Từ ngày 15/7, Nghị định 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN và khu kinh tế (gọi tắt là Nghị định 35) chính thức có hiệu lực. Các KCN kỳ vọng bước vào giai đoạn “thay da đổi thịt” khi quy định mới có hiệu lực.
Các KCN kỳ vọng bước vào giai đoạn “thay da đổi thịt” khi Nghị định 35 có nhiều điểm mới. Trong ảnh: Hạ tầng KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3 đã được đầu tư đồng bộ hiện đại. |
Phù hợp với thực tế
Nghị định 35 thay thế Nghị định 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ. Đánh giá từ các chuyên gia kinh tế cho thấy, Nghị định 35 có nhiều điểm sửa đổi so với Nghị định 82/2018 về quản lý KCN, khu kinh tế (KKT). Đơn cử như, Nghị định 35 đã phân loại cụ thể các loại quy hoạch xây dựng KCN gồm quy hoạch chung xây dựng KCN, quy hoạch phân khu xây dựng KCN và quy hoạch chi tiết xây dựng KCN (nếu cần). Đặc biệt, Nghị định này còn cho phép các trường hợp không cần lập nhiệm vụ quy hoạch như lập quy hoạch phân khu xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch chung xây dựng hoặc quy hoạch chung xây dựng KKT đã được phê duyệt; lập quy hoạch chi tiết xây dựng KCN tại khu vực đã có quy hoạch phân khu xây dựng được phê duyệt… Từ những điểm mới này, các nhà đầu tư cho rằng các quy định trên sẽ giúp tiết kiệm thời gian triển khai các dự án, giảm chi phí cho nhà đầu tư.
Ông Jeong Soo Nam, Cố vấn cao cấp Tập đoàn khí Quốc gia Hàn Quốc Kogas cho biết, Nghị định 35 đã bổ sung nhiều quy định phù hợp với thực tế, tháo gỡ các vướng mắc từ trước tới nay. Qua đó, mang lại lợi ích trực tiếp cho nhà đầu tư vì trong đó có quy định về phân kỳ đầu tư KCN, bãi bỏ thủ tục thành lập KCN, đơn giản hóa quy định về điều kiện, thủ tục đầu tư hạ tầng, thành lập KCN và mở rộng KCN… Đáng chú ý, Nghị định 35 đã phân loại rõ ràng các loại hình KCN, bao gồm KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao, KCN - đô thị - dịch vụ là bước khởi đầu giúp các nhà đầu tư định hướng và tạo hành lang pháp lý thuận lợi.
“Chúng tôi đang tìm hiểu và dự kiến đầu tư tại BR-VT với quỹ tài chính khoảng 2 tỷ USD. Các hạng mục đầu tư gồm: xây dựng hạ tầng kho lạnh bảo quản dược phẩm, nông thủy sản; khu logistics đóng gói; khu chế biến chuyên sâu nông thủy sản... bằng công nghệ LNG phát điện, cấp lạnh và công nghệ IoT blockchain truy xuất nguồn gốc hàng hóa và chế biến thủy sản nổi trên biển…Với Nghị định 35, nhà đầu tư sẽ dễ dàng lựa chọn mô hình phát triển phù hợp với DN, tìm hiểu trước đối tác, trải nghiệm thực tế mô hình đang xây dựng của KCN” - ông Jeong Soo Nam cho biết thêm.
Nhìn nhận từ góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Anh Triết, Trưởng Ban Quản lý các KCN tỉnh cũng cho rằng, với Nghị định 35, vai của UBND cấp tỉnh, nhà đầu tư cũng được chú trọng. Trước đây, Chính phủ thực hiện việc điều chỉnh các nội dung liên quan tới quy hoạch, chủ trương… Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư khi triển khai dự án, vì trong quá trình thực hiện sẽ có nhiều vấn đề phát sinh mà lúc lập dự án không thể tính toán hết được.
Nghị định 35 đã trao quyền cho địa phương nhiều hơn. Theo đó, UBND tỉnh sẽ được quyết định điều chỉnh địa điểm, quy mô diện tích quy hoạch KCN không quá 2% và không quá 6 ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh. Nếu không quá 10% và không quá 30ha so với quy mô diện tích của KCN đã được xác định trong danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ do UBND tỉnh quyết định sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Xây dựng, Bộ TN-MT, Bộ KH-ĐT. Đây là điểm mới đột phá, tạo thuận lợi rất lớn cho địa phương, các DN kinh doanh hạ tầng vì thủ tục này thực hiện thường xuyên nhưng trước đây phải theo một quy trình phức tạp và kéo dài.
Mục tiêu an cư cho công nhân
Toàn tỉnh hiện có 13/15 KCN đã đi vào hoạt động với hơn 65 ngàn công nhân lao động. Trong đó, có hơn 65% công nhân trong các KCN, CCN là người từ các địa phương khác, trong khi nhà ở cho người lao động chỉ đáp ứng khoảng 28% nhu cầu thuê, mua. Nhà nước đã có cơ chế và các quy định dành quỹ đất để triển khai các dự án nhà ở cho công nhân tại các KCN, CCN, nhưng đến nay, việc xây dựng nhà ở cho công nhân tại các địa phương, các DN vẫn còn trì trệ. Thậm chí, đang tồn tại thực trạng đáng buồn tại nhiều KCN: Không bố trí đất xây nhà cho công nhân, cắt phần đất xây dựng nhà ở để làm kho bãi, nhà xưởng cho thuê. Chưa kể, nhiều quy định liên quan tới việc phát triển KCN đã được đổi mới và luật hóa, nhưng việc xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN vẫn chưa có tiến triển, thủ tục và quy trình xây dựng vẫn còn rất nhiêu khê.
Điểm mới thu hút sự quan tâm của người dân lẫn DN trong Nghị định 35 là quy định danh mục các KCN trên địa bàn tỉnh phải bảo đảm quỹ đất để quy hoạch xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động làm việc tối thiểu là 2% tổng diện tích của các KCN. Một trong các điều kiện xem xét, chấp thuận chủ trương đầu tư dự án hạ tầng KCN là có quy hoạch xây dựng khu nhà ở và các công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho người lao động. Ngoài ra, một trong các điều kiện xem xét mở rộng KCN là đã xây dựng, đưa vào sử dụng khu nhà ở và công trình dịch vụ, tiện ích công cộng cho công nhân.
Các DN đánh giá cao sự đổi mới tích cực của Nghị định 35, đặc biệt về vấn đề nhà ở cho công nhân. Các DN cho rằng, ngoài trách nhiệm của chính quyền, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư KCN trong vấn đề này. Với những KCN đã triển khai nhưng chưa có đất làm nhà ở, chính quyền địa phương nên xem xét, bố trí quỹ đất xây nhà công nhân cho chủ đầu tư KCN hoặc các DN. Trường hợp KCN lớn chưa lấp đầy, còn đất trống thì xem xét cho điều chỉnh quy hoạch phần đất chưa sử dụng để làm nhà ở công nhân. Ngoài quy định bắt buộc trách nhiệm thì cần có sự hỗ trợ về chính sách của Nhà nước. KCN cần có các tiện ích thương mại dịch vụ, nhà ở xã hội, nhà ở lưu trú cho người lao động, chuyên gia.
Ông Kengo Yamada, Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanacans (KCN B1 Tiến Hùng, TX.Phú Mỹ), cho rằng, để ổn định sản xuất, kinh doanh của DN thì công nhân phải an cư. Vì vậy, khi phát triển các KCN, chủ đầu tư cần phải chuẩn bị sẵn nhà ở cho công nhân. Vì nếu thiếu nhà ở cho công nhân gần các KCN, CCN khiến cuộc sống của người lao động bấp bênh và các DN cũng khó giữ chân người lao động lâu dài. Giải quyết được vấn đề nhà ở cho công nhân, DN sẽ có lực lượng lao động ổn định, tăng năng lực cạnh tranh, kích thích phát triển sản xuất, tiêu dùng, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN