Ngư dân chung tay gỡ thẻ vàng EC

Thứ Sáu, 17/06/2022, 19:59 [GMT+7]
In bài này
.

Cùng với các biện pháp tuyên truyền, vận động, kiểm soát của cơ quan chức năng, ngư dân trên địa bàn tỉnh đã nghiêm túc chấp hành các quy định nhằm ngăn chặn tàu cá khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), quyết tâm khắc phục gỡ thẻ vàng EC.

Trạm Biên phòng cảng cá Bến Lội – Bình Châu kiểm tra tàu cá ngư dân trước khi xuất bến.
Trạm Biên phòng cảng cá Bến Lội – Bình Châu kiểm tra tàu cá ngư dân trước khi xuất bến.

Nghiêm túc tuân thủ quy định

Xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc có 439 phương tiện đánh bắt trên biển. Triển khai Luật Thủy sản, xã Bình Châu đã tích cực vận động chủ tàu cá gắn thiết bị giám sát hành trình, tuân thủ quy định khi đánh bắt thủy sản trên biển. Ông Nguyễn Thành Trung, ngư dân xã Bình Châu cho biết, nhờ được địa phương, ngành chức năng tuyên truyền, ông hiểu được lợi ích của việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu. Từ thiết bị giám sát hành trình, ông Trung được lực lượng chức năng nhắc nhở, hỗ trợ khi tàu có nguy cơ xâm phạm vùng biển nước bạn, hay nếu trường hợp gặp tai nạn, mưa bão cần sự giúp đỡ, thiết bị sẽ giúp lực lượng cứu hộ xác định vị trí nhanh và chính xác, nhờ đó tàu cá và ngư dân được an toàn hơn. Bên cạnh đó, ngư dân khi hoạt động trên biển cũng thường xuyên thông báo, nhắc nhau tuân thủ vùng đánh bắt, không xâm phạm vùng biển nước ngoài

Trung úy Nguyễn Hữu Luân, Trạm trưởng, Trạm Biên phòng cảng cá Bến Lội – Bình Châu thông tin thêm, hiện 100% tàu cá có chiều dài trên 15m thuộc đơn vị quản lý đều chấp hành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Ngoài ra, trước khi các tàu xuất bến, đơn vị cũng tiến hành kiểm tra giấy tờ, thủ tục. Những tàu nào không đảm bảo đúng theo quy định, tuyệt đối không cho xuất bến.

“Ngoài việc kiểm tra giấy tờ, thủ tục xuất bến hàng ngày của tàu cá, chúng tôi đều phối hợp chặt chẽ với lực lượng  Kiểm ngư, Thanh tra thủy sản thực hiện việc tuyên truyền vận động, hướng dẫn người dân về những ảnh hưởng, tác động xấu của việc xâm phạm vùng biển nước ngoài. Nhờ đó, 2 năm liên tiếp, xã Bình Châu không xảy ra tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài”, ông Luân nói.

Với nhiều năm kinh nghiệm đánh bắt trên biển, ngư dân Nguyễn Đình Ngọc, phường 2, TP. Vũng Tàu cho biết, trước đây nhiều tàu cá của tỉnh vi phạm vùng đánh bắt trên biển đã gây ảnh hưởng không nhỏ tới ngư dân nói riêng và ngành thủy sản của tỉnh nói chung. Do đó, hiện ngư dân đang chung tay cùng các ngành chức năng khắc phục tình trạng đánh bắt xâm phạm vùng biển nước ngoài.

“Việc khai thác trên biển mặc dù khó khăn do giá dầu tăng cao nhưng chúng tôi luôn khai thác hợp pháp. Chúng tôi hiểu rằng nếu bị thẻ vàng EC thì rất khó cho xuất khẩu và sản phẩm thủy sản giá trị sẽ không cao. Cho nên đánh bắt hợp pháp thì sản phẩm mình sẽ xuất khẩu được, như thế bà con mình sẽ tăng thu nhập”, ông Ngọc cho biết thêm.

Siết chặt kiểm tra

TP.Vũng Tàu là địa phương có đội tàu đánh bắt thủy, hải sản đứng thứ 2 của tỉnh, với gần 2.140 chiếc. Trong đó, hơn 830 tàu cá khai thác xa bờ có chiều dài từ 15m trở lên.

Bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng phòng Kinh tế, TP. Vũng Tàu cho biết, nhằm ngăn chặn, tiến tới chấm dứt tình trạng này, hơn 3 năm qua, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các phòng, ban, UBND các phường, xã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

Đơn vị cũng phối hợp với Sở NN-PTNT, các lực lượng chấp pháp trên biển tổ chức nhiều đợt tuyên truyền phổ biến Chỉ thị số 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu – EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.

TP. Vũng Tàu cũng tập trung tuyên truyền cho chủ tàu, tàu cá có khả năng cao vi phạm để vận động, quản lý, phòng ngừa sớm. Từ năm 2018 đến nay, thành phố phối hợp với ngành chức năng tỉnh phát hiện, xử phạt 51 vụ/53 tàu vi phạm IUU với tổng số tiền hơn 1,5 tỷ đồng, qua đó góp phần thay đổi từ nhận thức đến hành động của ngư dân và chủ tàu.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, tính đến nay, tổng số tàu cá của tỉnh là 5.409 chiếc. Trong đó tàu cá khai thác vùng khơi có 2.808 chiếc, chiếm 52%. Số lượng tàu cá của tỉnh đã lắp thiết bị giám sát hành trình là 2.615/2.807 chiếc, đạt 92,83%.

“Xác định trước hết phải làm thay đổi nhận thức của ngư dân và chủ tàu về vai trò, trách nhiệm của bản thân khi hành nghề khai thác hải sản trên biển, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, thành phố cũng đồng thời siết chặt công tác kiểm tra, xử phạt những trường hợp cố tình vi phạm. Chúng tôi cũng tăng cường truy xuất nguồn gốc tại các cảng cá. Đến nay, 100% tàu cá trên địa bàn thành phố đã ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài… 96,8% tàu cá khai thác xa bờ hoàn thành lắp đặt thiết bị giám sát hành trình”, bà Hường nhấn mạnh.

Theo Sở NN-PTNT, tình hình tàu cá và ngư dân của tỉnh vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài bị bắt giữ giảm mạnh. Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền địa phương các cấp triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống khai thác IUU. Tỉnh cũng đã kiện toàn Tổ công tác 689 tỉnh, thành lập Ban chỉ đạo về chống khai thác hải sản bất hợp pháp; thành lập 6 văn phòng đại diện kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá. Sở NN-PTNT cũng đã tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với một số tỉnh như: tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận và Kiên Giang; ký kết, triển khai chương trình phối hợp với Bộ tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 trong công tác quản lý các hoạt động liên quan đến lĩnh vực thủy sản, chống khai thác IUU...

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.