Giá thép giảm nhưng sức mua vẫn chậm, vì sao?
Trong vòng chưa đầy 3 tháng, giá thép đã giảm tới 11 lần. Theo phản ánh của các cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn tỉnh, mặc dù giá thép liên tục điều chỉnh giảm nhưng sản lượng bán ra vẫn chậm hơn so với những tháng đầu năm. Nguyên nhân là do tháng 7-8, Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào cao điểm mùa mưa nên ít có các công trình xây dựng. Hơn nữa, tầm tháng 7 âm lịch, nhiều người kiêng kị không xây nhà, không thực hiện sửa chữa… nên thép bán ra cũng chậm hơn.
Giá thép giảm nhưng chi phí nguyên vật liệu tăng và sức tiêu thụ những tháng cuối năm yếu nên DN thép phải đối mặt với nhiều khó khăn. Trong ảnh: Kinh doanh thép tại một DN tại TP. Vũng Tàu. |
Chưa đầy 3 tháng, giá thép giảm 11 lần
Khảo sát thị trường thép cho thấy, cuối tháng 7 vừa qua, giá thép xây dựng tiếp tục giảm mạnh từ 100-310 ngàn đồng/tấn, đưa giá thép xây dựng xuống mức 15,2-16,4 triệu đồng/tấn. Đây là đợt giảm thứ 4 trong tháng 7 và đợt thứ 11 kể từ ngày 11/5.
Giá thép giảm là tin vui đối với ngành xây dựng, nhưng các cửa hàng kinh doanh VLXD không dám ôm hàng. Bà La Thị Túy Ái, Giám đốc Công ty TNHH vật tư xây dựng Thẩm (178, Huyền Trân Công Chúa, phường 8, TP. Vũng Tàu) cho biết, trong gần 3 tháng qua, giá thép liên tục giảm. Hiện cửa hàng VLXD Thẩm đang bán thép Việt-Nhật với 20 ngàn đồng/kg, giảm khoảng 2 ngàn đồng/kg so với vài tháng trước. Mặc dù giá thép giảm nhưng sản lượng bán ra vẫn chậm hơn so với những tháng đầu năm. Theo bà Ái, nguyên nhân là do vào tháng 7 và 8, Bà Rịa-Vũng Tàu bước vào cao điểm mùa mưa nên ít có các công trình xây dựng. Hơn nữa, tầm tháng 7 âm lịch, nhiều người kiêng kị không xây nhà, không thực hiện sửa chữa… nên thép bán ra cũng chậm hơn.
“Chúng tôi không dám nhập nhiều hàng, chỉ nhập vào vừa đủ nhu cầu của khách. Hơn 2 tháng trước, giá thép lên đỉnh từ 21-22 triệu/tấn, nhưng nay giá bán tại cửa hàng đã giảm sâu và khả năng sẽ vẫn còn giảm. Nếu ôm nhiều trong kho mà không đẩy kịp sẽ rất dễ thua lỗ”, bà Ái nói.
Về phía DN xây dựng, ông Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc một công ty Xây dựng trên địa bàn TP. Vũng Tàu cho hay, giá thép xây dựng giảm được cho là tín hiệu tốt của thị trường xây dựng khi mặt hàng này chiếm khoảng 20-30% chi phí các công trình, qua đó giúp các chủ thầu giảm bớt chi phí, đặc biệt là những công trình đã ký hợp đồng chìa khóa trao tay với khách. Tuy nhiên, giá thép giảm ở thời điểm không phù hợp (mùa mưa và tháng 7 âm lịch), các công trình xây dựng ít nên việc hưởng lợi từ việc điều chỉnh giá thép cũng không được bao nhiêu.
Giá thép cuộn Hòa Phát CB240 hiện có giá 15,5 triệu đồng/tấn, thép thanh vằn D10 CB300 là 16,1 triệu đồng/tấn; thép Việt Ý CB240 15,2 triệu đồng tấn, thép D10 CB300 là 16 triệu đồng/tấn; thép miền Nam CB240 15,6 triệu đồng/tấn, thép D10 CB300 16,4 triệu đồng/tấn… |
DN sản xuất lao dốc vì lợi nhuận
Nhận định về diễn biến thị trường thép, Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, thị trường thép nửa cuối năm sẽ còn khó khăn hơn khi dự báo giá thép xây dựng đã giảm mạnh trong tháng 7, 8 và có thể kéo dài đến hết quý III do nhu cầu thép vẫn giảm mạnh. Trong đó, những yếu tố khiến triển vọng thị trường thép nửa cuối năm khá u ám, bao gồm tốc độ giải ngân đầu tư công chậm, ngân hàng siết tín dụng bất động sản, mùa cao điểm xây dựng đã qua… Trong khi lợi nhuận mảng xuất khẩu thép không còn tốt như trước.
Trước thực trạng này, nhiều DN đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022 theo hướng suy giảm. Chẳng hạn như Tập đoàn Hòa Phát ghi nhận 82.118 tỷ đồng doanh thu và 12.229 tỷ lợi nhuận sau thuế sau nửa năm 2022, tương ứng giảm 27% so với cùng kỳ năm trước, hoàn thành 46% kế hoạch năm. Trên cơ sở đó, Tập đoàn Hòa Phát dự kiến lợi nhuận năm 2022 đạt mức 25.000-30.000 tỷ đồng, thấp hơn mức lợi nhuận 34.521 tỷ đồng của năm 2021.
Công ty CP Thép Nam Kim, lợi nhuận sau thuế năm 2022 dự báo giảm 39% so với năm 2021 về mức 1.350 tỷ đồng. Nhìn vào quy mô DN, mặt bằng lợi nhuận của những DN này vẫn cao, nhưng nếu so sánh với kết quả kinh doanh của chính DN thì xu hướng giảm là rõ nét.
Bài, ảnh: MINH TÂM-SONG BÌNH