Người dân thụ hưởng dịch vụ tiện lợi nhờ chuyển đổi số
Chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, góp phần giải quyết công việc thuận tiện, khoa học và nhanh hơn; đồng thời, người dân được thụ hưởng dịch vụ thuận lợi, tiết kiệm chi phí… Đây là nhận định tại hội nghị sơ kết công tác triển khai thực hiện mô hình chợ 4.0 và hướng dẫn sử dụng ứng dụng thanh toán không dùng tiền mặt do UBND TP. Vũng Tàu tổ chức sáng 31/5.
Đại diện Ngân hàng Quân đội - MB Bank cài đặt ứng dụng cho tiểu thương chợ Năm Tầng (TP. Vũng Tàu). |
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Ông Trần Bá Việt, Trưởng Phòng VH-TT TP. Vũng Tàu cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, thành phố tập trung triển khai thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số trên 3 lĩnh vực: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Về triển khai chính quyền số, 17/17 UBND phường, xã đã ban hành quyết định thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số và ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm năm 2022. 100% văn bản hành chính thông thường (trừ văn bản mật) của các phòng, ban chuyên môn được gửi-nhận trên môi trường điện tử và ký số theo quy định. 100% thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp nhận và xử lý thông qua phần mềm một cửa Xgate.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai có hiệu quả hình thức họp trực tuyến giữa UBND thành phố với UBND 17 phường, xã qua ứng dụng Jabber; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các phòng, ban, đơn vị sử dụng mã QR Code và quét mã QR Code nhận tài liệu họp trên môi trường mạng cho các buổi họp không giấy.
Về kinh tế số và xã hội số, từ cuối tháng 3, đầu tháng 4/2002 TP. Vũng Tàu đã triển khai mô hình chợ 4.0 tại chợ Vũng Tàu, chợ phường Thắng Nhất, chợ hải sản Nguyễn Công Trứ và chợ phường 7; vận động người dân thành phố tham gia đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử postmart và voso.vn để thực hiện giao dịch.
Thành phố cũng tuyên truyền, vận động phụ huynh HS nộp học phí và các khoản thu phí học đường bằng hình thức trực tuyến; vận động HS đủ 15 tuổi mở tài khoản ngân hàng; triển khai dán thẻ định danh đối với xe ô tô để sử dụng dịch vụ thu phí giao thông đường bộ theo hình thức điện tử không dừng; tuyên truyền thanh toán trực tuyến các dịch vụ điện, nước, viễn thông.
Theo bà Trần Thị Thu Hường, Trưởng Phòng Kinh tế TP. Vũng Tàu, sau thời gian triển khai, mô hình chợ 4.0 tại chợ Vũng Tàu, chợ Thắng Nhất bước đầu đạt kết quả tích cực. Gần 200 tiểu thương tại 2 chợ này đã đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán qua ứng dụng Viettel Money và Viet QR của các ngân hàng, đạt tỷ lệ 39,5%, số lượng giao dịch là 393 giao dịch (trung bình 5 - 6 giao dịch/điểm).
Ngoài 2 chợ thí điểm, UBND phường 7 đã phối hợp Ngân hàng TMCP Quân đội - MB Bank (Chi nhánh Vũng Tàu) tuyên truyền các hộ kinh doanh cài đặt, sử dụng mã QR trong thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ Năm Tầng. Kết quả, 20/62 tiểu thương đã cài đặt, sử dụng mã QR trong giao dịch mua bán.
Đại diện Viettel BR-VT hướng dẫn người dân cài đặt ứng dụng bên lề hội nghị. |
Nhiệm vụ trọng tâm
Chuyển đổi số được coi là nhiệm vụ trọng tâm của TP. Vũng Tàu. Vì vậy, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển đổi số trên các lĩnh vực một cách hiệu quả.
Bà Trần Thị Xuân, Chánh Văn phòng HĐND và UBND TP. Vũng Tàu cho biết, thành phố sẽ tuyên truyền dịch vụ công trực tuyến đến các cuộc họp tại các khu phố, thôn; phát tờ rơi đến người dân. Đồng thời, tiếp tục thực hiện “phòng họp không giấy” nhằm hạn chế tối đa việc in ấn tài liệu, phấn đấu đến quý III/2022 đạt 100% cuộc họp không giấy.
Ngành giáo dục thành phố cũng xem chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học 2022-2023. Theo bà Nguyễn Thị Lan Hương, Trưởng Phòng GĐ-ĐT TP. Vũng Tàu, nhiệm vụ trọng tâm về chuyển đổi số của ngành trong năm 2022 và năm học 2022-2023 gồm: thanh toán không dùng tiền mặt cho các khoản thu trong nhà trường và cấp tài khoản ngân hàng cho học sinh đủ 15 tuổi. Để thực hiện 2 nhiệm vụ này, ngành tiếp tục làm việc với các ngân hàng, các trường học để phân loại đối tượng và triển khai thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2022 sẽ đạt 80% mục tiêu này.
Ông Huỳnh Thanh Nghĩa, Phó Giám đốc Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh BR-VT thông tin, ngoài các sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt đã triển khai, ngân hàng sẽ đồng hành cùng tỉnh và TP. Vũng Tàu trong việc chuyển đổi số. Vietinbank sẽ phối hợp Thành Đoàn, Hội LHPN thành phố tăng cường truyền thông và thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo ông Trần Đình Khoa, Bí thư Thành ủy Vũng Tàu, chuyển đổi số là một giải pháp công nghệ thực hiện trên nền tảng điện tử giúp cho công việc thực hiện hàng ngày như các TTHC, đi chợ… nhẹ nhàng, thuận tiện hơn. “Tuy nhiên, việc chuyển đổi số đạt hiệu quả cao nhất chỉ khi các cấp, ngành cung cấp thông tin, dịch vụ cho người dân tốt nhất, minh bạch nhất, thuận tiện nhất và nhận được sự tham gia của người dân”, ông Trần Đình Khoa nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Vũng Tàu yêu cầu, đối với thực hiện chính quyền số, ngoài nâng cấp cổng thông tin điện tử, thành phố cần tiếp tục chuẩn hóa lại toàn bộ quy trình, hồ sơ dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. 17 xã, phường cũng phải thành lập được các trang web và việc này hoàn thành chậm nhất vào tháng 12/2022.
Đối với triển khai kinh tế số, ông Trần Đình Khoa đề nghị, thành phố cần thay đổi thói quen của tiểu thương; tổ chức mô hình kinh doanh phù hợp với chuyển đổi số, làm sao biến các quầy tạp hóa, rau, thịt… thành siêu thị, chứ không đơn thuần là cài đặt ứng dụng.
“Về xã hội số, Bí thư, Chủ tịch UBND các xã, phường trên địa bàn phải quan tâm và thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng ngay tại khu phố, thôn, ấp. Thường trực Ban Chỉ đạo chuyển đổi số thành phố cần làm việc với các nhà mạng để phấn đấu 90% gia đình trên địa bàn có internet, nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, đường truyền…”, ông Trần Đình Khoa yêu cầu.
Bài, ảnh: ĐÔNG HIẾU