Cùng với khai thác hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành thủy sản của tỉnh phát triển. Do đó, việc đầu tư hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá hiện đại, đồng bộ cần được tỉnh quan tâm nhiều hơn.
Nhà máy sản xuất đá với công suất 3.000 cây đá/ngày tại cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái (huyện Long Điền). |
Đa dạng dịch vụ hậu cần nghề cá
Cảng Xí nghiệp đóng sửa tàu thuyền ở phường 5 (TP. Vũng Tàu) được đầu tư xây dựng từ năm 2010 với diện tích khoảng 2,5ha. Nơi đây có khả năng tiếp nhận tàu từ 1.000CV trở xuống, công suất bốc xếp đạt 25.000 tấn hải sản/ngày.
Trong những năm qua, công tác khơi thông luồng lạch ra vào cảng cá được đầu tư thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho tàu thuyền ra vào bốc dỡ sản phẩm hải sản và tránh trú bão cũng như cung cấp nguyên, nhiên liệu cho tàu cá vươn khơi.
Theo ông Nguyễn Đình Ngọc, ngư dân TP. Vũng Tàu, khi chưa có tàu dịch vụ hậu cần bà con đánh bắt trên biển chỉ được khoảng 10 ngày do không đủ nhiên liệu, nhu yếu phẩm. Nhưng từ khi có đội tàu dịch vụ hậu cần, các nhu yếu phẩm, nhiên liệu, đá cây và thu mua hải sản ngay trên biển đã giúp bà con kéo dài chuyến biển lên 2-3 tháng, giảm chi phí nhiên liệu, bảo đảm chất lượng hải sản đánh bắt. “Ngoài các dịch vụ hậu cần cung cấp trên biển, tàu cá trong quá trình đánh bắt bị hư hỏng cũng sẽ được sửa chữa hoặc kéo vào kịp thời. Nhờ đó, chúng tôi yên tâm vươn khơi bám biển”, ông Ngọc bày tỏ.
Cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái, xã Phước Hưng, huyện Long Điền đi vào hoạt động từ năm 2015 với diện tích 3ha, có khả năng tiếp nhận cùng lúc 20 tàu cá, có chiều dài từ 24m trở xuống, khu vực neo đậu của cảng có sức chứa được 60 tàu cá. Đây là cảng loại 2 được đánh giá là cảng cá khang trang, rộng rãi nhất của tỉnh.
Ông Lương Văn Đảo, Phó Giám đốc Cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản cho hay, cảng Hưng Thái có nhiều lợi thế vì được đầu tư một nhà máy sản xuất đá, với công suất 3.000 cây đá/ngày, kho chứa dự trữ được 6.000 cây đá. Cảng cũng xây dựng các dãy nhà lồng cho các tàu cập cảng bốc dỡ, phân loại, ướp cá và đóng gói để vận chuyển đi xa. Ngoài ra, cảng còn đầu tư các khu bán ngư cụ, hàng hóa thiết yếu, sửa chữa nhỏ phục vụ hậu cần cho các tàu cá khi ra khơi.
Dịch vụ hậu cần nghề cá trên địa bàn tỉnh đang không ngừng phát triển. Trong ảnh: Người lao động vận chuyển đá cho cho tàu cá tại cảng Hưng Thái (huyện Long Điền). |
Vẫn còn nhiều hạn chế
Tuy các cảng cá đã cung cấp nhiều dịch vụ hậu cho nghề khai thác thủy sản, song cơ sở hạ tầng, khu neo đậu do chưa được đầu tư đồng bộ, nhiều cảng cá đã xuống cấp, ô nhiễm trầm trọng.
Tại huyện Long Điền, một trong những địa phương có lượng tàu cá lớn của tỉnh, ngoài cảng Dịch vụ hậu cần thủy sản Hưng Thái còn có cảng cá Tân Phước và Hiệp Phước với số lượng tàu ra vào thường xuyên khá lớn. Tuy nhiên, hiện cảng Tân Phước với chiều dài 168m chỉ có khả năng tiếp nhận 7-8 tàu/lần. Do đó, vào mùa đánh bắt, tại đây luôn diễn ra tình trạng quá tải, không đáp ứng được nhu cầu tàu thuyền ra vào. Còn cảng cá Hiệp Phước, chiều dài cầu cảng 68m chỉ có thể bố trí cho 3-4 tàu vào một lúc, trong khi nhu cầu neo đậu gấp 5-10 lần.
Thêm vào đó, do được xây dựng từ những năm 1990 nên 2 cảng này đã xuống cấp, hệ thống xử lý nước thải không đủ công suất phục vụ. Lúc cao điểm 2 cảng cá này luôn trong tình trạng nhếch nhác, nước sơ chế cá chảy lênh láng, ô nhiễm môi trường rất cao.
Đánh giá về tình trạng hạ tầng cảng cá tại TP. Vũng Tàu, ngư dân Nguyễn Đình Ngọc, phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết, lượng tàu cá của tỉnh khá đông, vào mùa đánh bắt cao điểm hay mùa giông bão nhiều tàu từ các tỉnh miền Tây, miền Trung tập trung về các cảng cá ở TP. Vũng Tàu rất nhiều. Tuy nhiên, hệ thống cảng của thành phố hiện khá chật hẹp, luôn trong tình trạng quá tải, cơ sở vật chất của cảng không được đầu tư, hiện đại hóa mà ngày càng xuống cấp. Đơn cử như cảng Xí nghiệp cơ khí tàu thuyền, phường 5, là một cảng nhỏ nhưng số lượng tàu đánh bắt cập cảng rất đông, luôn trong tình trạng quá tải.
Tại cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ), nhiều năm qua, luồng vào cảng bị hẹp dần do hiện tượng bồi lắng, gây cản trở, mất an toàn cho tàu thuyền ra vào cảng nhưng không được nạo vét khơi thông.
Đáng lo ngại là hệ thống xử lý nước thải tại một số cảng không đủ công suất xử lý hoặc nhiều cảng chưa có hệ thống xử lý nước thải. Do đó, nước thải từ hoạt động sơ chế hải sản tràn ra ngoài và chảy trực tiếp xuống biển, thường xuyên bốc mùi hôi thối, vừa ảnh hưởng đến môi trường, vừa ảnh hưởng đến chất lượng hải sản đánh bắt.
Bà Phạm Thị Na, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT cho biết, những năm gần đây, tỉnh đã có nhiều cố gắng trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển cảng cá. Các địa phương ven biển đều có hệ thống cảng để phục vụ nghề đánh bắt thủy sản. Tuy nhiên, hầu hết các cảng cá đều đã khai thác trong thời gian dài, nhiều cảng được sử dụng từ 15 đến trên 30 năm, nên cơ sở hạ tầng kỹ thuật đầu tư không đồng bộ, xuống cấp, sạt lở, bồi lắng, trong khi đó kinh phí duy tu, sửa chữa còn hạn hẹp.
Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện cũng chưa có cảng được đầu tư hiện đại, nên chưa đáp ứng được công tác bảo quản thủy sản sau đánh bắt cho ngư dân. “Ngành nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị tỉnh hỗ trợ ngư dân đầu tư tăng năng lực khai thác và hiện đại hóa đội tàu cùng với chính sách đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ nghề cá, các khu neo đậu tránh trú bão để ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển”, bà Na thông tin.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC