Cầu nối doanh nghiệp với thị trường
Nhiều hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại được triển khai từ đầu năm 2022 đến nay đã giúp DN phục hồi sản xuất, kinh doanh và tìm đối tác mới, thị trường mới.
Các DN tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại ngày hội kinh doanh mở do BNI Unity Bà Rịa tổ chức ngày 24/6. |
HIỆU QUẢ TỪ KẾT NỐI GIAO THƯƠNG
Ông Nguyễn Văn Trình, Tổng Giám đốc Công ty CP Nội thất Anh Em (TP. Bà Rịa) cho biết, hoạt động kết nối giao thương là cơ hội rất tốt để hội viên kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm của nhau. Chẳng hạn, Công ty CP Nội thất Anh Em chuyên cung cấp nội thất nhưng khi khách hàng có nhu cầu về điện máy, công ty sẽ giới thiệu cho Điện máy 121. Ngược lại, khi khách hàng của Điện máy 121 có nhu cầu về nội thất, Điện máy 121 sẽ giới thiệu cho công ty. “Việc kết nối giao thương giúp các DN kết nối và tìm kiếm thị trường. Trong tổng doanh thu của doanh nghiệp, doanh thu từ kết nối giao thương chiếm khoảng 30% nên việc tăng cường kết nối giao thương sau dịch đã giúp doanh thu của công ty ổn định và tăng lên”, ông Trình nói.
Công ty HC Group có 6 cửa hàng tại TP. Vũng Tàu, TP. Bà Rịa và TX. Phú Mỹ cũng đã tìm được thêm đối tác để bổ sung dòng sản phẩm chất lượng của hội viên BNI Unity Bà Rịa và DN khác để phục vụ cho nhu cầu của khách hàng trong lĩnh vực quà tặng. Bà Nguyễn Tú Oanh, Giám đốc HC Group cho biết: “Từ khi dịch bệnh được kiểm soát, chúng tôi đã thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Cụ thể, trước đây DN chỉ bán hàng trực tiếp tại cửa hàng thì nay đã phát triển mạnh kênh bán hàng trực tuyến và tích cực tham gia các hoạt động kết nối giao thương. Nhờ đó, HC Group đã tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, doanh thu cũng tăng mạnh. Thời gian tới, HC Group tiếp tục mở rộng hệ thống cửa hàng lên khoảng 20 điểm bán trong khu vực Đông Nam Bộ”.
Để hỗ trợ hội viên, Cộng đồng kết nối DN Việt Nam - One Business Connection (OBC) Việt Nam cũng đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối giao thương nhằm kết nối và giúp DN phục hồi sản xuất kinh doanh. Trong nhiệm kỳ đầu, OBC Dynamic Bà Rịa đã kết nối hơn 300 DN tại Bà Rịa và các địa phương lân cận, trao 620 cơ hội kinh doanh cho các DN, doanh số đạt 48 tỷ đồng.
ĐỘNG LỰC CHO DN PHÁT TRIỂN
Ông Huỳnh Chí Đông Hải, đồng sáng lập OBC Việt Nam cho biết, DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn hậu COVID-19 phải bắt đầu lại với những nỗi lo về chi phí nguyên nhiên liệu, tái đầu tư cơ sở hạ tầng, tái tuyển dụng và đào tạo nhân sự… Vì vậy, các hoạt động kết nối giao thương do các hội tổ chức đã giúp DN giải được bài toán khó trong việc phục hồi sản xuất, quảng bá thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ với chi phí thấp.
“Ngoài các hoạt động kết nối giao thương, OBC Việt Nam còn tổ chức xen kẽ các chương trình đào tạo và huấn luyện nhằm tăng kỹ năng quản trị DN và kỹ năng thiết lập mạng lưới quan hệ kinh doanh cùng nhau. Các hoạt động này giúp hoạt động kết nối giao thương hiệu quả hơn và giúp DN giải quyết được các vấn đề mới phát sinh như việc đứt gãy kênh phân phối, chuyển đổi số, quản trị rủi ro, quản lý nguồn nhân lực…”, ông Hải nói.
Hoạt động kết nối giao thương là đòn bẩy, động lực giúp DN nhanh chóng vượt qua thử thách và quay lại thị trường để thực hiện chiến lược kinh doanh mới. Các hoạt động kết nối giao thương phối hợp giữa trực tuyến và trực tiếp, phối hợp tổ chức sự kiện kết nối giao thương là những cách làm mới mang nhiều giá trị tích cực cho cộng đồng DN tỉnh.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU
Trong năm 2022, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch tỉnh thực hiện nhiều chương trình xúc tiến thương mại. Cụ thể, trong quý 3, 4/2022, Trung tâm sẽ tổ chức, hỗ trợ DN tham gia các hoạt động như: kết nối, xúc tiến thương mại của tỉnh tại nước ngoài; Hội chợ miền Đông Nam Bộ; hội chợ tại TP. Hồ Chí Minh, miền Tây Nam Bộ, miền Trung - Tây Nguyên; Triển lãm quốc tế công nghiệp thực phẩm Việt Nam - FoodExpo 2022; hội nghị kết nối giao thương tỉnh BR-VT với các tỉnh khu vực Tây Nguyên… Các chương trình này nhằm hỗ trợ DN có nhiều cơ hội kết nối giao thương, mở rộng thị trường để phục hồi sản xuất, kinh doanh. |