Nghịch lý thừa-thiếu vật liệu công trình giao thông
Nhiều công trình giao thông trên địa bàn tỉnh đang trong tình trạng thiếu nguồn vật liệu để thi công công trình. Trong khi đó, vẫn còn một lượng lớn sản lượng đá đã khai thác nhưng không bán ra được.
Tại mỏ khai thác đá Công ty TNHH Khai thác VLXD Thuận Lập (ấp 6, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ), một lượng lớn đá phục vụ xây dựng đang tồn kho chưa bán được. |
Báo cáo của Sở GT-VT cho thấy, nhu cầu sử dụng đá cho các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh là khoảng 6 triệu m3. Trong đó, riêng nhu cầu sử dụng vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm như: đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh, đường ven biển ĐT994, tuyến kết nối cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đoạn từ QL 56 đến vòng xoay đường 3/2 và 2/9... đã cần đến 4,5 triệu m3 đá, hơn 1,1 triệu m3 cát và hơn 79,4 triệu m3 vật liệu san lấp. Tuy nhiên hiện nay trên thực tế nguồn nguyên liệu cung cấp cho các dự án này mới chỉ đáp ứng được hơn 25%.
Ghi nhận tại một số mỏ đá cũng cho thấy lượng đá tồn tại các mỏ đang rất lớn, đủ cung cấp cho nhu cầu xây dựng hiện tại trên địa bàn tỉnh. Nhưng các công trình giao thông vẫn thiếu vật liệu để thực hiện dự án.
Tại mỏ khai thác đá Công ty TNHH Khai thác VLXD Thuận Lập (ấp 6, xã Tóc Tiên, TX. Phú Mỹ), một lượng lớn đá phục vụ xây dựng vẫn còn đang nằm tại bãi đủ để có thể cung cấp ngay cho các công trình giao thông. Tuy nhiên, công ty vẫn đang cung ứng vật liệu theo các hợp đồng có từ trước là khách hàng cũ và gần như có rất ít khách hàng mới có nhu cầu mua vật liệu đá xây dựng của mỏ.
Nguyên nhân chủ yếu là do vị trí mỏ nằm cách xa các công trình trọng điểm đang thi công, nếu thay đổi đơn vị cung ứng vật tư thì nhà thầu sẽ phải tăng chi phí vận chuyển vì đi xa hơn 10-20km. Trong khi đó, khi thực hiện công trình, chủ đầu tư đã tính toán ký hợp đồng với các mỏ khai thác gần nhất để giảm chi phí vận chuyển.
Theo quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường và than bùn tỉnh BR-VT giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030 thì trữ lượng khai thác dự trữ của đá xây dựng lên đến hơn 177 triệu m3. Nghĩa là, trữ lượng khoáng sản dự trữ thừa sức đáp ứng nhu cầu sử dụng cho các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. |
Ông Lục Ích Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác VLXD Thuận Lập cho biết, sản phẩm khai thác đá để làm công trình giao thông tại mỏ hiện vẫn còn tồn dư khoảng 80 ngàn m3.
“Các công trình đang bị thiếu vật liệu là do những mỏ vật liệu thiết kế gần đang hết hạn hoạt động, hết trữ lượng khai thác nên dẫn đến bị thiếu. Đi xa hơn thì chi phí tăng, nên chủ đầu tư không muốn tìm các nguồn xa”, ông Nguyên nói.
Tương tự, tại mỏ khai thác đá 3B của Công ty TNHH Đá Hóa An 1 (xã Châu Pha, TX. Phú Mỹ), một lượng vật liệu lớn vẫn không thể xuất đi. Theo chủ mỏ đá này, do chi phí vận chuyển từ mỏ đến các công trình, dự án tăng cao nên không bán được.
Ông Nguyễn Văn Chinh, Giám đốc chi nhánh Công ty TNHH Đá Hóa An 1 cho hay: “Về cơ bản giá đá chúng tôi không tăng nhưng vẫn không có khách hàng vào lấy vì vận chuyển không đủ chi phí để chi trả nhiên liệu, tiền lương công nhân và các điểm trạm trộn cũng không khởi động được…”.
Theo ông Chinh có nhiều nguyên nhân khiến đá khai thác tại mỏ ra không bán được trong đó có nguyên nhân từ việc giá xăng dầu tăng mạnh. Mặc dù đến thời điểm này giá dầu đã giảm còn khoảng 20 ngàn đồng/lít nhưng vẫn cao hơn đầu năm từ 400-700 đồng/lít.
Trong khi đó, một số mỏ khai thác khoáng sản của Công ty CP Vật liệu xây dựng DIC, Công ty CP Khoáng sản Thanh Bình… nằm gần các công trình giao thông nhưng lại đang phải ngừng hoạt động để chờ quyết định gia hạn khai thác của UBND tỉnh. Nếu tình trạng này còn kéo dài, thì nguồn vật liệu đá phục vụ các công trình sẽ trở thành vấn đề nan giải, nhất là đối với các công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh sắp đi vào giai đoạn khởi công như: cầu Phước An, cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu...
Cũng theo một số chủ mỏ đá tại xã Châu Pha (TX. Phú Mỹ), khu vực này đang chờ quyết định phê duyệt lại quy mô khai thác của UBND tỉnh nên một số mỏ phải đóng cửa, một số mỏ còn lại đang hoạt động cầm chừng. Việc phải thay đổi đơn vị cung ứng giữa chừng khiến các nhà thầu bị động, ảnh hưởng đến tiến độ dự án. Bởi ngay khi nhận các công trình, các nhà thầu đều tính toán nguồn vật tư gần công trình nhất để tiết kiệm chi phí.
Bài, ảnh: QUANG VŨ