.

Quy hoạch để khai thác hiệu quả hệ thống cảng biển

Cập nhật: 19:29, 14/08/2022 (GMT+7)

Việc khẩn trương lập quy hoạch cảng biển BR-VT song song với lập quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Đông Nam Bộ được đánh giá là rất cần thiết. Điều này nhằm đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch chuyên ngành và chủ động trong việc thu hút đầu tư các dự án cảng trên địa bàn tỉnh.

Hiện hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Trong ảnh: Tàu cập cảng CMIT để xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu.
Hiện hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Trong ảnh: Tàu cập cảng CMIT để xếp dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu.

Lượng hàng hóa vượt xa quy hoạch

Theo số liệu thống kê cho thấy, hàng hóa thông qua cảng biển tại BR-VT bằng tàu biển chiếm khoảng 67% với hàng tổng hợp và khoảng 80-84% đối với hàng container. Đặc biệt, cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (CM-TV) đảm nhận vai trò trung chuyển quốc tế với 43% - 45% lượng hàng cả nước, có vị trí gần kề tuyến hàng hải quốc tế Á - Âu, Á - Mỹ… Nơi đây cũng phục vụ trung chuyển cho cả khu vực Đông Nam Bộ, Nam Trung bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. CM-TV cũng là cảng nước sâu có thể tiếp nhận được tàu container đến 214.000DTW. Đây cũng là nơi đang khai thác 35 tuyến vận tải container quốc tế.

Theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lượng hàng thông qua cảng biển BR-VT dự kiến vào năm 2020 khoảng từ 96-100 triệu tấn/năm; trong đó hàng container từ 3,1-3,30 triệu TEU/năm; năm 2025 từ 128-141 triệu tấn/năm; trong đó hàng container khoảng từ 5,2-5,8 triệu TEU/năm; năm 2030 khoảng từ 167-198 triệu tấn/năm; trong đó hàng container khoảng từ 8 đến 9,5 triệu TEU/năm. Tuy nhiên, năm 2020, sản lượng hàng hóa qua cảng biển BR-VT Tàu đạt hơn 113 triệu tấn, riêng container đạt 7,55 triệu TEU (trong đó hàng hóa thông qua bằng tàu biển là 76 triệu tấn bao gồm 4,37 triệu TEU hàng container). Như vậy, lượng hàng qua cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2020 đã vượt dự báo được duyệt.

Trong khi đó, hệ thống cảng biển hiện chưa được đầu tư đồng bộ, mạng lưới kết nối cảng phát triển chậm, tình trạng tắc nghẽn giao thông đã xảy ra. Ngoài ra, nhiều đơn vị cho rằng hạ tầng logistics phát triển chậm, chi phí khá cao, phát triển công nghiệp chưa toàn diện, chưa có bến cảng quy mô lớn, dài đủ sức tiếp nhận nhiều tàu mẹ cùng lúc. Cùng với đó, là thiếu các bến sà lan, bến thủy nội địa…

Cần quy hoạch chi tiết, bài bản

Theo đơn vị tư vấn Công ty CP Tư vấn Thiết kế Cảng-Kỹ thuật biển (Portcoast) quy hoạch chi tiết vùng đất, vùng nước cảng biển BR-VT giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang được hoàn thiện. Trong đó, dự kiến được thực hiện tại các khu: khu bến Cái Mép (trong đó bao gồm bến cảng Cái Mép Hạ lưu); khu bến Thị Vải; khu bến Long Sơn; khu bến sông Dinh; bến cảng Côn Đảo; các bến cảng dầu khí ngoài khơi; các bến phao, khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão. Trong đó, vùng nước thuộc khu vực cửa sông Cái Mép và có sự điều chỉnh ranh vùng nước khu cảng Phước An. Vùng đất với các khu bến Cái Mép, Thị Vải Long Sơn được điều chỉnh nhiều về công năng. Ngoài ra, điều chỉnh bổ sung bến xây dựng của Tổ hợp hóa dầu thành bến cảng tổng hợp, chuyển bến cảng tàu khách trên vịnh Côn Sơn thành cảng biển là 2 trong nhiều nội dung quan trọng của bản quy hoạch chi tiết.

Ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT cho biết, thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp với Công ty CP Tư vấn thiết kế Cảng – Kỹ thuật biển rà soát tính toán, làm rõ thêm nhu cầu, định hướng, lộ trình đầu tư phát triển các bến cảng thuộc cảng biển BR-VT, đặc biệt là khu bến hạ lưu Cái Mép Hạ. Đồng thời, đề xuất tham mưu cho UBND tỉnh để thống nhất phạm vi, nội dung quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh; tính toán đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải biển không chỉ khu vực CM-TV mà còn của TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Long An, Tiền Giang…

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, trong thời gian tới, khi các tuyến đường cao tốc hình thành và khu vực QL51 không còn thu phí, sân bay Long Thành hình thành thì cơ hội phát triển về kinh tế cảng biển của tỉnh là rất lớn. Do đó, đơn vị tư vấn cần xác định và nghiên cứu các phương án kỹ thuật của cầu cảng đảm bảo cho lượng hàng hoá lớn trong tương lai. Đặc biệt là trong nghiên cứu quy hoạch cần phải có cơ chế, chính sách mở để tạo điều kiện cho nhà đầu tư về sau.

Mới đây nhất, ngày 12/8, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang  đã có buổi làm việc với tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu về vấn đề Quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển của tỉnh. Khẳng định việc quy hoạch và đầu tư cảng biển của Việt Nam luôn đi trước một bước, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang thông tin, Bộ GT-VT sẽ tiếp tục phân tích và tính toán để có các quy hoạch cụ thể hơn. Hiện CM-TV đang làm tốt nhiệm vụ trung chuyển từ các nước như Campuchia, Thái Lan và nhiều nhất là trong nước. “Đặc biệt ở khu vực Cái Mép Hạ, nơi đây có rất nhiều lợi thế để phát triển. Chúng ta cần quy hoạch chi tiết, đầu tư bài bản, có nhiều phân khúc tàu để đáp ứng cho nhu cầu phát triển vận tải biển trong lương lai, tận dụng vị trí đắc địa của luồng CM-TV cho phát triển cảng biển của khu vực”, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

.
.
.