.

Trao "cần câu", giúp phụ nữ khởi nghiệp

Cập nhật: 19:59, 11/08/2022 (GMT+7)

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án 939), Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp trên địa bàn tỉnh đã tạo điều kiện, hỗ trợ hội viên hiện thực hóa ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.

Hội LHPN phường Hắc Dịch tham quan vườn măng tây của gia đình bà Nguyễn Thị Bông (KP. 1, phường Hắc Dịch).
Hội LHPN phường Hắc Dịch tham quan vườn măng tây của gia đình bà Nguyễn Thị Bông (KP. 1, phường Hắc Dịch).

Hỗ trợ vay vốn làm ăn

Sau nhiều năm buôn bán ở TP. Hồ Chí Minh, năm 2021, bà Nguyễn Thị Bông trở về mưu sinh ở quê nhà tại tổ 11, KP.1, phường Hắc Dịch, TX. Phú Mỹ. Nhận thấy măng tây là thực phẩm bổ dưỡng, thị trường ưa chuộng, bà đầu tư vốn, trồng thử. Được Hội LHPN phường Hắc Dịch tín chấp vay 20 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã, bà đã mua giống măng tây Mỹ về trồng trên diện tích 1.000m2. Sau 4,5 tháng trồng, vườn măng tây đã cho thu hoạch.

Bước đầu đạt hiệu quả, bà Bông ươm thêm cây giống, mở rộng diện tích trồng lên 3.000m2. Sản phẩm măng tây của gia đình bà sau thu hoạch được Chi hội Phụ nữ KP.1 và Hội LHPN phường làm cầu nối, giới thiệu tiêu thụ. Hiện nay, mỗi ngày gia đình bà thu hái từ 8-12 kg măng tây. Với giá bán 80-100 ngàn đồng/kg, mỗi tháng bà Bông có thu nhập gần 15 triệu đồng.

“Vườn măng tây cho thu hoạch liên tục trong 3 tháng rồi nghỉ 1 tháng dưỡng sức cho cây mẹ. Đầu ra được Hội LHPN phường hỗ trợ tiêu thụ nên rất ổn định, tôi mừng lắm”, bà Bông bày tỏ.

Tại xã Tân Hưng (TP. Bà Rịa), đầu năm 2020, Hội LHPN xã thành lập mô hình “Tổ phụ nữ khởi nghiệp trồng rau răm” với 7 thành viên, tổng diện tích canh tác 27ha. Sau khi thành lập, tổ chủ động liên kết các hộ dân hỗ trợ nhau về kinh nghiệm, chuyển giao kỹ thuật; về nguồn giống và đầu ra. Mỗi thành viên được Hội LHPN xã tín chấp vay 70 triệu đồng vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Sản lượng rau răm của tổ 100 bó/hộ/ngày, thu nhập bình quân 8 triệu đồng/hộ/tháng.

Từ hiệu quả bước đầu, đến nay tổ phụ nữ khởi nghiệp đã có thêm 2 thành viên mới với tổng diện tích trồng rau răm tăng thêm hơn 7.000m2. Chị Bùi Thị Thảo, thành viên “Tổ phụ nữ khởi nghiệp trồng rau răm” xã Tân Hưng cho biết, từ ngày tham gia vào tổ, chị có thêm kinh nghiệm và áp dụng kỹ thuật chăm bón mới nên vườn rau cho năng suất cao hơn, chất lượng tốt hơn. “Ngoài rau răm, tôi còn trồng một số loại rau khác. Với giá thu mua ổn định từ 10-15 ngàn đồng/kg, mỗi tháng vườn rau mang lại thu nhập cho gia đình tôi hơn 10 triệu đồng”, chị Thảo phấn khởi nói.

Thực hiện Đề án 939, tính đến nay, Hội LHPN các cấp trên địa bàn tỉnh đã huy động hơn 11 tỷ đồng, giúp 500 chị em hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp. Trong đó, tính riêng hoạt động khởi nghiệp, 5 năm qua, toàn tỉnh đã có 602 chị em được hỗ trợ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với số tiền hơn 11 tỷ đồng; có 5 hợp tác xã, 11 tổ hợp tác được Hội hỗ trợ thành lập.

Tạo sinh kế bền vững

Bên cạnh việc giúp hội viên phụ nữ khó khăn tiếp cận nguồn vốn khởi sự kinh doanh, các cấp Hội LHPN còn là cầu nối kêu gọi sự tham gia, hỗ trợ của các DN tại địa phương để tạo việc làm cho chị em.

Gia đình em Trần Thị Tường Vy (tổ 9, KP.1, phường Hắc Dịch) là một trong số những trường hợp khó khăn trên địa bàn. Vừa qua, em bị tai nạn giao thông phải nằm điều trị tại bệnh viện. Khi có thể đi lại, em muốn học nghề để có thể tự kiếm tiền nuôi sống bản thân. Em được Hội LHPN phường giới thiệu đến học nghề tại cơ sở Oanh Spa có uy tín tại địa phương.

“Để học chăm sóc da phải mất học phí khoảng 20 triệu đồng. Em đang lo lắng thì Hội LHPN phường hỗ trợ học phí và giới thiệu địa điểm học nghề uy tín. Em rất mừng và sẽ cố gắng học, có nghề ổn định”, Tường Vy chia sẻ.

Bà Phan Thị Thu Mỹ, Chủ tịch Hội LHPN phường Hắc Dịch cho biết, tùy theo nhu cầu, năng lực và mong muốn của từng hội viên mà Hội sẽ có sự hỗ trợ phù hợp. Với hội viên có đất sản xuất mà thiếu vốn đầu tư, Hội sẽ tín chấp hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng CSXH. Hội viên không có việc làm ổn định có mong muốn được đào tạo nghề học có việc làm, Hội sẽ kết nối với các DN để tạo việc làm ổn định, trao “cần câu” và trở thành điểm tựa tin cậy để chị em phấn đấu vượt khó vươn lên.

Bà Lê Thị Kim Thu, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết, thực hiện Đề án 939, những năm qua, Hội LHPN các cấp đã khơi dậy tinh thần khởi nghiệp và hỗ trợ hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh cho nhiều hội viên, bảo đảm phù hợp với tình hình, xu thế phát triển của địa phương theo hướng bền vững. Đồng thời, khích lệ phụ nữ mạnh dạn khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh, phát triển thương mại điện tử; nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình tổ, nhóm liên kết, CLB doanh nhân nữ…, góp phần tăng thu nhập và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, phong trào phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh ngày càng lan tỏa, tạo điều kiện để hội viên phụ nữ tự tin, mạnh dạn phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng.

Bài, ảnh: MAI NGỌC

 
.
.
.