Xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã tận dụng mọi nguồn lực của địa phương, vươn mình mạnh mẽ, về đích nông thôn mới (NTM) với nhiều thành tựu nổi bật.
Nghề nuôi cá lồng bè được xã Long Sơn chú trọng phát triển trong nhiều năm qua. Trong ảnh: Khu nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và thuộc xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu. |
Nông thôn khang trang, hiện đại
Trước đây, xã Long Sơn là địa phương gặp nhiều khó khăn, người dân chủ yếu sống bằng nghề sản xuất muối, đánh bắt hải sản... Thế nhưng, từ phong trào xây dựng NTM, địa phương đã trở mình, vươn dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những xã có kinh tế phát triển, ổn định.
Đi trên những con đường khang trang, sạch đẹp nối từ thôn ra trục đường chính của xã, ông Nguyễn Văn Tư (người dân thôn 10) nhớ lại, thời gian trước, khi cùng gia đình mới chuyển về đây sống, đường giao thông, điện nước không có. Mỗi lần muốn di chuyển tới các địa phương khác phải có ghe, thuyền.
Người dân xã Long Sơn, TP. Vũng Tàu đầu tư, phát triển nuôi cá lồng bè. |
Thế nhưng, chục năm trở lại đây, nhờ sự đầu tư của chính quyền địa phương, cùng với phong trào xây dựng NTM được triển khai mạnh mẽ tới từng thôn, từng nhà, từng người, bộ mặt nông thôn đã có sự đổi thay rõ rệt. Đường làng được trải bề tông, trải nhựa, ô tô vào tận từng ngõ, từng nhà, tạo điều kiện cho người dân đi lại, giao thương, buôn bán, vui chơi giải trí.
“Nhờ các con đường được đầu tư đồng bộ, kết nối với các địa phương, người dân đi lại dễ dàng, việc làm ăn, buôn bán cũng trở nên thuận lợi hơn. Trường học được xây dựng đầy đủ, khang trang hơn trước. Bây giờ cuộc sống người dân nơi xã đảo chúng tôi cũng ổn định, đầy đủ và hạnh phúc hơn rất nhiều”, ông Tư chia sẻ.
Ông Đinh Thanh Tân, Phó Chủ tịch UBND xã Long Sơn cho biết, khi triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, địa phương nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân. Từ đó, tạo sự phấn khởi, tự nguyện đóng góp công sức, hiến đất làm đường để xã hoàn thành các tiêu chí khó.
Đặc biệt với hạ tầng của địa phương được đầu tư, kết nối với TX. Phú Mỹ (qua cầu Ba Nanh) và trung tâm TP.Vũng Tàu (qua cầu Gò Găng) đã tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế, xã hội, giao lưu, trao đổi, nhất là hoạt động kinh doanh, dịch vụ của xã phát triển. Hiện 100% tuyến đường liên thôn, liên tổ đã được bê tông hóa, nhựa hóa. Người dân cũng ngày một nâng cao ý thức trong việc xây dựng nếp sống văn minh, bảo vệ môi trường.
Đến tháng 12/2021, xã Long Sơn đã hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM so với Bộ tiêu chí xã đạt chuẩn NTM, đạt tỷ lệ 100%. Trong đó, một số chỉ tiêu hoàn thành ở mức cao: Tỷ lệ đường giao thông nông thôn được nhựa hóa đạt 100%; tỷ lệ hộ dân sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn đạt trên 99%. Toàn xã hiện không còn hộ dân phải sống trong nhà tạm, nhà dột nát. Thu nhập bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/người/năm. |
Ngoài chú trọng đầu tư hạ tầng, xã Long Sơn cũng hết sức quan tâm công tác “dân vận khéo”. Trong đó, MTTQ, các đoàn thể đã thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động với nội dung, hình thức phong phú, đa dạng nhằm huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng cư dân nông thôn.
Đặc biệt là công tác bảo vệ môi trường, các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” gắn với xây dựng NTM; “Toàn dân chung tay xây dựng NTM”; “Mở rộng đường giao thông nông thôn”; “Thắp sáng đường quê”; “Ngày Chủ nhật xanh”… được người dân địa phương hưởng ứng, ủng hộ. Nhờ đó, Long Sơn nhanh chóng đạt các tiêu chí về môi trường, giáo dục, nước sạch, văn hóa.
Tạo việc làm, thu nhập ổn định
Được bao bọc bởi kênh rạch và sông biển, xã đảo Long Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng trong cả lĩnh vực quốc phòng, an ninh lẫn kinh tế - xã hội. Tận dụng lợi thế đó, xã đã huy động mọi nguồn lực, nhất là các nguồn lực trong nhân dân để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững.
Trên địa bàn xã có 88,2ha diện tích nuôi hàu với 553 hộ nuôi, diện tích nuôi cá lồng bè 32,3ha với 243 hộ nuôi. Nhờ được hỗ trợ đầu tư khoa học kỹ thuật, tập huấn canh tác, sản xuất, sản lượng nuôi trồng hàng năm của địa phương không ngừng tăng cao, hiện đạt khoảng 4.200 tấn, đồng thời tạo việc làm thương xuyên cho khoảng 2.100 lao động tại địa phương.
Gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản trên sông Chà Và trong nhiều năm qua, ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, sau khi được địa phương tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về nuôi trồng thủy sản, đồng thời cử cán bộ theo dõi, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật, việc nuôi trồng thủy sản gặp nhiều thuận lợi, mang lại nguồn thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.
Hiện nay, 100% tuyến đường liên thôn, liên tổ tại xã Long Sơn (TP. Vũng Tàu) đã được bê tông hóa, nhựa hóa. |
“Người dân chúng tôi làm ăn có lúc được, lúc mất, nhưng nhờ sự đồng hành, hỗ trợ của chính quyền địa phương đã giúp người dân chúng tôi có nguồn lực để phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 vừa qua, địa phương đã hỗ trợ người dân chúng tôi rất nhiều, không chỉ là trong tiêu thụ thủy sản mà còn tạo điều kiện để chúng tôi vay vốn, phục hồi sản xuất”, ông Thắng nói thêm.
Với nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp, xã đã triển khai lồng ghép phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Để tạo điều kiện cho người dân có việc làm ổn định, xã cũng đã tập trung đào tạo hiệu quả các nghề lao động nông thôn như: Kỹ thuật xây dựng, lái máy kéo, nghề hàn, phục vụ bàn, nuôi hải sản…
Đặc biệt, kể từ khi dự án tổ hợp hóa dầu miền Nam được triển khai, hàng trăm lao động tại đây đã được đào tạo nghề, có việc làm với thu nhập ổn định, đời sống người dân nhờ thế cũng ngày càng khấm khá hơn.
Bài, ảnh: HỒNG PHÚC