV). Trong ảnh: Tàu CMA CGM cập cảng làm hàng tại Cảng Gemalink.

Với chủ đề “Vượt qua thử thách, nắm bắt cơ hội, hợp tác phát triển”, Hội nghị được kết nối đến các điểm cầu địa phương trên cả nước và 80 điểm cầu của DN nước ngoài trong, ngoài nước. Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam

Hội nghị nhận được nhiều ý kiến phát biểu thảo luận, phân tích, đề xuất của đại diện các hiệp hội, DN đầu tư nước ngoài. Hiệp hội DN Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ, châu Âu, Singapore và các tập đoàn FDI cho rằng, trong các đối tác hàng đầu về đầu tư nước ngoài, Việt Nam có sự tăng trưởng ấn tượng và hiện đang có kế hoạch mở rộng hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Đồng thời, đóng góp nhiều ý kiến với Chính phủ nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, đón làn sóng FDI vốn lớn, chất lượng.

Thông tin về tình hình đầu tư của các DN Nhật Bản tại Việt Nam, ông Nakajima Takeo, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội cho biết, dòng vốn FDI của Nhật Bản trên thế giới chỉ tăng trưởng 3% vào năm 2021 và giảm xuống còn 49% trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, dòng vốn FDI của Nhật Bản tại Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng, hơn 59% vào năm 2021 và hơn 45% năm 2022.

Kết quả khảo sát của JETRO năm 2021 cho thấy 55% DN Nhật Bản tại Việt Nam đang có kế hoạch mở rộng hoạt động. Đây là con số cao nhất trong các nước ASEAN. Một cuộc khảo sát khác của JETRO được thực hiện với hơn 1.700 công ty mẹ của các công ty Nhật Bản cho thấy Việt Nam xếp thứ hai trong hạng mục câu trả lời “là nơi mà các quốc gia muốn mở rộng đầu tư” bên cạnh Hoa Kỳ. Các DN Nhật Bản có kế hoạch tập trung nhiều hơn vào sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng tại Việt Nam, thay vì Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng ASEAN.

Chia sẻ về giải pháp phát triển cảng biển, logistics bà Adeline Franger Chouraqui, Tổng Giám đốc CMA CGM Việt Nam cho biết, CMA-CGM là công ty toàn cầu trong các giải pháp về cảng biển, đường hàng không và logistic, phục vụ 420 cảng trên khắp thế giới. Ở Việt Nam, Tập đoàn đang khai thác 31 dịch vụ vận chuyển trên 7 cảng khác nhau và nắm giữ CP tại cảng Gemalink ở Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) và cảng VICT của TP. Hồ Chí Minh.

“CMA-CGM nhận thấy, DN có những cơ hội có thể khai thác để tăng trưởng tại Việt Nam. Về cơ sở hạ tầng tại bến cảng, có thể mở rộng cấp độ bằng cách tập trung vào các cảng nước sâu như CM-TV của Bà Rịa-Vũng Tàu, Lạch Huyện (Hải Phòng). Chúng tôi sẽ tiếp tục lập kế hoạch phát triển quy trình đầu cuối phù hợp nhu cầu thị trường”, bà Chouraqui nói.

Hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, đóng góp, chia sẻ và nỗ lực của các nhà đầu tư nước ngoài trong công tác phòng, chống dịch; duy trì và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu, góp phần cùng Chính phủ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, báo cáo từ Sở KH-ĐT cho biết, 8 tháng năm 2022, tỉnh đã cấp mới và điều chỉnh tăng vốn đầu tư 32 dự án với tổng vốn đăng ký tăng thêm 337 triệu USD. Trong đó, cấp mới 11 dự án và 21 dự án điều chỉnh tăng vốn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 442 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 29,9 tỷ USD đến từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, dẫn đầu về số lượng vốn đầu tư vào tỉnh là Thái Lan, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Canada và Nhật Bản. Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT, Bà Rịa-Vũng Tàu là địa phương đứng thứ 5 trên cả nước về thu hút đầu tư FDI.

Thủ tướng Chính phủ cũng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam “với tinh thần bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; “không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm”.

Theo Thủ tướng, nếu làm việc với nhau mà “bên thua, bên thắng” thì không phải là hợp tác. Thay vào đó, chúng ta phải ngồi lại, lắng nghe, trao đổi với nhau để hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Thủ tướng khẳng định, Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: giữ vững ổn định chính trị xã hội và kinh tế vĩ mô; tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính; xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, thực thi minh bạch và trách nhiệm giải trình; hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.

Đối với đầu tư nước ngoài, Việt Nam chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Đồng thời, ưu tiên thu hút các dự án: thuộc lĩnh vực công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển; tạo thuận lợi cho các DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị; thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững…

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.