Giúp tàu cá tiết kiệm dầu khi ra khơi
Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, Trường Đại học BR-VT hợp tác với Công ty TNHH Hợp lực và Phát triển Việt vừa phát minh, đưa ứng dụng thiết bị lọc cặn dầu diezen vào hoạt động. Thiết bị không những giúp máy móc hoạt động trơn tru, ổn định mà còn tiết kiệm hơn 10% lượng dầu trong mỗi chuyến tàu cá ra khơi đánh bắt hải sản.
Thiết bị lọc cặn dầu diezen cho tàu cá của nhóm tác giả Trường Đại học Dầu khí Việt Nam và Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu hợp tác. |
Tiết kiệm chi phí
Ông Nguyễn Đình Ngọc, phường 2, TP. Vũng Tàu có 4 tàu cá đánh bắt bằng lưới rê đóng bằng chất liệu composite. Cách đây gần 5 tháng, Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt chọn tàu cá của ông để lắp thử nghiệm thiết bị lọc cặn dầu diezen. Ban đầu tiếp cận thiết bị, ông chỉ kỳ vọng sẽ giúp máy móc của tàu cá hoạt động ổn định, trơn tru và tuổi thọ kéo dài hơn. Thế nhưng, sau thời gian thử nghiệm, thiết bị đã mang lại hiệu quả hơn cả sự kỳ vọng của ông. Không chỉ giúp máy hoạt động ổn định, thiết bị lọc cặn dầu diezen còn tiết kiệm hơn 10% lượng dầu/chuyến biển, tương đương với 500 lít dầu. Như vậy, tàu cá của ông mỗi chuyến ra khơi đã giảm được khoảng 15 triệu đồng.
Thấy được lợi ích này, ông Ngọc quyết định lắp thiết bị cho 3 tàu cá còn lại. Hiện các tàu hoạt động 4 chuyến biển, mỗi chuyến giúp gia đình ông tiết kiệm hàng chục triệu đồng và bảo vệ máy móc hoạt động tốt hơn.
“Lúc đầu tôi cũng chỉ định lắp thử xem máy móc có hoạt động bền hơn hay không. Thực tế chứng minh máy không chỉ bền mà còn tiết kiệm xăng dầu nên tôi tin tưởng sử dụng. Trong thời buổi “bão giá” như hiện nay, giảm chi phí phần nào tốt phần đó”, ông Ngọc chia sẻ.
Khi biết đến thiết bị lọc cặn dầu diezen, ông Võ Ngọc Dũng, phường 2, TP. Vũng Tàu cũng lắp thiết bị lọc cặn dầu diezen cho 3 tàu cá hành nghề rập ghẹ. Theo ông Dũng, mỗi chuyến biển kéo dài từ 5-6 tháng sẽ tiêu tốn khoảng 50.000 lít dầu diezen. Nếu như thời điểm cuối năm 2021, chi phí cho mỗi chuyến biển khoảng 1,2 tỷ đồng, thì nay phải tiêu tốn từ 1,7-1,8 tỷ đồng. Khi lắp thiết bị lọc cặn dầu diezen trên tàu cá, tháng đầu tiên gia đình ông tiết kiệm hơn 1.000 lít dầu.
“Thiết bị này chỉ có giá 13,5 triệu đồng nhưng giúp ngư dân tiết kiệm rất nhiều lượng xăng dầu. Chỉ cần một chuyến biển chi phí tiết kiệm được đã gấp vài lần giá thành của sản phẩm này”, ông Dũng nói.
Cần phổ biến rộng rãi
Việc đánh bắt cá xa bờ đòi hỏi ngư dân phải dự trữ một lượng dầu diezen lớn trong một khoảng thời gian dài. Bên cạnh đó, môi trường hoạt động trên biển và chất lượng các khoang chứa dầu trên tàu không đạt tiêu chuẩn nên dầu dễ bị lẫn nước biển, muối biển và các cặn cơ học. Đây là những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng dầu chứa nhiều các thành phần lắng cặn, muối, nước khiến chất lượng của dầu bị giảm sút, ảnh hưởng lớn đến hoạt động cũng như máy móc trên các tàu cá hiện nay.
Tiến sĩ Dương Chí Trung, giảng viên, Chủ nhiệm bộ môn Lọc hóa dầu, Trường Đại học Dầu khí Việt Nam, người trực tiếp tham gia nhóm nghiên cứu giải pháp thiết bị xử lý lọc cặn dầu diezen trên tàu cá chia sẻ, thiết bị này sẽ xử lý các thành phần không mong muốn như cặn, nước, tạp chất... có trong dầu trước khi đến động cơ diesel. Điều này giúp cải thiện tuổi thọ động cơ trên tàu cá, đồng thời giảm ô nhiễm môi trường do các thành phần độc hại trong khói thải động cơ.
Tháng 3/2022, nhóm tác giả của thiết bị lọc dầu diezen bắt đầu đưa ra thị trường những sản phẩm thử nghiệm đầu tiên lắp trên tàu cá của ngư dân. Thạc sĩ Lê Quốc Đạt, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, thiết bị lọc cặn dầu diezen trên tàu cá với thiết kế nhỏ gọn, phía trong có bộ lọc cặn, với 3 tầng, đó là tầng tách nước, tầng lọc cặn thô, tầng lõi cenlulo.
Trong đó, tầng lõi cenlulo giúp dẫn dầu qua cặn nhỏ nhất cũng không thể qua được tầng này, dầu sau khi thẩm thấu qua tầng lõi cenlulo sẽ ra sản phẩm sạch và được đưa vào cung cấp cho máy móc trên tàu hoạt động. Theo cơ chế hoạt động, nhiên liệu sạch giúp máy móc hoạt động êm ái, trơn tru hơn và tàu chạy nhanh hơn. Lõi lọc sau thời gian sử dụng ngư dân có thể thay thế được ngay trên tàu và tái sử dụng sau khi vệ sinh sạch sẽ.
“Chúng tôi vừa làm vừa trải nghiệm thực tế hoàn thiện sản phẩm. Đến nay, sản phẩm đã bắt đầu ổn định kể cả về mẫu mã cũng như cơ chế hoạt động”, Thạc sĩ Lê Quốc Đạt thông tin thêm.
Theo đại diện Công ty TNHH Hiệp lực và Phát triển Việt, sau gần 5 tháng có mặt trên thị trường, thiết bị lọc cặn dầu diezen đã được lắp đặt ở hơn 100 tàu cá trên địa bàn tỉnh và các tỉnh khác như Kiên Giang, Bến Tre, Cà Mau, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định. Công ty sản xuất không kịp các đơn hàng của ngư dân đang đặt. Với hiệu quả thấy rõ như vậy, hy vọng thời gian tới sản phẩm này sẽ phổ biến rộng rãi, giúp ngư dân tiết kiệm chi phí khi ra khơi đánh bắt dài ngày. |
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC