Phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững
30 năm qua, kể từ ngày thành lập Chi cục Chăn nuôi và Thú y Bà Rịa-Vũng Tàu (11/7/1992-11/7/2022), ngành thú y tỉnh đã không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, từng bước phát triển ngành chăn nuôi theo hướng hiện đại, bền vững.
Mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao của Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (huyện Châu Đức) . |
Ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi
Điểm nổi bật trong công tác ứng dụng công nghệ thông tin của ngành chăn nuôi là tổ chức gắn mã định danh cho 200 trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Bên cạnh đó, việc sử dụng phần mềm Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) đã giúp ngành thú y và người chăn nuôi có thông tin kịp thời và chủ động kiểm soát dịch bệnh, xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh và bảo đảm an toàn cho người chăn nuôi cũng như cộng đồng. Đồng thời, hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, an toàn thực phẩm, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm…
Năm 2018, Công ty TNHH Trang Linh (xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc) đã gắn mã định danh cho trang trại chăn nuôi heo với tổng đàn gần 40.000 con. Ông Phạm Trường Giang, Giám đốc điều hành công ty cho biết, việc ứng dụng mã định danh trong chăn nuôi không chỉ giúp cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật được thuận lợi, dễ dàng mà còn hỗ trợ quảng bá và giới thiệu sản phẩm trên thị trường. Ngoài sử dụng mã định danh, công ty còn ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi như đệm lót sinh học, sử dụng vật liệu tiên tiến giúp giảm chi phí đầu tư và tiến tới là trang trại cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng...
Ứng dụng công nghệ cao trong chăn nuôi cũng là một trong những định hướng mà ngành chăn nuôi hướng tới trong thời gian qua. Ông Phạm Hồng Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư phát triển Đông Nam Toàn Cầu (huyện Châu Đức) cho biết, khi đầu tư xây dựng trang trại gà theo hướng công nghệ cao, cán bộ ngành chăn nuôi đã hỗ trợ, tư vấn, việc xây dựng trang trại. Theo đó, 4 trại nuôi gà chuồng lạnh khép kín công nghệ cao với quy mô 80 ngàn con được nuôi đúng tiêu chuẩn, lợi nhuận đạt khoảng 500 triệu đồng/lứa. “Nuôi gà theo hướng công nghệ cao tuy mức đầu tư ban đầu khá lớn, song quá trình nuôi lại hạn chế tối đa được dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt chỉ khoảng 2%. Ngoài ra, việc liên kết với các DN khác cũng tạo đầu ra ổn định, bền vững hơn so với nuôi gà theo kiểu truyền thống”, ông Thanh cho hay.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, ngoài ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, ngành còn đẩy mạnh nâng cao chất lượng con giống. 100% heo giống tại các trang trại là giống lai ngoại được thụ tinh nhân tạo giống cao sản. 100% trang trại gia cầm nuôi giống gà có năng suất cao, như: Isa Brown, Sasso, Ai Cập, Ross 308… Các trang trại bò sữa, bò thịt sử dụng giống được lai tạo với các giống lai cao sản.
Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn
Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 vùng, 8 cơ sở cấp xã và 120 cơ sở, trang trại chăn nuôi được công nhận là vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật. Đặc biệt, có những vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh được xây dựng và đáp ứng các tiêu chí theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới hướng đến xuất khẩu sản phẩm động vật.
Ông Nguyễn Xuân Trung, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) cho biết, công tác phòng, chống dịch bệnh trên vật nuôi tại tỉnh gặp nhiều khó khăn do hình thức chăn nuôi nông hộ, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số. Các cơ sở, trang trại chăn nuôi đáp ứng các yêu cầu vệ sinh thú y, chăn nuôi an toàn sinh học và an toàn dịch bệnh chưa nhiều. Áp lực về dịch bệnh tái bùng phát và gây thiệt hại kinh tế cho người chăn nuôi là khá cao. Do đó, công tác phòng, chống dịch bệnh trên động vật được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, phải thực hiện xuyên suốt trong quá trình hoạt động của đơn vị.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh khi tái lập đàn hoặc chuyển đổi loài vật nuôi, hướng tới phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng thương hiệu sản phẩm. Ngành cũng tổ chức lại hệ thống giết mổ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường; giám sát và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả; quản lý chặt việc sử dụng thuốc thú y và các chất phụ gia trong chăn nuôi, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi”, ông Trung thông tin thêm.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC
Tính đến năm 2021, tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh có hơn 359.153 con, gấp 1,74 lần so với năm 2005; đàn gia cầm là 6,175 triệu con, gấp 3,75 lần so với năm 2005; đàn dê cừu 89.390 con, gấp 5,45 lần so với năm 2005; đàn trâu, bò 53.215 con, gấp 1,08% so năm 2005. Tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 106.385 tấn, gấp 3,19 lần so với năm 2005. Tỷ trọng chăn nuôi trong nội bộ ngành nông nghiệp đã có sự chuyển dịch nhanh, năm 2005 chiếm 31,56% đến nay là 46,18%; đã có 92 trại ứng dụng công nghệ cao. Tỷ lệ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao đạt 33% so với tổng giá trị sản phẩm chăn nuôi của tỉnh. |