.

Chủ động "né vụ" để hạn chế sâu bệnh

Cập nhật: 17:43, 12/07/2022 (GMT+7)

Vụ Hè Thu thường canh tác vụ vào thời điểm mùa mưa nên điều kiện thời tiết thất thường, sâu bệnh dễ xuất hiện phá hoại cây trồng. Do đó, nông dân đã chủ động “né vụ” để hạn chế tình trạng trên.

Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền chăm sóc lúa.
Nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền chăm sóc lúa.

Nếu như mọi năm, thời điểm này cánh đồng lúa tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc đã làm đòng, trổ bông thì nay lúa vừa mới lên xanh sau gieo sạ được 45 ngày. Sở dĩ vụ mùa bị chậm là do người dân được khuyến cáo gieo sạ muộn hơn để tránh tình trạng sâu bệnh tấn công như những năm trước.

Ông Nguyễn Văn Long (nông dân xã Phước Thuận) cho biết, theo lịch gieo sạ của ngành nông nghiệp đề ra, thời gian xuống giống lúa Hè Thu sớm 2022 là trong tháng 4, còn chính vụ là từ ngày 10/5-10/6. Tuy nhiên, để tránh tình trạng sâu đục thân gây hại trên cây lúa, nông dân được khuyến cáo gieo sạ muộn hơn gần 1 tuần. Nhờ “né” lịch mùa vụ nên sâu bệnh mùa này đã giảm hẳn, lúa cũng phát triển xanh tốt. Giống lúa được nông dân Phước Thuận sử dụng trong vụ này chủ yếu là OM 18 - kháng sâu bệnh, nên nông dân có một vụ sản xuất khá thuận lợi.

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống gần 22 ngàn ha cây trồng các loại, trong đó hơn 6.000ha lúa. Theo Chi cục TT&BVTV, lúa Hè Thu 2022 trên toàn tỉnh đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trổ đòng và có các đối tượng dịch hại chính là sâu đục thân, đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá nhỏ, cháy bìa lá, bọ trĩ, ốc bươu vàng… ở mức độ gây hại nhẹ, trung bình và không ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng phát triển của cây trồng.

Còn tại cánh đồng lúa An Nhứt, huyện Long Điền, gần 1.000ha lúa Hè Thu đã được bà con nông dân xuống giống gần 1 tháng. Cũng như mọi năm, các giống lúa được sử dụng cho vụ này là OM 5451, OM 4900, OM 18, Đài thơm 8…

Nông dân xã Tam Phước, huyện Long Điền kiểm tra lúa vụ Hè Thu.
Nông dân xã Tam Phước, huyện Long Điền kiểm tra lúa vụ Hè Thu.

Do một số diện tích lúa vụ Hè Thu gieo sạ vào thời điểm có mưa nên bị trôi, bắt buộc nông dân phải tăng cường nhân công để dặm lại, khiến khi phí sản xuất tăng lên. Ông Trần Văn Giàu (nông dân xã An Ngãi) cho biết, thời điểm gieo sạ gặp phải mưa lớn, khiến ruộng lúa của gia đình ông bị trôi dạt khoảng 10-15%. Do đó, ông phải đầu tư cho công dặm nhiều hơn so với mọi năm. Ông Giàu cũng phải thường xuyên thăm đồng, theo dõi tình hình sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.

Để khắc phục tình trạng sâu bệnh, Chi cục TT&BVTV (Sở NN-PTNT) khuyến cáo bà con nông dân tăng cường các biện pháp phòng trừ các loài dịch hại; tuân thủ đúng theo khuyến cáo của ngành chức năng về ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong canh tác như: 1 phải - 5 giảm, 3 giảm - 3 tăng, bón phân theo màu lá lúa và phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”… Đồng thời, chủ động nắm bắt tình hình phát sinh của các loại sâu bệnh gây hại, để có biện pháp phòng trừ kịp thời, không để sâu bệnh lây lan ra diện rộng.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.