.

Hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển bền vững

Cập nhật: 17:58, 29/05/2022 (GMT+7)

Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi, phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, sáng 29/5, tại tỉnh Sơn La, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại trực tiếp với 300 nông dân tiêu biểu đại diện cho hơn 10,2 triệu hội viên nông dân cả nước.

Hội nghị do Trung ương Hội Nông dân (HND) Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Sơn La tổ chức được kết nối với 62 điểm cầu trên cả nước.

Giá cả vật tư nông nghiệp leo thang là một trong những nội dung được nhiều nông dân kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch thanh long tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.
Giá cả vật tư nông nghiệp leo thang là một trong những nội dung được nhiều nông dân kiến nghị tới Thủ tướng Chính phủ. Trong ảnh: Nông dân thu hoạch thanh long tại xã Bông Trang, huyện Xuyên Mộc.

Ông Bùi Chí Thành, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh; ông Huỳnh Văn Danh, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các sở, ngành, HND, HTX địa phương tham dự tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

8 nhóm vấn đề nóng cần tháo gỡ

Tại buổi đối thoại, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương HND Việt Nam cho biết, tính đến trước thời điểm diễn ra hội nghị, Ban tổ chức đã nhận được hơn 1.600 câu hỏi là những đề xuất, kiến nghị, trăn trở gửi tới Thủ tướng Chính phủ, thể hiện sự quan tâm, mong chờ của nông dân về những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp.

Những câu hỏi trên tập trung vào 8 nhóm vấn đề như: Giải pháp khôi phục sản xuất nông nghiệp sau dịch COVID-19, nhất là tình hình giá cả vật tư nông nghiệp đầu vào tăng cao, ảnh hưởng đến sản xuất của người dân; đất đai và cơ chế để nông dân, HTX được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất; tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương; thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - DN, đặc biệt phát huy vai trò của HTX nông nghiệp; giải ngân, bố trí nguồn vốn cho tam nông.

Gửi câu hỏi tới người đứng đầu Chính phủ, nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu cũng kiến nghị nên có chính sách dự báo chiến lược quốc gia về tình hình xuất khẩu hàng hóa nông sản đi các nước trong 5-10 năm tới để khuyến khích nông dân tham gia phát triển sản xuất hàng hóa đáp ứng với yêu cầu xuất khẩu và bảo đảm tính ổn định lâu dài, tránh tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.

Bên cạnh đó, nông dân Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị cần xây dựng chính sách quản lý, bảo đảm bình ổn giá hàng hóa sản xuất, nhất là những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm duy trì và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người nông dân. Đồng thời, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.

Nông dân cần được hỗ trợ

8 vấn đề nóng nông dân kiến nghị tới Chính phủ để được tháo gỡ khó khăn, bất cập. Trong ảnh: Nhãn hiệu mật ong Hạnh Phúc tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.
8 vấn đề nóng nông dân kiến nghị tới Chính phủ để được tháo gỡ khó khăn, bất cập. Trong ảnh: Nhãn hiệu mật ong Hạnh Phúc tại xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc.

Đối với nhóm câu hỏi về giá cả, thị trường, vật tư nông nghiệp ngày một leo thang trong thời gian qua, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, vấn đề trượt giá là vấn đề mang tính chất toàn cầu, không riêng quốc gia nào. Chính phủ, các bộ ngành cũng đã nỗ lực kiểm soát giá cả. Đặc biệt là những mặt hàng có tính chiến lược, ảnh hưởng trực tiếp đến việc cấu thành giá thành sản phẩm.

Bộ Công thương cũng đã nghiên cứu chính sách bảo đảm về thuế, phí và trong trường hợp giá cả tiếp tục leo thang sẽ có đề xuất trợ giá để hỗ trợ nông dân. Ngành công thương thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ sớm bình ổn giá các mặt hàng, nguyên liệu đầu vào. Cụ thể, sẽ làm việc với các DN để có những giải pháp phù hợp cho cả người bán - người mua; kiểm tra, kiểm soát thị trường, bình ổn giá các mặt hàng. Đồng thời, điều chỉnh thuế. đặc biệt là thuế giá trị gia tăng, hoàn thuế… để các mặt hàng, vật tư thiết yếu như phân bón có thể giảm xuống, bớt khó khăn cho nông dân.

Làm rõ thêm nội dung hỗ trợ nông dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Chính phủ đã đề xuất và đang triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội. Ngay trong giai đoạn phòng, chống dịch vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc, đồng hành của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ như giảm lãi suất hỗ trợ người dân và DN.

Cùng với đó là các chính sách tài khóa như miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền điện, nước. Chính phủ cũng tập trung đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế…, đặc biệt là hạ tầng giao thông với hàng loạt tuyến cao tốc để giảm chi phí logistics.

“Muốn xuất khẩu được hàng hóa thuận lợi sang thị trường nước ngoài, chúng ta buộc phải tăng cường xuất khẩu chính ngạch, tập trung làm thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết nối doanh nghiệp, người dân để cùng nâng cao giá trị nông sản”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Trả lời kiến nghị về giải pháp để ngân hàng có chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tăng nguồn tăng hạn mức vay để nông dân kịp thời phục hồi sản xuất, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngay từ khi có dịch COVID-19, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 01/2020/TT-NHNN tạo khuôn khổ pháp lý để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ, tháo gỡ khó khăn cho các khách hàng vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề; 2 lần sửa đổi, bổ sung chính sách phù hợp với diễn biến của dịch và hỗ trợ hơn nữa cho người dân, DN.

Năm 2021, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do tác động của dịch COVID-19 và sự đứt gãy của chuỗi cung ứng toàn cầu, song ngành nông nghiệp vẫn đạt được nhiều kết quả vượt bậc với tốc độ tăng trưởng đạt 2,98%. Tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành nông lâm thủy sản đạt 48,6 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đạt gần 17,9 tỷ USD, tăng tới 15,6% so với cùng kỳ.

Chính phủ cũng ban hành gói 350 ngàn tỷ đồng, trong đó 40 ngàn tỷ đồng hỗ trợ 2% lãi suất. Chính sách này đã được triển khai từ ngày 20/5. Cộng hưởng với các chính sách của ngành tiếp tục được triển khai như giãn hoãn và kéo dài thời gian cơ cấu nợ sẽ là nguồn lực quan trọng giúp đỡ các DN, bà con nông dân.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải đặc biệt quan tâm, nắm chắc thực tiễn, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng bà con nông dân, nhất là những vấn đề nảy sinh, vấn đề búc xúc. Từ đó, có giải pháp phù hợp, kịp thời, hỗ trợ người nông dân một cách toàn diện, thực chất, hiệu quả theo chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của pháp luật.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ các ý kiến tại hội nghị để tiếp tục nghiên cứu, xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

.
.
.