.

Liên kết sản xuất giúp nông dân Xuyên Mộc tăng thu nhập

Cập nhật: 19:33, 10/08/2022 (GMT+7)

Thời gian qua, huyện Xuyên Mộc đã tạo điều kiện thuận lợi để thu hút DN, HTX thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Từ đó, từng bước chuyển dịch từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao năng suất và thu nhập cho nông dân.

Nhãn xuồng cơm vàng của HXT Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) hiện đã có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị lớn trong cả nước.
Nhãn xuồng cơm vàng của HXT Nhân Tâm (huyện Xuyên Mộc) hiện đã có mặt trên nhiều hệ thống siêu thị lớn trong cả nước.

Hình thành nhiều mô hình liên kết hiệu quả

HTX Nhân Tâm (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) là đơn vị tiên phong chuyển đổi trồng nhãn xuồng cơm vàng theo quy trình VietGAP, từng bước xây dựng thương hiệu cho trái nhãn xuồng “Made in Bà Rịa - Vũng Tàu”. Ông Phạm Thế Hoành, Giám đốc HTX cho biết, HTX có 19 hộ trồng nhãn trên diện tích 16,8ha. Trước đây, người dân trong xã chỉ trồng với diện tích nhỏ lẻ, đầu ra còn phụ thuộc vào thị trường, phần lớn chưa phát huy được tiềm năng của loại sản phẩm này. Trước khó khăn đó, HTX đã tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP. Đến nay HTX có 13,9ha trồng nhãn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản lượng đạt khoảng 45 tấn/năm. Sản phẩm nhãn của HTX đã có chỗ đứng ổn định trong các hệ thống siêu thị trường cả nước như Saigon Coop Mart, MM.Mega Market... Thu nhập bình quân khoảng 250 triệu/ha/năm, doanh thu HXT thu về bình quân khoảng 1,3 -1,6 tỷ đồng/năm. “HTX hiện nay vẫn không ngừng hoàn thiện mẫu mã, bao bì và chất lượng sản phẩm để hướng tới những thị trường khó tính hơn”, ông Hoành chia sẻ.

Trong khi đó, đối với cây hồ tiêu, trên địa bàn huyện Xuyên Mộc có Công ty TNHH Gia vị XNK VinaHarris liên kết với 2 xã Hòa Hiệp và Hòa Hội  theo dự án phát triển hồ tiêu bền vững (SAN) với diện tích 488ha/485 hộ. Trong giai đoạn tới, DN sẽ tiếp tục triển khai chứng nhận thêm diện tích đạt tiêu chuẩn để kết nối tiêu thụ với người dân trên địa bàn xã Hòa Bình, Bàu Lâm, Tân Lâm, Hòa Hưng với diện tích khoảng 500ha.

Khi tham gia dự án, người dân được DN chuyển giao kỹ thuật trồng tiêu theo chuẩn Global GAP, SAN, hỗ trợ trả chậm tiền phân bón và cam kết bao tiêu sản phẩm đúng giá thị trường. Đổi lại, các hộ nông dân tham gia vào dự án phải cam kết sản xuất đúng theo quy trình kỹ thuật mà công ty hướng dẫn và cam kết bán sản phẩm cho công ty. 

Ông Lê Văn Tuấn (xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) một trong những hộ dân tham gia mô hình này cho biết, trước đây, với 1ha trồng tiêu, nếu canh tác theo kiểu truyền thống thì chi phí đầu tư cho phân bón, thuốc BVTV hết 150 triệu đồng/ha/năm, tuy nhiên phương thức mới chi phí giảm còn 110-120 triệu đồng/ha. Năng suất, chất lượng hồ tiêu cũng tăng từ 20-30% so với trước. “Tham gia dự án này, điều chúng tôi yên tâm nhất là được DN bao tiêu sản phẩm theo giá thị trường. Hơn nữa, sức khỏe cũng được bảo đảm khi người nông dân không phải tiếp xúc nhiều với thuốc trừ sâu, BVTV, môi trường sống không bị ô nhiễm”, ông  Tuấn nói thêm.

Hỗ trợ phát triển sản xuất

Xác định việc liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giữa DN, HTX và người dân là giải pháp để phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, huyện Xuyên Mộc đã tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp. Cụ thể là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất như công nghệ tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt có hệ thống điều khiển bán tự động, sản xuất theo quy trình VietGAP; sử dụng các giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Huyện cũng tích cực vận động, hướng dẫn người dân ở các địa phương thực hiện tập trung đất đai; hướng tới hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn; liên kết sản xuất, bao tiêu các sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh của huyện, như tiêu Bầu Mây, nhãn xuồng cơm vàng, rau các loại, lúa gạo, thanh long... 

Ông Dương Tấn Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Xuyên Mộc cho biết, địa phương hiện có 12/12 xã đều có mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, lĩnh vực trồng trọt đã có 1.181ha thực hiện liên kết trên một số loại cây như lúa, bắp, cây ăn quả, nhàu, hồ tiêu... Trong lĩnh vực thủy sản có DN tư nhân Ngọc Hạnh đang thực hiện chuỗi liên kết với các hộ nuôi tôm với diện tích khoảng 7ha, thực hiện theo dự án mô hình chuỗi an toàn thực phẩm đối với tôm nuôi.

"Nhìn chung, các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản đã đảm bảo cho hoạt động sản xuất, chế biến ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân sản xuất nông nghiệp tại các xã. Đồng thời giúp ổn định giá cả thị trường, đảm bảo cho quyền lợi người tiêu dùng, thực hiện tiêu thụ sản phẩm cho người sản xuất theo chuỗi, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng NTM tại địa phương", ông Dương Tấn Linh cho hay.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.