.

Doanh nghiệp thừa đơn hàng, thiếu nguyên liệu

Cập nhật: 20:29, 07/07/2022 (GMT+7)

Dù có đơn hàng xuất khẩu đến hết năm nhưng nguy cơ thiếu nguyên liệu sản xuất khiến nhiều DN đang “ngồi trên lửa” vì nguồn cung bị gián đoạn.

Thiếu nguyên liệu sản xuất đang khiến nhiều DN như “ngồi trên lửa”, đặc biệt là các DN dệt may, gỗ.  Trong ảnh: Người lao động may đồ xuất khẩu tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam.
Thiếu nguyên liệu sản xuất đang khiến nhiều DN như “ngồi trên lửa”, đặc biệt là các DN dệt may, gỗ. Trong ảnh: Người lao động may đồ xuất khẩu tại Công ty TNHH Twinkle Việt Nam.

Nguồn cung nguyên liệu giảm

Sau dịch COVID-19, dệt may được đánh giá là ngành phục hồi nhanh. Đa số DN dệt may có đơn hàng đến hết năm 2022, tuy nhiên có nguy cơ phải giao hàng chậm, bởi các đối tác Trung Quốc đang thiếu container rỗng chuyển nguyên, phụ liệu về. Nguồn cung nguyên liệu đầu phía cung ứng của Trung Quốc cũng giảm sút.

Bà Trịnh Thị Thìn, đại diện Công ty TNHH  Gold Century Garment Vina Chi nhánh BR-VT cho biết, hơn 70% nguyên phụ liệu của ngành dệt may phụ thuộc chủ yếu vào nguồn nhập từ Trung Quốc. Hiện nay, nguồn cung từ thị trường này đang bị đứt nghẽn do phía Trung Quốc thực hiện “Zero COVID”. Vì vậy, để sản phẩm đầu ra có giá ổn định cạnh tranh với các nước, tạo lợi thế cho những đơn hàng tiếp theo hiện là áp lực rất lớn với các DN. Trong trường hợp nguồn cung từ thị trường này tiếp tục bị gián đoạn, DN buộc phải nhập từ thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc với giá cao hơn 15-20%. Với mức giá nguyên liệu đầu vào  này, DN có nguy cơ không lãi và sản phẩm khó cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Các DN sản xuất chế biến gỗ cũng đang trong tình trạng tương tự dù đơn hàng đã ký kết cho cả năm 2022. Theo bà Hoàng Thị Hồng Thắm, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất TMDV Tiến Dũng, nguồn nguyên liệu của DN chỉ đủ để sản xuất trong vài tháng tới. Công ty đang bị áp lực rất lớn vì nỗi lo thiếu nguyên liệu, không bảo đảm tiến độ sản xuất cho các đơn hàng đã ký trong năm 2022.

Thống kê từ ngành công thương cho thấy, hơn 70% DN điện tử, gỗ, dệt may, da giày đang gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang thực hiện chiến lược “Zero COVID”, nguồn hàng xuất đi rất hạn chế. Nhiều nhà máy tại Trung Quốc cũng tạm phải dừng sản xuất để chống dịch, tình trạng thiếu container tại các bến cảng... hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng khá lớn.

Đối với ngành gỗ, Nga và Ukraine là 2 thị trường cung ứng các loại gỗ bạch dương, sồi, thông khá lớn cho Việt Nam. Căng thẳng giữa 2 nước này ảnh hưởng đến nguồn cung nguyên liệu cho nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nguồn cung gỗ từ Châu Âu cho Việt Nam giảm mạnh, trong thời gian tới các DN gỗ phải đối mặt khó khăn kép là tìm nơi cung cấp nguyên liệu và giá nguyên liệu tăng cao.

Thông tin từ Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết, giá nhập khẩu gỗ thông hiện ở mức hơn 300USD/m3, tăng gần 100USD/m3 so với năm 2021. Trong thời gian qua, nguồn cung nguyên liệu gỗ từ những thị trường lớn như: New Zealand giảm 80%, Argentina giảm 53%, Australia giảm 72% và châu Âu hơn 90%.

Bộ Công thương đang tìm giải pháp lâu dài để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và một số ngành công nghiệp vật liệu cơ bản quan trọng nhằm khắc phục sự phụ thuộc vào nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện đầu vào nhập khẩu. Trong đó, tập trung vào việc hỗ trợ nâng cao năng lực các DN thông qua các giải pháp hỗ trợ về tín dụng, nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo và phát triển thị trường cũng như các ưu đãi về thuế, đất đai... nhằm phát triển công nghiệp bền vững.

Tìm giải pháp tháo gỡ

Trước tình trạng trên, các DN đã tìm đủ cách xoay xở như đa dạng thị trường nhập khẩu nguyên liệu để tránh phụ thuộc vào một thị trường. Tuy nhiên, những giải pháp này chưa thực sự mang lại hiệu quả. Ông Kim Hanbeom, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Boomin Vina cho biết, là DN chuyên sản xuất chăn len và thảm len, hầu hết nguyên liệu đều phụ thuộc vào Trung Quốc, khi nguồn cung bị đứt gãy đã làm cho DN đối mặt với nguy cơ phải đền các đơn hàng hoặc không dám ký các đơn hàng mới. Do đó, cần có giải pháp về lâu về dài đó là Việt Nam quan tâm và đầu tư nhiều hơn vào ngành nguyên liệu thô - ngành chiến lược mũi nhọn của một quốc gia. Có như vậy, các DN mới có thể yên tâm về nguồn nguyên liệu vừa giảm chi phí sản xuất do không phải nhập khẩu.   

Là DN hoạt động trong ngành CN chế biến, chế tạo, ông Hyo Jin Choi, Phó Giám đốc  Công ty TNHH Kims Cook Việt Nam cũng cho rằng, giá sắt thép hiện tăng cao, cộng với vận chuyển khó khăn. Nhiều đối tác và một số quốc gia hạn chế hoạt động để chống dịch nên nguồn cung ứng sụt giảm. Điều này dẫn tới giá thành nguyên, vật liệu tăng cao. DN đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước nhằm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất nhưng rất khó. Để phát triển ngành công nghiệp ổn định, bền vững, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cần đẩy mạnh thu hút DN sản xuất nguyên liệu đầu vào.  

Được biết, Sở Công thương đang tích cực chỉ đạo các phòng, ban chức năng cập nhật thường xuyên danh sách các nhà phân phối, sản xuất nguyên phụ liệu cho các ngành: dệt may, da giày, các nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của các ngành: hóa chất, đồ gỗ, sắt thép... để hỗ trợ giới thiệu cho DN.

Bài, ảnh: TRÀ NGÂN

 
.
.
.