Nhiều loại hàng hóa, thực phẩm vẫn ở mức cao dù giá xăng đã 5 kỳ liên tiếp điều chỉnh giảm. Điều này đòi hỏi cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát chặt giá cả các mặt hàng, tạo bình ổn thị trường.
Dù giá xăng giảm liên tiếp nhưng giá thịt heo vẫn ở mức cao từ 110-190 ngàn đồng/kg. Trong ảnh: Người dân mua thực phẩm tại chợ Rạch Dừa. |
Giá hàng hóa, thực phẩm vẫn cao
Khảo sát thị trường thời gian qua cho thấy, hầu hết các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm đều thiết lập mặt bằng giá mới sau những lần xăng tăng giá. Tuy nhiên, dù giá xăng điều chỉnh giảm 5 lần liên tiếp, hiện ở mức hơn 23 ngàn đồng/lít nhưng hàng hóa, thực phẩm vẫn “đứng yên”.
Ghi nhận tại chợ Rạch Dừa, chợ Vũng Tàu… hơn 1 tháng nay, giá thịt heo vẫn ở mức cao: từ 110-190 ngàn đồng/kg. Nhiều mặt hàng thực phẩm khác như trứng, thịt bò, gà, rau củ cũng còn cao. Chẳng hạn, giá trứng gà ta vẫn ở mức 38-40 ngàn đồng/chục, trứng vịt 40 ngàn đồng/chục, thịt bò 170-280 ngàn đồng/kg, cá chim trắng 200 ngàn đồng/kg, tôm sú biển 280-320 ngàn đồng/kg, mực ống 200-280 ngàn đồng/kg. Giá các loại rau xanh cũng liên tục tăng trong thời gian qua. Cụ thể, rau muống 15.000 đồng/bó, cà chua 35-40 đồng/kg; cải ngồng 25 ngàn đồng/kg; cải xanh 30 ngàn đồng/kg; hành lá 50 ngàn đồng/kg; bông cải xanh 80 ngàn đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Duyên (TT. Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ) cho hay, không riêng chị mà các bà nội trợ đều cảm nhận rõ làn sóng tăng giá của các loại thực phẩm, hàng hóa. Đặc biệt, ngay khi giá xăng nhích lên, giá các loại rau xanh, trứng, gia vị dầu ăn, nước mắm, đường… cũng lên theo khiến mỗi khi đi chợ, chị phải đắn đo cân nhắc mua món này hay bớt món kia. Điều lạ lùng là khi giá xăng gần đây liên tiếp giảm, nhưng các loại hàng hóa, thực phẩm vẫn “im ắng”.
“Gia đình tôi ở vùng nông thôn nên rau củ trồng được, chỉ mua thực phẩm mà chi phí sinh hoạt cũng tăng thêm 10-15%. Thiết nghĩ cơ quan chức năng cần có biện pháp điều chỉnh giá cả phù hợp tình hình hiện nay”, chị Duyên nói.
Cần có biện pháp kiềm chế giá
Lý giải giá xăng dầu trong nước gần đây giảm mạnh nhưng giá nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu vẫn chưa giảm, Bộ Tài chính cho rằng, do nhiều yếu tố tác động đan xen như tác động của giá nguyên vật liệu đầu vào, mức độ tồn kho, năng lực sản xuất, nhu cầu biến động mang tính mùa vụ. Cùng với đó, một số mặt hàng có giá nguyên liệu đầu vào tăng trong một thời gian dài nên chưa thể giảm giá ngay hoặc cần độ trễ sau khi giá xăng dầu giảm.
Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, cần giảm chi phí ở khâu trung gian, rà soát lại các yếu tố hình thành giá cả; tránh trường hợp nhà cung cấp trung gian được hưởng lợi quá nhiều, trong khi nhà sản xuất chưa chắc đã lãi cao và đẩy người tiêu dùng vào tình cảnh phải mua hàng hóa giá đắt đỏ. Theo PGS, TS Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh, khâu trung gian không thể “ăn” chênh lệch quá nhiều. Bởi trên thực tế đã có tình trạng đơn vị thu mua ép giá nông dân, trong khi họ luôn là người yếu thế. Để hàng hoá hạ nhiệt nhanh chóng, cần có sự vào cuộc quyết liệt của bộ ngành liên quan nhằm giảm thủ tục hành chính, chi phí giao dịch, chi phí kinh doanh... mà nhiều DN, đơn vị sản xuất vẫn đang tính toán gộp luôn vào giá thành sản phẩm.
Giá xăng 5 lần liên tiếp giảm nhưng hàng hóa, thực phẩm vẫn ở mức cao. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Co.op Mart Vũng Tàu. |
Để tránh việc lợi dụng xu hướng tăng giá xăng dầu từ đầu năm hoặc cố tình kết cấu thêm những khoản chi phí ngoài giá để tăng giá bất hợp lý, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện chỉ đạo các bộ, ngành địa phương kiểm soát chặt giá các hàng hóa, dịch vụ. Theo đó, tăng cường tổ chức rà soát kê khai giá các mặt hàng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ giá xăng dầu như dịch vụ vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, logistics để đánh giá việc điều chỉnh giá và phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu trong yếu tố hình thành giá. Trường hợp có thể giảm giá thì yêu cầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời. Đặc biệt là cần tăng cường kiểm tra việc chấp hành niêm yết giá, thu tiền dịch vụ đúng giá niêm yết của các DN, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng tăng giá bất hợp lý, kết cấu đưa thêm những khoản thu ngoài giá để thu cao hơn mức giá kê khai, niêm yết.
Ở góc độ địa phương, Sở Công thương đã yêu cầu các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi... phối hợp chặt chẽ với các DN bình ổn thị trường, đơn vị cung ứng chủ lực xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định, không tăng giá bất hợp lý. Đồng thời, tiếp tục rà soát, hỗ trợ áp dụng chiết khấu ưu đãi, chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác để giảm áp lực tăng giá bán đến tay người tiêu dùng; quan tâm, nghiên cứu có chính sách ưu đãi đối với sản phẩm bình ổn thị trường và các mặt hàng thiết yếu khác.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU