Chỉ 6 tháng, nhiều DN dầu khí đã vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm
Giá dầu tăng cao cùng với tận dụng tốt cơ hội thị trường, từ đầu năm đến nay Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và các đơn vị thành viên duy trì ổn định sản lượng khai thác; hoạt động sản xuất- kinh doanh đạt kết quả tăng trưởng tích cực. Đến thời điểm này, có những đơn vị đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận, vượt kế hoạch cả năm 2022.
Người lao động PVCFC trao đổi công việc trên công trường. |
Tăng trưởng ấn tượng
Liên doanh Việt- Nga Vietsovpetro là một trong những đơn vị trong ngành dầu khí đến nay đã hoàn thành kế hoạch chỉ tiêu lợi nhuận cả năm 2022.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm, Tổng Giám đốc Vietsovpetro cho biết: Trong 6 tháng đầu năm 2022, Vietsovpetro đã khai thác hơn 1.571 ngàn tấn dầu/condensate, đạt hơn 98% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, sản lượng khí thiên nhiên khai thác gần 40 triệu m3, đạt 97,7%. Khối lượng cung cấp khí vào bờ 160,3 triệu m3, đạt 111.
Doanh thu toàn mỏ của Vietsovpetro đạt 1.193 triệu USD, cao hơn 441,7 so với cùng kỳ. Vietsovpetro đã nộp ngân sách 630 triệu USD, cao hơn 264,9 triệu USD. Lợi nhuận 2 phía đạt 209,8 triệu USD, cao hơn 98,1 triệu USD.
Ông Nguyễn Quỳnh Lâm cho biết thêm, với sự thuận lợi về giá dầu tăng cao và những nỗ lực gia tăng sản lượng khai thác, chỉ tiêu lợi nhuận hai phía từ bán dầu khí trong 6 tháng đầu năm đã hoàn thành vượt kế hoạch cả năm 2022, vượt 14,6 triệu USD so với kế hoạch đề ra. Dự báo, các chỉ tiêu doanh thu, nộp ngân sách sẽ hoàn thành kế hoạch cả năm trong tháng 7 này.
6 tháng đầu năm nay, Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) cũng đạt được những kết quả rất khả quan. Doanh thu thu hợp nhất của đơn vị đạt 4.100 tỷ đồng, đạt 63% kế hoạch cả năm, tăng 116% so với cùng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 500 tỷ đồng, bằng 83% kế hoạch năm, tăng 119% so với cùng kỳ.
Trước đó, Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) cũng công bố đã hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. Các chỉ tiêu về hoạt động sản xuất cũng vượt xa kế hoạch đề ra.
Tiếp tục đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất
Tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2022, diễn ra vào cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) cho biết, năm 2022, PVTrans có kế hoạch đầu tư khá lớn với tổng vốn đầu tư là 3.298,5 tỷ đồng, bao gồm vốn đầu tư tàu là 2.915,5 tỷ đồng, mua sắm trang thiết bị là 10 tỷ đồng, đầu tư góp vốn vào các đơn vị thành viên là 373 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty mẹ đầu tư 6 tàu, các đơn vị thành viên đầu tư 17 tàu). Công tác đầu tư được thực hiện cẩn trọng về thu xếp vốn, chọn thời điểm đầu tư, đánh giá các lợi ích trong ngắn và dài hạn… Hiện nay PVTrans định hướng thực hiện tăng vốn thông qua trả cổ tức bằng cổ phiếu, xen kẽ 1 năm trả cổ tức bằng cổ phiếu, 1 năm trả cổ tức tiền mặt để đáp ứng các lợi ích ngắn hạn và dài hạn của nhà đầu tư. PVTrans nỗ lực duy trì cổ tức ở mức 10-15% mỗi năm.
Trong thời gian tới, căn cứ vào phương án tái cấu trúc của Tập đoàn, PVTrans sẽ thực hiện tăng vốn mạnh hơn qua việc phát hành cổ phiếu để tăng vốn, mục tiêu là tăng vốn lên khoảng 4.500 - 5.000 tỷ đồng trong vài năm tới.
Trong khi đó, tại Tổng công ty CP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (PETROSETCO), định hướng hoạt động kinh doanh năm 2022 của đơn vị là quyết liệt tìm kiếm và phát triển các nhãn hàng/sản phẩm mới nhằm mở rộng và làm phong phú hệ sinh thái sản phẩm - dịch vụ. Mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh ra thị trường ngoài ngành Dầu khí đối với tất cả các mảng kinh doanh và thực hiện các dự án mới.
Trước đây, các dịch vụ quản lý tòa nhà, catering,… chỉ phục vụ trong ngành dầu khí, nay công ty đã được mở rộng ra với các khách hàng bên ngoài. Hay như đối với mảng dịch vụ phân phối, PETROSETCO cũng không chỉ dừng lại ở việc phân phối điện thoại, máy tính, thiết bị viễn thông, nguyên liệu dầu khí… mà đã đa dạng và mở rộng hạng mục sản phẩm, trong đó có cả thiết bị điện lạnh gia dụng, thiết bị - vật tư y tế…
Tại buổi giao ban điều hành sản xuất, kinh doanh thường kỳ tháng 7/2022 trực tuyến với thủ trưởng các đơn vị trong toàn Tập đoàn về kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm, Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng lưu ý một số công việc thời gian tới như: Tiếp tục tìm các giải pháp khác nhau để duy trì sản lượng khai thác, đảm bảo không thấp hơn so với năm 2021; Mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm, đặc biệt là thị trường tiêu thụ khí ngoài điện; Tập trung hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất -kinh doanh, đầu tư của các đơn vị trong Tập đoàn; Rà soát, thúc đẩy triển khai các chuỗi liên kết; Đẩy mạnh việc đưa chuyển đổi số vào thực tế, tạo những thay đổi tích cực về mô hình kinh doanh, mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động... |
Năm 2022, PETROSETCO đặt ra kế hoạch doanh thu 20.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 336 tỷ đồng, tăng lần lượt 14% và 8% so với năm 2021.
Theo đánh giá của Petrovietnam, 6 tháng đầu năm nay, với sự linh hoạt, chủ động, quyết liệt, thống nhất trong chỉ đạo, điều hành trên mọi lĩnh vực hoạt động sản xuất kinh doanh. Đặc biệt chú trọng công tác quản trị biến động, phát huy tối ưu các giải pháp kỹ thuật cũng như tối đa các điều kiện thuận lợi và dự báo để có những giải pháp ứng phó đã giúp cho Petrovietnam đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.
Khai thác dầu thô 6 tháng đạt 5,48 triệu tấn, bằng 100% so với cùng kỳ năm 2021. Sản xuất xăng dầu vượt 14% kế hoạch, sản xuất đạm vượt 8%, sản xuất, cung ứng khí, điện, các sản phẩm năng lượng khác đều ở mức cao, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường. Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 468,3 ngàn tỷ đồng, tăng 55% so với cùng kỳ 2021; nộp ngân sách đạt 66,1 ngàn tỷ đồng, tăng 41%.
Người lao động dầu khí làm việc trên giàn khoan mỏ Chim Sáo. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH