DỰ ÁN CAO TỐC BIÊN HÒA - VŨNG TÀU

Rút gọn thủ tục, bảo đảm khởi công đúng hẹn

Thứ Tư, 13/07/2022, 20:05 [GMT+7]
In bài này
.

Chủ trì cuộc họp mới đây về triển khai các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến các dự án đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc, đường vành đai..., Bộ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Văn Thể xác định, tính cấp thiết của các dự án, đòi hỏi phải có quy trình đồng bộ, đầu mối thống nhất, khẩn trương điều chỉnh các thủ tục, định mức bất hợp lý để bảo đảm khởi công đúng hẹn vào tháng 7/2023.

Việc sớm đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp giải quyết sự quá tải cho QL51 hiện nay.
Việc sớm đầu tư cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giúp giải quyết sự quá tải cho QL51 hiện nay.

Triển khai đồng bộ

Cụ thể, Ban Quản lý Dự án (QLDA) 85 được giao làm đầu mối thực hiện Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, trụ sở của Ban đặt tại tỉnh Đồng Nai. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, cao tốc là công trình đường bộ cấp đặc biệt, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật cao trong bối cảnh các dự án trọng điểm được phân cấp địa phương cùng thực hiện, yêu cầu các Ban QLDA nghiên cứu, xây dựng quy chế phối hợp giữa các tỉnh, thành có dự án đi qua. Trong đó, làm rõ vai trò của Ban QLDA để việc triển khai dự án được đồng bộ cả về chất lượng và tiến độ.

“Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông phải nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương về trình tự, thủ tục thực hiện dự án. Đồng thời, rà soát, có hướng dẫn cụ thể để Ban QLDA các địa phương bảo đảm đủ năng lực trong thực hiện nhiệm vụ”, Bộ trưởng Bộ GT-VT chỉ đạo. Đặc biệt lưu ý đến vấn đề vật liệu xây dựng. Các Ban QLDA phải chủ động đề xuất danh sách các vật tư đặc thù, tham mưu Bộ GT-VT gửi văn bản về các địa phương công bố giá theo vật liệu đặc thù, phương châm lựa chọn vật liệu thi công, chất lượng tốt nhất.

“Đối với định mức xây dựng cơ bản ngành giao thông, định mức bảo trì cũng cần phải sớm rà soát, đề xuất ban hành. Định mức lạc hậu phải bổ sung, điều chỉnh kịp thời để các dự án giao thông, đặc biệt là dự án quan trọng quốc gia không phải sử dụng định mức lạc hậu”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể đề nghị.

Đoạn cuối của cao tốc kết nối với QL56 tuyến tránh TP. Bà Rịa, hiện UBND tỉnh đang nghiên cứu phương án đầu tư  tuyến kết nối với TP. Vũng Tàu.
Đoạn cuối của cao tốc kết nối với QL56 tuyến tránh TP. Bà Rịa, hiện UBND tỉnh đang nghiên cứu phương án đầu tư tuyến kết nối với TP. Vũng Tàu.

Sẽ khởi công tháng 7/2023

Trước đó, Bộ GT-VT cũng có tờ trình gửi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai Nghị quyết của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu. Cho biết, thời gian từ nay đến khi dự kiến khởi công còn khoảng 12 tháng nên cần phải triển khai nhiều giải pháp rút gọn thủ tục.

Bộ KH-ĐT đã chủ trì tham mưu, báo cáo Thủ tướng phân cấp cơ quan chủ quản thực hiện dự án thành phần đầu tư các đoạn tuyến cao tốc theo hình thức đầu tư công, thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Việc lựa chọn nhà thầu các gói tư vấn, xây lắp… thuộc các dự án thành phần do cơ quan chủ quản tổ chức thực hiện và được áp dụng cơ chế chỉ định thầu. Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với dự án thành phần do Bộ GT-VT làm cơ quan chủ quản sẽ được tách thành các tiểu dự án riêng, giao địa phương có dự án đi qua tổ chức thực hiện.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết triển khai thực hiện các dự án với các cơ chế, chính sách đặc biệt trên, Bộ KH-ĐT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu việc bố trí vốn thực hiện các dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu.

Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, Bộ GT-VT, UBND các tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu phấn đấu hoàn thành trước ngày 4/9/2022. Sau đó, Bộ TN-MT tổ chức thẩm định, quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo tác động môi trường, phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/10/2022. Bộ GT-VT cũng cho biết, dự kiến, đến ngày 30/11/2022 phải phê duyệt dự án đầu tư Dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu.

Lãnh đạo Bộ GT-VT cũng khẳng định, nếu các bộ, ngành, địa phương phối hợp nhịp nhàng các bước, dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ khởi công trước ngày 25/7/2023, thời gian thi công là 2 năm 5 tháng.

Đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng

Các địa phương, đơn vị cũng đang gấp rút triển khai các bước chuẩn bị đầu tư để sớm khởi công dự án theo kế hoạch.

Theo đó, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất giao Ban QLDA giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải làm chủ đầu tư và quản lý dự án thành phần 3. Giao Sở GT-VT phối hợp xem xét lại hồ sơ, xây dựng chương trình, kế hoạch tổng thể triển khai dự án; chịu trách nhiệm rà soát và làm tờ trình, trong đó đề xuất kiện toàn nhân sự để hỗ trợ cho Ban QLDA giao thông Khu vực Cái Mép-Thị Vải. Sở GT-VT phải làm việc với Ban QLDA 85, Sở GT-VT tỉnh Đồng Nai và chủ đầu tư dự án thống nhất phương án bàn giao, tiếp nhận hồ sơ dự án từ Ban QLDA 85 để tiếp tục triển khai thực hiện.

Giao Sở TN-MT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương liên quan, chủ đầu tư về quy trình lập khung chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư và khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng xây dựng dự án. Giao Sở KH-ĐT hướng dẫn chủ đầu tư về quy trình lựa chọn nhà thầu.

Ông Nguyễn Văn Thắm, Chủ tịch UBND TX.Phú Mỹ cho biết, dự án đi qua địa bàn TX, Phú Mỹ có chiều dài tuyến 15,7km và đi qua 4 xã. Tổng số hộ dân có đất thu hồi khoảng 1.335 hộ; tổng diện tích đất thu hồi hơn 216,3ha. Thị xã phải thực hiện bồi thường đất ở và giao đất dự kiến là 20.000m2; bố trí tái định cư khoảng 200 lô (mỗi lô 100m2).

Tương tự, ông Trần Thanh Dũng, Chủ tịch UBND TP.Bà Rịa cho biết, đoạn qua TP. Bà Rịa với chiều dải khoản 3,8 km, diện tích dự kiến thu hồi khoảng 32,43ha, 580 hộ có đất bị thu hồi, tổng kinh phí dự kiến bồi thường, hỗ trợ 384,8 tỷ đồng, dự kiến bố trí 400 lô đất ở tái định cư cho dự án.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu có tổng chiều dài 53,7km đi qua 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa-Vũng Tàu. Dự án có điểm đầu tại điểm kết nối với tuyến tránh QL1 đoạn qua TP. Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai); điểm cuối giao với QL56 thuộc TP.Bà Rịa. Trong đó, đoạn qua Bà Rịa-Vũng Tàu dài 19,5km và Đồng Nai dài hơn 34km.
Dự án được chia thành 3 dự án thành phần. Trong đó, dự án thành phần 3 (từ km 34+200 đến km 53+700) dài khoảng 19,5km qua địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5.190 tỷ đồng. Trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khoảng 1.333 tỷ đồng. HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua Nghị quyết bố trí 670 tỷ đồng để trả chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng.

UBND TP. Bà Rịa đã ban hành kế hoạch về việc thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án; đã tổ chức kiểm đếm sơ bộ, thống kê hiện trạng nhà cửa vật kiến trúc tuyến đường đi qua, tăng cường công tác kiểm tra quản lý hiện trạng mặt bằng sau khi tiếp nhận tim mốc từ đơn vị tư vấn, không làm phát sinh nhà cửa vật kiến trúc, kịp thời xử lý các hành vi vi phạm trục lợi chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án.

Trong đó, xác định các mốc thời gian công việc sau khi tiếp nhận hồ sơ từ chủ đầu tư dự án về bản đồ thu hồi đất như: kiểm đếm thực hiện dự án, khảo sát giá đất, xét pháp lý về đất đai vật kiến trúc, thẩm tra pháp lý, tổ chức công khai thẩm định phương án và ban hành quyết định phê duyệt phương án bồi thường giải phóng mặt bằng trong tháng 12/2022.

Bài, ảnh: SA HUỲNH

 
;
.