Tăng năng lực cạnh tranh cho sản phẩm công nghiệp nông thôn
Nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu của BR-VT không những tạo được dấu ấn riêng, khai thác từ lợi thế về vùng nguyên liệu, đặc trưng riêng của địa phương mà còn đủ sức cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu bằng giá cả và chất lượng.
Chọn lựa trái nhàu làm sản phẩm nước cốt nhàu của công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo KJS. |
Thay thế các sản phẩm ngoại nhập
Đi vào hoạt động từ năm 2002, công ty TNHH Trùng Dương (TX.Phú Mỹ) chuyên về lĩnh vực cơ khí gia công chế tạo. Thời gian đầu, DN chỉ thực hiện những đơn hàng gia công cơ khí nhỏ lẻ, sản phẩm làm ra còn thô sơ, giá trị cạnh tranh thấp. Nhận thấy trong quá trình gia công cơ khí cần rất nhiều sản phẩm dao cụ cắt gọt (hay còn gọi là dao phay ngón) giá quá đắt đỏ mà độ bền không như mong muốn, năm 2019 công ty đã nghiên cứu thành công và đưa vào ứng dụng bộ dao phay ngón.
Đây là một dạng loại lưỡi dao dùng để cắt, gọt, định hình một số sản phẩm sắt thép phục vụ trong ngành công nghiệp cơ khí. Hiện nay sản phẩm không chỉ được sử dụng tại DN mà còn bán ra thị trường với giá bằng 50% so với giá nhập khẩu mà có độ bền cao hơn. Năm 2021, bộ dao phay ngón là 1 trong 7 sản phẩm được công nhận là sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia.
Ông Phạm Dương Trung, Giám đốc Công ty TNHH Trùng Dương cho biết, trước đây hầu hết các thiết bị dụng cụ để sản xuất DN phải nhập khẩu từ nước ngoài. Hiện dao phay ngón cũng được chế tạo theo nhiều loại mẫu mã nhằm giúp người sử dụng dễ dàng tìm được loại dao phù hợp với nhu cầu cắt gọt của mình.
Đáp ứng nhu cầu của thị trường, DN đã và đang nghiên cứu sản xuất thêm một số chủng loại sản phẩm cơ khí cắt gọt khác như mũi ta-rô, mũi khoan, mũi khoét…và dần hướng đến thị trường nước ngoài để khẳng định sản phẩm mang thương hiệu Việt với chất lượng tốt, giá cả hợp lý.
Phát huy từ thế mạnh vùng nguyên liệu sản xuất ở địa phương, nhiều sản phẩm CNNT của tỉnh như nước cốt nhàu của công ty TNHH Xuất nhập khẩu nông nghiệp và dược liệu Phong Thảo KJS; hạt điều của công ty TNHH Nông sản Trung Hiếu; cà phê giấy pha phin, ca cao của công ty TNHH sản xuất, thương mại xuất nhập khẩu Nón Lá… không chỉ tạo được chỗ đứng vững chắc tại thị trường trong nước mà còn vươn xa ra các thị trường Hàn Quốc, Mỹ, EU, Trung Đông, Trung Quốc.
Ngoài ra, các sản phẩm được công nhận cấp tỉnh như cà phê, ca cao, hồ tiêu, cơ khí, nội thất, tinh dầu các loại, nhung hươu, trà ngũ cốc... đã tạo nên thương hiệu, mở rộng thị trường, góp phần thúc đẩy CNNT của tỉnh phát triển.
Nguồn vốn khuyến công được sử dụng thiết thực, hiệu quả
Để các sản phẩm CNNT có điều kiện vươn xa và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường như hiện nay, cùng với sự nỗ lực của các DN có thể nhận thấy nguồn vốn khuyến công đã được sử dụng một cách thiết thực, hiệu quả.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung tâm Khuyến công và phát triển công nghiệp tỉnh đã chủ động đề xuất cắt giảm, dừng triển khai một số chương trình, thay thế bằng hỗ trợ cơ sở có nhu cầu đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến được hưởng chính sách khuyến công mở rộng phục hồi sản xuất sau thời gian giãn cách xã hội. Dù thời gian dãn cách kéo dài nhưng Trung tâm đã triển khai thực hiện 4 chương trình hỗ trợ ứng dụng máy móc tiến bộ cho các DN.
Việc tập trung hỗ trợ cho cơ sở CNNT đầu tư ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào sản xuất đã đáp ứng đúng nhu cầu và mong muốn, giúp DN CNNT nâng cao trình độ kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Các hoạt động này còn dần từng bước góp phần phát triển ngành CNNT của tỉnh theo hướng tiên tiến, hiện đại.
Song song với việc hỗ trợ đổi mới thiết bị tiên tiến trong sản xuất, Trung tâm còn hỗ trợ các cơ sở có sản phẩm được công nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu tham gia đa dạng các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng cơ hội tìm kiếm thị trường. Những hoạt động thiết thực này đã mở rộng đáng kể độ phủ cũng như sự nhận diện của sản phẩm CNNT tiêu biểu với người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Ông Huỳnh Trung Hải, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công tỉnh cho biết, năm 2022, tỉnh đã phê nguồn kinh phí hỗ trợ máy móc thiết bị tiên tiến hơn 6,6 tỷ đồng và hơn 2,6 tỷ đồng cho các nhiệm vụ khuyến công. Theo đó, Trung tâm vẫn tiếp tục triển khai các đề án hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến; tuyên truyền sâu rộng chính sách về khuyến công.
Đẩy mạnh các hoạt động khuyến công nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở CNNT trao đổi kinh nghiệm kết nối và phát triển thị trường, mở rộng liên doanh, liên kết, tìm kiếm đối tác thị trường tiêu thụ sản phẩm và hợp tác đầu tư, góp phần phát triển các sản phẩm CNNT tiêu biểu theo hướng hiện đại và bền vững nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và lâu dài cho DN.
Bài, ảnh: TRÀ NGÂN