Chi phí sản xuất tăng, doanh nghiệp tìm giải pháp giảm lỗ

Thứ Sáu, 24/06/2022, 20:36 [GMT+7]
In bài này
.

Giá xăng liên tục thiết lập mức kỷ lục và đang có mức cao nhất trong lịch sử, đặt DN sản xuất, kinh doanh trước tình cảnh tiết giảm tối đa chi phí vẫn khó có lãi.

Giá xăng tăng kéo theo chi phí đầu vào của DN tăng cao. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Co.op Mart Bà Rịa.
Giá xăng tăng kéo theo chi phí đầu vào của DN tăng cao. Trong ảnh: Người dân mua sắm tại Co.op Mart Bà Rịa.

Đau đầu với bài toán chi phí đầu vào

Tính đến nay, giá xăng đã tăng hơn 50% so với cuối năm 2021. Giá xăng dầu tăng đã kéo theo hàng loạt hệ lụy trong giai đoạn kích cầu tiêu dùng phục hồi kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa với rất nhiều ngành sản xuất đang đối mặt với khó khăn, nhất là những ngành tỷ lệ xăng dầu chiếm chi phí lớn trong tổng chi phí đầu vào như vận tải, chế biến thủy sản. Vì vậy, nhiều DN vừa hoạt động vừa nhìn nhận thị trường để đưa ra những chính sách hợp lý để vừa tiết giảm chi phí sản xuất vừa giữ giá bán ở mức phù hợp nhất với đối tác.

Ông Song Da Tao - Adrian, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Mei Sheng Textiles Việt Nam cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường đang đà khôi phục nhanh nhưng chưa kịp ổn định thì lại lao dốc do xung đột chính trị giữa Nga - Ukraine. Lãi suất ngân hàng cũng bắt đầu tăng từ 50-100% khiến cho DN gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn vay.

Trong khi đó, thị trường nguyên vật liệu hiện đã tăng giá từ 50-60% so với trước đây. Giá thành phẩm cũng đã tăng thêm 30%. Tuy nhiên tỷ lệ tăng giá của thành phẩm chỉ bằng một nửa giá nguyên liệu, không đủ cân bằng chi phí nên công ty vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

“Dự đoán những tháng cuối năm sẽ rất khó khăn, chúng tôi đã tiết giảm chi phí sản xuất như tổ chức sản xuất trong giờ thấp điểm nhằm giảm chi phí tiền điện, sắp xếp lại nhân sự phù hợp với quy trình sản xuất… Đồng thời chủ động nắm bắt và thận trọng lắng nghe thị trường để đặt ra các kịch bản để ứng phó kịp thời với tình hình chung, bảo đảm sản xuất kinh doanh được duy trì và người lao động có việc làm ổn định”, ông Song Da Tao - Adrian nói.

Theo đại diện Công ty CP Thủy sản và Xuất nhập khẩu Côn Đảo, giá xăng tăng khiến chi phí một chuyến biển cũng tăng lên. Trung bình chi phí một chuyến biển đã tăng lên 1-1,5 tỷ đồng, chiếm 30-40% tổng chi phí nên ngư dân cho tàu nằm bờ không đi đánh bắt. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhà máy. Dù nguồn nguyên liệu sản xuất không đảm bảo nhưng công ty cũng như nhiều DN thủy sản khác vẫn nỗ lực duy trì sản xuất để bảo đảm việc làm cho người lao động. Công ty tăng cường kiểm soát tất cả các khâu sản xuất để tiết giảm tối đa các khoản chi phí, đồng thời tìm kiếm các nguồn cung nguyên liệu thay thế nhằm giảm giá thành sản xuất.

Giá xăng tăng kéo theo chi phí đầu vào tăng cao, ngư dân đành cho tàu nằm bờ. Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Lộc An neo đậu tại cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ).
Giá xăng tăng kéo theo chi phí đầu vào tăng cao, ngư dân đành cho tàu nằm bờ. Trong ảnh: Tàu cá của ngư dân Lộc An neo đậu tại cảng Lộc An (huyện Đất Đỏ).

Cần có chính sách hỗ trợ DN

Theo đánh giá của ngành công thương, phần lớn DN đang bị ảnh hưởng của biến động giá xăng dầu, giá nguyên nhiên vật liệu trên thị trường thế giới vẫn diễn biến phức tạp và ở mặt bằng giá cao, đã đẩy giá các hàng hóa này tại thị trường trong nước tăng. DN tham gia dịch vụ thương mại hàng hóa chiếm khoảng 65% tổng số DN đang hoạt động, lượng hàng hóa phải lưu thông rất lớn. Trong khi đó, hoạt động lưu thông hàng hóa chủ yếu bằng đường bộ, do đó giá xăng tăng sẽ tác động trực tiếp đến chi phí vận chuyển và ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN.

Nhận định của các chuyên gia cũng cho thấy, giá xăng dầu tăng cao nhất từ trước tới nay tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như đời sống của người dân. Ngoài giá xăng dầu, giá một loạt nguyên liệu đầu vào sản xuất cũng tăng cao do tác động của chiến sự giữa Nga - Ukraine. Nếu không kìm hãm được giá xăng dầu trong nước thì cả nền kinh tế gặp khó khăn theo hiệu ứng dây chuyền. Đồng thời khi giá tăng cao sẽ khiến lạm phát cũng tăng và những chính sách kích cầu, phục hồi kinh tế, như giảm 2% thuế VAT với đa số mặt hàng đã được ban hành trong năm 2022 sẽ giảm tác dụng.

Về phía DN cũng đề xuất các gói hỗ trợ, ưu đãi một cách đặc biệt, nhanh chóng, dễ tiếp cận từ Chính phủ. Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần có những giải pháp để ổn định như giảm thuế, phí... bởi với xu hướng tăng giá và những biến động tình hình chính trị trên thế giới hiện nay, DN sẽ phải chịu áp lực lớn hơn nữa về các chi phí.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

;
.