.

Kiểm soát chặt nguồn hàng vào siêu thị

Cập nhật: 19:46, 27/09/2022 (GMT+7)

Trước thông tin rau xanh không rõ nguồn gốc, xuất xứ “đội lốt” VietGAP vào một số cửa hàng, siêu thị được đăng tải trên báo chí thời gian qua, các siêu thị trên địa bàn tỉnh đã tăng cường rà soát quy trình giám sát chất lượng của nhà cung cấp để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng.

Để có mặt trên kệ hàng của siêu thị, nhiều loại rau củ quả được kiểm soát từ nơi trồng đến nhập kho. Trong ảnh: Người dân mua rau tại siêu thị GO! Bà Rịa.
Để có mặt trên kệ hàng của siêu thị, nhiều loại rau củ quả được kiểm soát từ nơi trồng đến nhập kho. Trong ảnh: Người dân mua rau tại siêu thị GO! Bà Rịa.

Sau khi báo chí đăng tải vụ rau “dởm” gắn mác VietGAP vào siêu thị WinMart/Tiki ngon, chuỗi siêu thị này đã ngừng nhập và rút toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp bị nêu tên ra khỏi quầy kệ để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Tương tự, Bách Hóa Xanh cũng đã thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của nhà cung cấp Đông A. Riêng tại thị trường Bà Rịa-Vũng Tàu, đại diện Bách Hóa Xanh cho biết, tất cả cửa hàng của hãng không kinh doanh các sản phẩm Đông A mà báo chí phản ánh. Bách Hóa Xanh cũng rà soát toàn bộ các nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa đầu vào.

Trong khi đó, đại diện Co.op Mart tại Bà Rịa-Vũng Tàu thông tin, sản phẩm rau củ quả đạt tiêu chuẩn VietGAP đang kinh doanh tại hệ thống Co.op Mart được cung cấp từ nhiều đơn vị như Anh Đào, Hồng Phong, Thảo Nguyên, Tân Phú Trung, Nhuận Đức, Ngã Ba Giồng, Phú Lộc, Phước An... Trong quá trình sản xuất, nhà cung cấp và đơn vị thành viên cung cấp cho Co.op Mart phải tuân thủ quy trình VietGAP bao gồm: niêm yết danh sách thành viên, đánh giá thực tế năng lực sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức đội ngũ giám sát, tổ chức sơ chế cách đất theo quy định dưới sự giám sát của Sở NN-PTNT.

Tại cuộc họp về công tác quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản ngày 22/9, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan kêu gọi sự vào cuộc của tất cả hệ thống bán lẻ, các DN, hiệp hội ngành hàng, cơ quan truyền thông để tạo dựng hệ sinh thái ngành hàng. Đồng thời nhấn mạnh, phải chuẩn hoá nông sản ngay từ thị trường trong nước, bắt đầu từ chợ cóc, chợ truyền thống, sau đó tiến dần lên các trung tâm thương mại, siêu thị, nhà phân phối... Ngành nông nghiệp phải xây dựng được chuỗi ngành hàng, khắc phục tình trạng đứt đoạn hiện nay.

Để có mặt trên kệ hàng của siêu thị Co.op Mart, rau củ quả chịu sự kiểm soát chặt chẽ từ nơi trồng đến nhập kho. Một lượng lớn mẫu sản phẩm sẽ được chọn ngẫu nhiên gửi các trung tâm kiểm soát kiểm định phân tích sâu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các yếu tố vi sinh theo chuẩn VietGAP. Tại tổng kho, Co.op Mart cũng kiểm soát hàng khi nhập vào bằng các kỹ thuật kiểm tra nhanh về ngoại quan, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và các yếu tố vi sinh khác theo chuẩn VietGAP trước khi phân phối về siêu thị.

Theo ông Trần Công Hiếu, Phó Giám đốc Co.op Mart Bà Rịa, với sản phẩm đạt tiêu chuẩn, Co.op Mart sẽ dán mã QR Code truy xuất nguồn gốc và thông tin lên bao bì. Sau khi đưa hàng lên kệ, siêu thị kiểm tra nhanh và đội quản lý chất lượng của Saigon Co.op cũng sẽ kiểm tra ngẫu nhiên, đột xuất.

Người dân mua rau tại Co.op Mart Vũng Tàu.
Người dân mua rau tại Co.op Mart Vũng Tàu.

Còn tại siêu thị GO! Bà Rịa, 50% rau củ trái cây nhập từ các đơn vị trong nước, 50% còn lại lấy tại các đơn vị trong tỉnh. Bà Huỳnh Kim Mỹ, Giám đốc Go! Bà Rịa cho biết, tất cả mặt hàng rau củ bán tại siêu thị đều được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào. Các loại rau củ mua từ nhà cung cấp tại địa phương đều là những đơn vị đã được cơ quan chức năng trong tỉnh kiểm duyệt và cấp giấy chứng nhận công nhận về chất lượng.

Đại diện Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam (chủ sở hữu chuỗi siêu thị GO!/ BigC…) thông tin thêm, sản phẩm nông sản được bày bán tại các siêu thị đều có bộ phận kiểm soát chất lượng, tem nhãn bảo đảm yêu cầu khi cần test nhanh, kiểm tra thì việc thực hiện được nhanh chóng.

Tuy nhiên, người tiêu dùng khi đã bỏ ra một khoản tiền nhiều hơn để mua rau sạch, an toàn thực phẩm, họ rất cần sự giám sát một cách trách nhiệm hơn nữa của nhà cung cấp, các siêu thị, cơ quan chức năng... Cơ quan chức năng cũng cần thường xuyên giám sát, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các DN kinh doanh siêu thị, bán lẻ, thậm chí là các nhà sản xuất, phân phối, kinh doanh các sản phẩm hàng hoá trên thị trường, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm.

Siêu thị sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa đầu vào. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị GO! Bà Rịa.
Siêu thị sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa đầu vào. Trong ảnh: Người dân mua hàng tại siêu thị GO! Bà Rịa.

Chị Lê Thị Phương Lan (xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa) cho biết, chị chọn mua rau ở các siêu thị vì rau tươi và an tâm về nguồn gốc, chất lượng hơn so với mua ngoài chợ. Đọc thông tin rau từ chợ được dán nhãn đạt chuẩn VietGAP đưa vào siêu thị do báo chí phản ánh vừa qua tại TP. Hồ Chí Minh, chị rất lo ngại. “Theo tôi, các siêu thị cần tăng cường kiểm soát chất lượng rau củ. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có biện pháp ngăn chặn và xử lý những hành vi gian lận trong việc buôn bán hàng hóa, sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng”.

Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU

.
.
.