.
HUYỆN CHÂU ĐỨC

Quá tải trong xử lý hồ sơ đất đai

Cập nhật: 20:59, 27/05/2022 (GMT+7)

Huyện Châu Đức đang cùng lúc thực hiện nhiều thủ tục đất đai như chuyển nhượng, cấp đổi… khiến khối lượng hồ sơ đất đai quá tải.

Nhân viên Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Châu Đức phải làm thêm giờ vẫn không xử lý kịp hồ sơ đất đai  cho người dân.
Nhân viên Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Châu Đức phải làm thêm giờ vẫn không xử lý kịp hồ sơ đất đai cho người dân.

Lượng hồ sơ nhiều

Mới 8 giờ sáng ngày cuối tuần, bộ phận một cửa UBND huyện Châu Đức đã đông kín chỗ ngồi. Trong đó, chủ yếu là người dân đến nộp hồ sơ lĩnh vực đất đai. Chị Nguyễn Thị Cúc, nhân viên địa chính bộ phận một cửa cho biết, trung bình mỗi ngày 2 nhân viên địa chính chuyên tiếp nhận hồ sơ đất đai phải làm việc liên tục, kiểm tra và tiếp nhận khoảng hơn 200 hồ sơ .

Tại tầng 1, Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ĐKĐĐ) huyện Châu Đức hơn 60 nhân viên làm việc liên tục từ sáng đến 7-8 giờ tối vẫn không giải quyết kịp hồ sơ của người dân. Theo anh Nguyễn Thanh Tùng, địa chính viên, chưa bao giờ huyện Châu Đức quá tải lượng hồ sơ liên quan đến đất đai như hiện nay. Trước đây, trung bình mỗi ngày mỗi nhân viên chỉ giải quyết 1-2 hồ sơ, nay phải xử lý từ 10-12 hồ sơ. Chủ yếu là hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ).

Lý giải về sự quá tải đột xuất này, ông Thái Tăng Lâm, Giám đốc Văn phòng ĐKĐĐ huyện Châu Đức cho biết, cấp đổi lại giấy chứng nhận đăng ký QSDĐ là một phần việc trong tổng thể công trình Xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai do Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh thực hiện tại 3 huyện Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Châu Đức. Trong đó, huyện Châu Đức bắt đầu thực hiện cấp đổi từ tháng 12/2020 khi nhận bàn giao bản đồ từ Sở TN-MT. 14 đơn vị hành chính cấp xã đều phải thực hiện việc cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ với tổng số hồ sơ cần cấp đổi là 42.342 hồ sơ. Riêng xã Bình Ba và xã Sơn Bình  mới nhận bàn giao bản đồ đất mới từ tháng 10/2021. Tính đến thời điểm hiện nay, mới có gần 10.000 hồ sơ đã được xử lý với các bước như: kiểm tra, đối chiếu lại với hồ sơ địa chính, nhập thông tin cơ sở dữ liệu đất đai, biên tập giấy chứng nhận để chuyển lên Văn phòng ĐKĐĐ tỉnh in giấy chứng nhận. Hơn 32.000 hồ sơ đang thực hiện xét cấp.

Theo Văn phòng ĐKĐĐ huyện Châu Đức, có 2 hình thức cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ là cấp đổi đồng loạt và cấp đổi riêng lẻ. Đối với quy trình cấp đổi đồng loạt thì đơn vị thi công sẽ phối hợp với UBND xã xét cấp, chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện chỉ thẩm tra và trình Văn phòng Đăng ký QSDĐ tỉnh ký. Thời gian trả hồ sơ cấp đổi đồng loạt là 50 ngày làm việc.

Huyện Châu Đức hiện phải huy động các bạn ĐVTN để làm công tác nhập liệu, hỗ trợ trong việc xử lý hồ sơ đất đai.
Huyện Châu Đức hiện phải huy động các bạn ĐVTN để làm công tác nhập liệu, hỗ trợ trong việc xử lý hồ sơ đất đai.

Thời gian xử lý hồ sơ mất nhiều thời gian

Trên địa bàn huyện Châu Đức, hồ sơ cấp đổi QSDĐ chủ yếu là hồ sơ người dân nộp riêng lẻ (không đồng loạt theo dự án) dẫn đến có thời điểm hồ sơ sẽ tăng đột biến. Theo quy trình, đối với hồ sơ cấp đổi riêng lẻ, người dân liên hệ UBND xã để lập hồ sơ cấp đổi, nhận phiếu xác nhận kết quả đo đạc bản đồ mô tả ranh giới, mốc giới, thửa đất do đơn vị thi công cấp.Với những trường hợp thửa đất không biến động ranh giới và hình thể thì UBND xã thẩm tra chuyển chi nhánh giải quyết và trả hồ sơ cấp đổi đơn lẻ trong thời gian 17 ngày làm việc. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp ranh giới có thay đổi, hình thể thửa đất thay đổi thì cán bộ địa chính xã phải kiểm tra thực tế làm biên bản xác minh hiện trạng có sự chứng kiến của các hộ tứ cận. Do đó, thời gian xử lý hồ sơ rất lâu. Được biết, trong tổng số lượng hồ sơ người dân xin cấp đổi, thì dạng xin cấp đổi riêng lẻ chiếm đến 70%.

Ngoài các nguyên nhân trên, theo Chi nhánh văn phòng ĐKĐĐ huyện Châu Đức, khi làm hồ sơ cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ, chi nhánh phải kiểm tra nhiều bản đồ khác nhau, lồng ghép giữa bản đồ cũ và bản đồ mới, thực hiện nhiều quy trình cho một hồ sơ. Cùng với đó, nhiều biên bản xác minh hiện trạng của UBND xã, thị trấn còn sơ sài; chủ sử dụng đất giáp ranh không có ý kiến và cam kết về việc thay đổi ranh giới thửa đất… cũng là những nguyên nhân khiến việc giải quyết hồ sơ đất đai quá tải, dồn ứ.

Ông Thái Tăng Lâm nêu ví dụ: một hồ sơ cấp đổi nếu rơi vào trường hợp diện tích thực tế tăng so với giấy chứng nhận cũ thì địa phương phải chuyển qua cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (mất 3 ngày) mà thời gian từ khi tiếp nhận và trả hồ sơ chỉ có 17 ngày làm việc. Chưa kể, có nhiều trường hợp phải thực hiện lồng ghép thủ tục hành chính, nghĩa là cũng lúc thực hiện đồng thời chuyển nhượng QSDĐ và cấp đổi giấy chứng nhận QSDĐ mới. Với các trường hợp này chỉ riêng hồ sơ chuyển nhượng đã mất 10 này, hồ sơ cấp đổi mất 17 ngày.

 “Hiện chúng tôi đang thực hiện giải pháp chia ra các tổ chuyên trách (tổ chuyên thẩm tra, tổ chuyên về thuế), đồng thời điều chuyển nhân sự từ các tổ chuyên môn sang tổ cấp giấy để xử lý hồ sơ nhưng đến nay lượng hồ sơ vẫn còn rất nhiều. Chúng tôi kiến nghị, Sở TN-MT và địa phương tăng cường nhân sự cho chi nhánh để, đồng thời cho phép tăng thời gian xử lý đối với các hồ sơ lồng ghép để chi nhánh có thời gian xử lý hồ sơ cho người dân đúng hẹn”, ông Lâm nói. 

Bài, ảnh: QUANG VŨ

 
.
.
.