Người dân đồng thuận giải phóng mặt bằng
Đoàn lãnh đạo tỉnh do ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh làm Trưởng đoàn vừa có buổi khảo sát, lấy ý kiến của một số người dân có đất bị thu hồi thuộc dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Qua làm việc, các hộ dân đều bày tỏ đồng thuận cao trong công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).
Ông Doãn Thanh Hải (KP. Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX.Phú Mỹ) mong muốn công tác đền bù thực hiện dự án phải bảo đảm quyền lợi thỏa đáng cho người dân. |
Sẵn sàng bàn giao mặt bằng
Ông Trần Văn Tiến (ấp Bắc 3, xã Hòa Long, TP. Bà Rịa) cho biết, thực hiện dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, toàn bộ diện tích hơn 400 m2 đất của gia đình ông nằm trong diện giải tỏa “trắng”. Điều này buộc gia đình ông phải di chuyển đi nơi khác sinh sống, cuộc sống có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, trước chủ trương về xây dựng đường cao tốc, gia đình ông hoàn toàn đồng ý và sẵn sàng bàn giao đất khi Nhà nước thu hồi.
“Xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Người dân chúng tôi rất phấn khởi và vui mừng. Tôi và gia đình đồng thuận, sẵn sàng giao đất để triển khai thực hiện dự án”, ông Tiến bày tỏ.
Dù đang kinh doanh thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình trong nhiều năm qua, nhưng ông Nguyễn Văn Bôn, chủ quán lẩu dê (ấp Phước Tân, xã Tân Hưng, TP. Bà Rịa), vẫn nhất trí với chủ trương xây dựng đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và sẵn sàng bàn giao hơn 2 sào đất thực hiện dự án. Trong diện tích đất mà gia đình ông bị thu hồi có 3 căn nhà và một nhà hàng kinh doanh lẩu dê.
“Gia đình tôi bị thu hồi đất thì chắc chắn sẽ được bồi thường, hỗ trợ theo quy định. Tôi rất tiếc vì không biết có thể kinh doanh lẩu dê khi chuyển về nơi khác hay không, nhưng sẵn sàng bàn giao mặt bằng, bảo đảm dự án được triển khai đúng tiến độ và hiệu quả”, ông Bôn nói.
Ông Đỗ Văn Bên (ấp 5, xã Tóc Tiên, TX.Phú Mỹ) cho biết, ông và gia đình vào đây lập nghiệp được hơn 30 năm. Khu vực này trước đây hoang vắng và ít người ở, không có đường đi lại. Mãi sau này mới có con đường dân sinh do người dân tự mở. Khi biết tin nay sắp có đường cao tốc đi qua, đa số người dân đều bày tỏ vui mừng và đồng thuận bàn giao mặt bằng. “Nơi đây có đường cao tốc đi qua thì tốt quá, giá trị đất sẽ tăng lên, các hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng sẽ phát triển. Hy vọng việc xây dựng tuyến đường cao tốc sẽ mang lại diện mạo mới cho tỉnh và địa phương, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”, ông Bên chia sẻ.
Ông Đào Danh Sửu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TX. Phú Mỹ cho biết, hầu hết các công trình, dự án khi thực hiện GPMB đều có những khó khăn, vướng mắc như: Việc xác định nguồn gốc đất, giá đất, đơn giá tài sản, vật kiến trúc, cây cối để tính bồi thường. Riêng đối với dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu thì người dân đồng thuận rất cao. Nhờ đó, hiện TX. Phú Mỹ đang thực hiện công tác kiểm kê, kiểm đếm rất thuận lợi; chưa xảy ra việc chống đối hay ngăn cản lực lượng chức năng làm nhiệm vụ. |
Bảo đảm lợi ích chính đáng
GPMB là hoạt động tác động trực tiếp đến đối tượng sử dụng đất, các thành phần kinh tế, đặc biệt là đến đời sống của người dân, hộ gia đình. Đối với dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đa số người dân đều nhận thức được đây là dự án giao thông trọng điểm quốc gia nên tỉ lệ người dân đồng thuận rất cao. Tuy nhiên, hầu hết người dân đều bày tỏ mong muốn giá bồi thường, đền bù đất đai, hỗ trợ tái định cư cần thỏa đáng, bảo đảm quyền lợi cho người dân, đặc biệt là ổn định cuộc sống sau khi bị thu hồi đất.
Theo ông Doãn Thanh Hải (KP. Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ), Cũng theo ông Hải, triển khai thực hiện dự án này gia đình ông có 5 hộ bị ảnh hưởng, diện tích bị thu hồi khoảng hơn 1ha.
Có khoảng 1ha đất bị thu hồi, ông Doãn Thanh Hải (KP. Mỹ Tân, phường Mỹ Xuân, TX. Phú Mỹ) cho hay, chủ trương của Nhà nước thì gia đình ông sẵn sàng hợp tác bàn giao đất. Tuy nhiên, việc thu hồi đất cũng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống gia đình. Do đó, ông mong muốn công tác đền bù sẽ thỏa đáng, cơ quan chức năng thực hiện đúng trách nhiệm và bảo đảm quyền lợi của người dân. “Nguyện vọng và mong muốn của gia đình tôi, cũng như các hộ dân có đất bị thu hồi là việc đền bù phải bảo đảm đúng quyền lợi của người dân, giúp chúng tôi ổn định cuộc sống sau khi đất bị thu hồi”, ông Hải nhấn mạnh.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Hiền (ấp Tân Long, xã Châu Pha, TX.Phú Mỹ) cho hay, gia đình ông bị thu hồi diện tích đất hơn 700m2, trong đó có 1 căn nhà. Toàn bộ diện tích đất bị thu hồi là đất nông nghiệp, không có thổ cư. “Chủ trương của Nhà ước chúng tôi rất ủng hộ. Chỉ mong tạo điều kiện hỗ trợ cho gia đình tôi một suất tái định cư để ổn định cuộc sống sau khi thu hồi đất”, ông Hiền bày tỏ.
Theo lãnh đạo UBMTTQ TX. Phú Mỹ, công tác tuyên tuyền đóng vai trò quan trọng trong vận động GPMB. Thị xã đã thành lập Tổ tuyên truyền, vận động đến từng hộ gia đình để giải thích, thông tin về vai trò, ý nghĩa của dự án với phát triển kinh tế - xã hội địa phương và hướng dẫn, giải thích các chế độ chính sách của nhà nước liên quan đến các nội dung kiến nghị của các hộ dân. Đồng thời, tổ tuyên truyền cũng vận động các hộ gia đình nêu cao tinh thần trách nhiệm, đồng thuận ủng hộ dự án.
Ông Trần Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh cho biết, bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhiệm vụ quan trọng trong dân vận GPMB là tăng cường nắm bắt tình hình, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, dư luận xã hội. Qua buổi khảo sát, Đoàn sẽ kịp thời kiến nghị cơ quan chức năng những bất cập liên quan đến bồi thường, GPMB dự án nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người dân.
“Công tác đền bù GPMB của dự án sẽ được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công bằng. Việc bố trí tái định cư cũng sẽ thực hiện linh động để tạo thuận lợi cho người dân”, ông Lợi nhấn mạnh.
Bài, ảnh: TRÚC GIANG