.

Doanh nghiệp vận tải oằn mình trước giá xăng dầu

Cập nhật: 20:45, 30/05/2022 (GMT+7)

Giá xăng dầu liên tục tăng cao trong thời gian qua gây ảnh hưởng lớn đến các DN vận tải hành khách và hàng hóa trên địa bàn tỉnh. DN chưa thể tăng giá cước mà đang tìm mọi cách xoay xở nhằm bảo đảm hoạt động.

Giá xăng tăng cao, DN vận tải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn không tăng giá vé.
Giá xăng tăng cao, DN vận tải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng vẫn không tăng giá vé.

Chật vật vì chi phí nhiên liệu tăng

Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành Công ty vận tải Hoa Mai chuyên chở hành khách từ tỉnh BR-VT đi TP.Hồ Chí Minh và ngược lại cho biết, ảnh hưởng dịch COVID-19 khiến DN phải cắt giảm 50% phương tiện và nhân viên để duy trì hoạt động. Đến nay chưa kịp phục hồi lại phải đối diện với giá xăng dầu liên tục tăng chóng mặt, khiến chi phí của công ty tăng lên. “Chúng tôi cố gắng giữ ổn định giá thành dịch vụ với hành khách. Tuy nhiên, DN gặp khó và thua lỗ vì giá xăng dầu tăng cao”, ông Lê Văn Đào nói.

Tương tự, theo ông Trần Ngọc Khanh, Giám đốc Công ty TNHH vận tải Toàn Thắng (tuyến BR-VT - TP. Hồ Chí Minh), từ đầu năm đến nay hoạt động kinh doanh vận tải cũng đỡ hơn trước nhờ dịch COVID-19 được kiểm soát tốt, nhưng DN vẫn chưa thể trở lại như trước đây. Hiện, lượng hành khách sử dụng dịch vụ vận tải giảm 40-50% so với các năm trước. Thêm vào đó giá xăng dầu tăng quá cao khiến DN bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Ông Trần Ngọc Thọ, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa tỉnh cho biết, xăng dầu chiếm khoảng 40-50% chi phí vận tải nên việc tăng giá xăng dầu gây áp lực rất lớn với DN vận tải. Giá xăng tăng kéo theo chi phí chi phí sửa chữa, dầu nhớt, phụ tùng…tăng. Chưa kể, DN còn phải đóng thêm nhiều loại chi phí khác như: bến bãi, phí bảo trì đường bộ. Đây là những áp lực vô cùng lớn mà các DN vận tải hàng hóa đã, đang và sẽ tiếp tục phải đối mặt.

Chưa tăng giá cước

Trước những khó khăn nêu trên, nhiều DN vận tải cho biết chưa thể tăng giá cước vận tải vì lo ngại ảnh hưởng đến khách hàng. Ông Lê Văn Đào, Giám đốc điều hành Công ty vận tải Hoa Mai cho biết, từ đầu năm đến nay sau nhiều đợt điều chỉnh tăng giá xăng dầu, DN vẫn cầm cự và không tăng giá vé. Đơn cử, tuyến Vũng Tàu-TP.Hồ Chí Minh, xe thường vẫn giữ mức 160.000 đồng/vé, xe VIP 200.000 đồng/vé. “Do dịch COVID-19, lượng hành khách đi xe đã giảm, chúng tôi không thể tăng giá vé thêm  được nữa mà đành thắt lưng buộc bụng, cầm cự qua cơn khó khăn”, ông Lê Văn Đào cho hay.

Tương tự, DN vận tải Toàn Thắng cũng thông tin, chủ trương của công ty là chưa tăng vé xe. “Chúng tôi đang cố gắng duy trì hoạt động và hy vọng giá xăng trồi lên rồi sẽ giảm xuống, để DN hoạt động ổn định”, ông Trần Ngọc Khanh nói.

Theo ông Trần Ngọc Thọ, để vượt qua khó khăn, các DN vận tải cần năng động hơn, hạch toán lại chi phí hoạt động, đổi mới hình thức hoạt động, cắt giảm tối đa những chi phí phát sinh liên quan. “Chi phí nhiên liệu hiện chiếm tỷ lệ lớn trong hoạt động vận tải nên sớm muộn DN vận tải sẽ phải tính tới việc tăng giá cước. Tuy nhiên, việc tăng giá cước vận tải là chẳng đặng đừng để có thể tiếp tục hoạt động, nhưng mức tăng nếu so ra không bù đủ chi phí. Chưa kể, nếu tăng giá vé lên, khách hàng sẽ phản ứng, ảnh hưởng rất lớn đến việc kinh doanh vận tải. Do đó, ít nhiều DN sẽ có thiệt hại”, ông Trần Ngọc Thọ chia sẻ.

Ông Trần Ngọc Thọ cũng cho rằng, để DN vận tải giữ được nguồn lực, duy trì hoạt động kinh doanh trong cơn “bão giá” xăng, dầu như hiện nay, cần có giải pháp cân đối lại các loại thuế, phí; đa dạng nguồn cung nhằm giúp bình ổn giá xăng, dầu.

Bài, ảnh: PHƯỚC QUÝ

.
.
.