Thay đổi mô hình quản lý từ rời rạc, cục bộ thành tập trung là việc làm cấp thiết để Khu xử lý chất thải tập trung (KXLCTTT) Tóc Tiên không còn là điểm nóng ô nhiễm môi trường.
Nhà máy thu gom, xử lý nước thải tập trung Quý Tiến đã đi vào hoạt động giai đoạn 1, có nhiệm vụ xử lý toàn bộ nước thải phát sinh của các DN đạt cột A trước khi thải ra môi trường. |
DN phải đấu nối với nhà máy xử lý nước thải tập trung
Nhằm thay đổi mô hình quản lý tại KXLCTTT Tóc Tiên, việc đầu tiên là phải xây dựng nhà máy xử lý nước thải sản xuất của các DN thứ cấp và lắp đặt các trạm quan trắc khí thải tự động. Hiện nay Sở TN-MT đã lắp đặt 2 trạm quan trắc tự động khí thải tại KXL, 5 DN trong KXL có lưu lượng xả thải lớn đã đấu nối đường truyền về Trung tâm Điều hành quan trắc tự động tỉnh.
Với Nhà máy xử lý nước thải tập trung, tháng 11/2018, UBND tỉnh đã có quyết định số 3183/QĐ-UBND giao cho Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến đầu tư bằng nguồn vốn của DN. Theo đó, Nhà máy xử lý nước thải tập trung Quý Tiến có nhiệm vụ thu gom, xử lý nước thải của các cơ sở xử lý nước thải trong KXLCTTT Tóc Tiên với công suất 2.000m3/ngày đêm (chia làm 2 modul, mỗi modul có công suất xử lý 1.000m3/ngày đêm). Nước thải sau khi xử lý đạt QCVN 40:2011/BTNMT, cột A thì được thải ra môi trường vào nguồn tiếp nhận Suối Đá, theo dòng chảy về suối Giao Kèo và chảy ra sông Dinh.
Theo ông Phan Tân Thiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH Môi trường Quý Tiến, tổng vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn là 57 tỷ đồng trên diện tích 2,86ha. Phạm vi dự án không bao gồm mạng lưới công trình thu gom, nhưng để tạo điều kiện cho các DN trong KXL đấu nối vào Nhà máy xử lý nước thải tập trung, công ty đã xây dựng thêm mạng lưới thu gom nên giai đoạn 1 đã đầu tư đến 46 tỷ đồng.
Giai đoạn 1 của Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Quý Tiến có công suất 1.000m3/ngày đêm đã hoàn thiện và vận hành từ đầu năm 2022. Đến nay đã có 7 DN trong KXL ký hợp đồng thu gom và xử lý nước thải tại nhà máy với đơn giá 14.000 đồng/m3. Nếu như trước đây, các DN tự xử lý nước thải đạt cột B sẽ thải ra môi trường, thì khi đấu nối về nhà máy sẽ được xử lý thêm một bước đạt cột A QCVN 40:2011/BTNMT trước khi thải ra môi trường.
Ông Trần Quốc Thắng, Quản lý kỹ thuật Nhà máy XLCTTT Tóc Tiên cho biết, Nhà máy Xử lý nước thải tập trung Quý Tiến sử dụng công nghệ hóa lý, sinh học hiện đại. Đặc biệt, nước thải có tính chất nguy hại, oxy hóa mạnh sẽ được hệ thống Fenton khử hoàn toàn nên trong, không mùi và được hệ thống quan trắc tự động của Sở TN-MT giám sát, tự động lấy mẫu trước khi thải ra môi trường.
Theo ông Đặng Sơn Hải, Phó Giám đốc Sở TN-MT, Sở đã tham mưu UBND tỉnh yêu cầu các DN trong KXL phải đấu nối hệ thống xử lý nước thải vào Nhà máy Xử lý nước thải tập trung. DN nào chưa đấu nối, sau khi giấy phép xử lý nước thải cục bộ hết hạn thì sẽ không được gia hạn.
“Việc áp dụng mô hình xử lý nước thải tập trung tại KXL sẽ giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường về nước thải cho KXL. Chất lượng nước khi thải ra môi trường sẽ được Sở TN-MT tự động lấy mẫu và giám sát trực tuyến 24/24. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các DN trong KXL cũng sẽ nhẹ nhàng hơn. Còn với cơ quan chức năng, khi xảy ra sự cố về nước thải thì chỉ cần kiểm tra Nhà máy Xử lý nước thải tập trung, chứ không cần phải đi hàng chục DN thứ cấp trong KXL để kiểm tra như trước đây”, ông Đặng Sơn Hải thông tin.
Công nhân xử lý chất thải nguy hại tại Nhà máy Quý Tiến. |
Quản lý theo quy chế mới
Để khắc phục những bất cập về quy hoạch, tháng 11/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3318/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu XLCTTT Tóc Tiên. Đến nay, ngân sách tỉnh đã đầu tư khoảng 137,63 tỷ đồng thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật khung cho KXL, như: giao thông, cấp điện, nước, thoát nước mưa, thông tin liên lạc, văn phòng, cổng và hàng rào.
Đầu tháng 3/2021, UBND tỉnh cũng đồng ý phương án điều chỉnh lô C1 thuộc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu XLCTTT Tóc Tiên từ “quy hoạch xử lý chất thải thông thường” thành “quy hoạch xử lý chất thải nguy hại”. Tổng diện tích lô C1 khoảng 8ha, trong đó 5,8ha đất xây dựng công trình và 2,2ha đất cây xanh cách ly. Song song đó, Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi các cơ sở xử lý chất thải hoạt động kém hiệu quả hoặc chậm triển khai. Đồng thời, sớm kêu gọi thu hút đầu tư dự án đốt rác phát điện giảm tải xử lý rác thải sinh hoạt cho Công ty TNHH Kbec Vina.
Ngoài vấn đề quy hoạch, ông Nguyễn Công Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng, Sở TN-MT và các đơn vị, sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh xây dựng quy chế quản lý KXLCTTT Tóc Tiên. Theo đó, có 2 nhiệm vụ cơ bản nhất là quản lý nước thải và khí thải từ hoạt động sản xuất trong KXL cơ bản được giải quyết theo hướng tập trung, quy về một mối. Cụ thể, nước thải phát sinh của các DN thay vì xử lý cục bộ như trước đây, nay sẽ được đưa về xử lý tại Nhà máy xử lý nước thải tập trung Quý Tiến. Khí thải của các DN sẽ được quan trắc tự động và truyền dữ liệu về Trung tâm điều hành Quan trắc tự động tỉnh (Sở TN-MT quản lý).
Theo chủ trương của tỉnh, toàn bộ chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh dự kiến phát sinh theo quy hoạch đến 2025 khoảng 1250 tấn/ngày sẽ được chuyển sang xử lý ứng dụng công nghệ tái chế, đốt thu hồi năng lượng và phát điện. Các cơ sở xử lý chất thải trong KXL cũng đang được yêu cầu đầu tư đổi mới thiết bị công nghệ; đặc biệt là dự án chôn lấp chất thải của Công ty TNHH Kbec Vina đang được yêu cầu chuyển đổi công nghệ xử lý. |
Các dự án đã được bàn giao đất thực địa nhưng sau 12 tháng liên tục không triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ quá 24 tháng so với giấy chứng nhận đầu tư thì bị xem xét thu hồi đất, chấm dứt hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Dự án đi vào hoạt động nhưng không có khả năng xử lý chất thải như thiết kế hoặc quá trình vận hành không đạt yêu cầu về môi trường, gây ô nhiễm mà không được khắc phục thì bị xem xét ngừng hoạt động.
Cũng theo Dự thảo quy chế này, UBND tỉnh quy định rõ trách nhiệm của Sở TN-MT, Sở Xây dựng trong việc hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, thanh tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường đối với cơ sở xử lý chất thải theo thẩm quyền; xử lý và đề xuất xử lý các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo quy định. Trung tâm Quản lý các khu xử lý chất thải chịu trách nhiệm quản lý việc sử dụng chung công trình hạ tầng kỹ thuật trong KXLCTTT; áp dụng các biện pháp ngăn ngừa và kịp thời xử lý các sự cố kỹ thuật; lập biên bản hiện trường làm cơ sở báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm soát chặt hoạt động sản xuất, xả thải của các DN, cộng với đó là quy chế quản lý rõ ràng, mô hình quản lý tập trung, hy vọng trong thời gian tới tình trạng ô nhiễm môi trường tại KXLCTTT Tóc Tiên sẽ được cải thiện, không còn nằm trong danh sách điểm nóng về ô nhiễm.
Bài, ảnh: QUANG VŨ