Nông dân cầu trời cho mưa ngừng rơi!
Mưa lớn kéo dài liên tục những ngày qua khiến nhiều diện tích rau màu ngã, đổ, ngập úng, hư hỏng. Nhiều người nuôi tôm cũng trong tình trạng lo lắng nguy cơ tôm chết hàng loạt do thay đổi môi trường nước. Điều này gây ảnh hưởng và thiệt hại không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Mưa lớn liên tục trong những ngày qua khiến người nuôi tôm truyền thống trên địa bàn tỉnh lo lắng. |
Nhiều diện tích trồng rau nguy cơ mất trắng
Ghi nhận tại vùng trồng rau xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ, trải qua những trận mưa lớn mấy ngày qua, nhiều diện tích rau xanh tại vùng trồng rau đang ngập trong nước.
Vườn rau 4.000m2 của gia đình ông Trần Công Khanh, thôn Láng Cát, xã Tân Hải chuẩn bị đến ngày xuất bán. Thế nhưng trận mưa lớn chiều tối ngày 25/9 đã làm toàn bộ vườn rau của ông ngập trong nước. Gia đình phải huy động người nhà tát nước để cứu rau. Tuy nhiên, nhiều diện tích rau đã bị ngã, đổ, dập nát và thối rễ. Theo ước tính của ông Khanh, khoảng 6 tấn rau vụ này của gia đình bị hư hỏng.
“Rau trồng theo phương pháp truyền thống nên khi mưa lớn sẽ khó tránh khỏi ảnh hưởng trực tiếp. Với tình hình mưa gió sau bão như hiện nay, mưa bão đang diễn biến phức tạp, tôi sợ lứa rau này mất trắng”, ông Khanh buồn bã cho hay.
Mưa lớn cũng làm ngập trắng vườn rau của gia đình ông Nguyễn Văn Thuyên, thôn Láng Cát. Dù đã tháo nước, nhưng gần 4 tấn rau tía tô và mùng tơi của nhà ông Thuyên đang ngập úng và gãy đổ. Theo ông Thuyên, dù có xử lý thoát nước kịp thời thì số rau đã ngập sẽ khó được đẹp và giá bán cũng không được như trước.
Nhiều diện tích rau màu của gia đình ông ông Nguyễn Văn Thuyên, thôn Láng Cát, xã Tân Hải, TX. Phú Mỹ ngập úng ảnh hưởng tới năng suất. |
Người nuôi tôm đứng ngồi không yên
Trong khi đó, những hộ nuôi tôm trong đùng đất như bà Phạm Thị Thu Vân, ở xã An Ngãi, huyện Long Điền cũng đang lo lắng vì những trận mưa lớn và kéo dài mấy ngày qua. Theo bà Vân, tôm là giống thủy sản rất nhạy cảm với những biến đổi bất thường của thời tiết. Khi mưa lớn và kéo dài sẽ làm thay đổi tình trạng sức khỏe, tốc độ phát triển của tôm, thậm chí mưa đột ngột và liên tục sẽ gây ra hiện tượng sốc nước khiến tôm chết hàng loạt.
“Hiện nay, hàm lượng axit trong nước mưa nhiều, độ mặn, độ PH trong nước bị giảm đột ngột. Nếu không có các biện pháp xử lý kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tôm nuôi bị sốc môi trường. Trường hợp nhẹ thì khiến tôm giảm ăn, nặng thì bỏ ăn và chết”, bà Vân lo lắng.
Thời tiết còn bất lợi
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn BR-VT, do ảnh hưởng của bão Noru, từ ngày 26 đến ngày 29/9, lượng mưa tiếp tục tăng, thời gian mưa tập trung về chiều và tối. Lượng mưa phổ biến từ 20-40mm/24h, có nơi trên 70mm/24h.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, Sở NN-PTNT đã có văn bản gửi các đơn vị sẵn sàng ứng phó trước hậu quả bão Noru. Sở yêu cầu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật nắm bắt tình hình thời tiết để kịp thời hướng dẫn cho các địa phương và người dân chủ động thu hoạch lúa, hoa màu, có kế hoạch sản xuất phù hợp và triển khai các biện pháp giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân cần theo dõi sát tình hình thời tiết để chủ động phòng ngừa, ứng phó. Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở phối hợp với các địa phương tổ chức hướng dẫn người dân các biện pháp bảo vệ sản xuất, đặc biệt là các biện pháp bảo vệ sản xuất rau màu, sốc nhiệt đối với thuỷ sản nuôi. Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường bảo vệ các công trình hồ, đập để tránh thiệt hại do thiên tai gây ra ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC