Vụ lúa Hè Thu năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn khi giá phân bón và chi phí sản xuất tăng cao, trong khi giá lúa lại chưa được cải thiện.
Nhiều nông dân lo lắng khi hầu hết giá các loại phân bón thiết yếu phục vụ sản xuất lúa đều tăng vọt. Trong ảnh: Nông dân xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc chuẩn bị cho vụ lúa Hè thu. |
Chi phí tăng cao
Huyện Long Điền có hơn 1.100ha gieo trồng lúa hè thu. Hầu hết các ruộng lúa tại thời điểm này đã được nông dân vệ sinh chuẩn bị hoàn tất cho việc gieo sạ. Nông dân một số khu vực cũng bắt đầu xuống giống, bảo đảm tuân thủ theo đúng lịch thời vụ của ngành nông nghiệp đề ra.
Ông Lý Văn Quyên, nông dân xã An Nhứt, huyện Long Điền cho biết, tại khu vực ruộng của gia đình ông nguồn nước tưới đều bảo đảm, thời tiết đến nay cũng chưa có gì bất lợi cho vụ sản xuất.
Tuy nhiên, điều khiến ông lo lắng nhất là hầu hết giá các loại phân bón thiết yếu phục vụ sản xuất lúa như phân đạm - Urê, DAP, Kali… đã tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ các năm trước và hiện vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Giá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng từ 10-30% so với những năm trước, cá biệt một số mặt hàng tăng đã tăng hơn 50%. Cùng với đó, giá thuê nhân công và nhiều loại máy móc phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng tăng đáng kể, càng gây áp lực cho nông dân khi bước vào vụ sản xuất mới.
“So với một vài tháng trước, giá phân bón hiện tăng từ 5-8%. Có loại biến động giá theo tuần, như kali, uree liên tục tăng. Vụ Đông Xuân vừa rồi được xem là vụ để người nông dân kiếm thêm thu nhập, nhưng gia đình tôi cũng chỉ huề vốn. Còn vụ Hè Thu này năng suất không bằng, nguy cơ thua lỗ rất cao”, ông Quyên chia sẻ.
Tại xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, hơn 600 ha lúa Hè Thu cũng đã được nông dân tập trung chuẩn bị cho việc xuống giống. Những năm gần đây, nông dân tại đây phải đối mặt với khó khăn trong sản xuất khi nhiều diện tích lúa thường xuyên bị sâu đục thân gây hại, khiến năng suất và chất lượng lúa giảm mạnh. Vì thế, khi giá vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, trong khi giá lúa lại không tăng thì nguy cơ vụ sản xuất thua lỗ là tất yếu.
Vừa mới xuống giống sớm vụ Hè Thu năm nay, ông Huỳnh Văn Hòa, nông dân xã Phước Thuận không giấu nổi sự lo lắng. Bởi, giá phân bón cứ liên tục tăng mà giá lúa vụ Hè Thu tới đây không có chuyển biến, nguy cơ vụ mùa nữa không có lợi nhuận là rất cao.
“Vụ Đông Xuân vừa rồi nhà tôi thua lỗ, nhưng ruộng thì không thể bỏ nên vẫn phải làm duy trì cuộc sống. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhiên liệu kỳ này đều tăng nên hy vọng giá lúa tới đây có khởi sắc hơn để nông dân an tâm sản xuất”, ông Hòa nói.
Giảm chi phí sản xuất
Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thực hiện kế hoạch sản xuất vụ lúa Hè Thu 2022, toàn tỉnh sẽ xuống giống gần 8.730 ha. Vụ lúa này tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn do giá phân bón và nhiều loại vật tư đầu vào phục vụ sản xuất tăng cao, điều kiện thời tiết diễn biến dị thường, sâu bệnh bất lợi.
Ðể có vụ mùa thắng lợi, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân cần chủ động thực hiện nhiều giải pháp giảm chi phí sản xuất, phòng tránh rủi ro do thiên tai, khô hạn và các loại dịch hại. Trong đó, ngành khuyến cáo nông dân sử dụng các giống như OM 6976, OM4900, OM6162, OM 5451… Đây là những giống lúa xác nhận, chất lượng cao, có khả năng kháng bệnh và đặc biệt có thời gian sinh trưởng ngắn từ 90-95 ngày nhằm bảo đảm thời gian sản xuất các vụ sau.
Bên cạnh đó, nông dân cần áp dụng kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, phun thuốc theo nguyên tắc “4 đúng”, góp phần giảm chi phí, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm lúa gạo. Đồng thời, chủ động phòng, chống các loại dịch hại, hạn chế dịch bệnh lây lan.
Đặc biệt, trong khi nhiều loại phân bón đang có xu hướng tăng mạnh, ngành nông nghiệp cũng tổ chức hướng dẫn cho bà con nông dân sử dụng thêm các phân hữu cơ giúp tiết giảm chi phí. Đây cũng là điều kiện để người nông dân từng bước chuyển sang sử dụng phân, thuốc hữu cơ sản xuất lúa an toàn, hướng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Ngành nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, khí tượng, thủy văn và tình hình rầy nâu di trú để bố trí thời vụ và tổ chức sản xuất một cách chặt chẽ và linh hoạt.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC