Theo phản ánh của một số hộ dân trồng khoai mì tại các huyện Đất Đỏ, Châu Đức, năm nay thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh phát sinh nhiều nên năng suất giảm mạnh. Trong khi đó, giá thu mua cũng thấp hơn vụ trước, nông dân hầu như không có lãi, thậm chí lỗ nặng.
Bà Đỗ Thị Thủy (thôn Phú Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) thu hoạch khoai mì. |
Ông Nguyễn Văn Thiệt (tổ 115, ấp Phước Sơn, xã Phước Long Thọ) cho biết, với diện tích 1,5ha, ruộng khoai mì được thương lái thu mua toàn bộ với giá 60 triệu đồng. “Trừ chi phí, tôi thu lãi chưa đến 15 triệu đồng. Đó là do gia đình không phải thuê đất và thu hoạch sớm khi giá bán đang ở mức 2.100 đồng/kg. Còn đối với những hộ phải thuê đất để trồng thì vụ này hầu như không có lãi”.
Xã Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ, một trong những địa phương có diện tích khoai mì lớn của tỉnh, khoảng 320ha. Ông Trần Văn Tam, cán bộ phụ trách nông nghiệp - UBND xã Phước Long Thọ cho biết: “Vụ thu hoạch khoai mì năm nay năng suất chỉ đạt 270 tạ/ha, sản lượng 8.640 tấn. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, giá phân bón, thuốc BVTV, giá thuê nhân công cũng tăng nên kéo theo chi phí sản xuất cao, lên đến 25-30 triệu đồng/ha. Trong khi đó giá khoai mì giảm còn 1.700 đồng/kg (giảm 800 đồng/kg so với vụ trước) nên lợi nhuận giảm mạnh”.
Ghi nhận từ các hộ trồng khoai mì được biết, thời điểm xuống giống khoai mì vào cao điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh phải thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16, do đó việc chăm sóc cho cây gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, năm nay khoai mì nhiễm bệnh khảm lá với diện tích lớn, người dân không điều trị kịp thời.
Cùng với đó, giá phân bón liên tục tăng cao trong thời gian qua nên người dân cũng không “mặn mà” với việc bón phân cho cây khiến năng suất và chất lượng của khoai mì giảm 40-50%. Ông Lý Văn Đạt, ấp Phú Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức cho biết, vụ khoai mì năm nay năng suất giảm mạnh, củ ít bột, chỉ bằng 2/3 năm ngoái. Theo tính toán của ông Đạt, để trồng 2ha khoai mì, chi phí mua phân bón, nhân công… đã lên tới 35 triệu đồng.
“Cách đây 1 tuần, 2ha khoai mì của gia đình tôi được thương lái đến thu mua với giá 30 triệu đồng. Bán xong vườn khoai mì, tôi lỗ hơn 5 triệu đồng”, ông Đạt nói.
Tìm hiểu về nguyên nhân giá thu mua khoai mì năm nay giảm mạnh, một số thương lái thông tin, do tình hình dịch bệnh, cửa khẩu Trung Quốc đóng nên đầu ra cho khoai mì của nông dân gặp khó khăn. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cao khiến chi phí vận chuyển lớn, giá thành nông sản bị ảnh hưởng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh tuy có một số nhà máy thu mua và chế biến tinh bột khoai mì ở TX. Phú Mỹ và Xuyên Mộc nhưng sức tiêu thụ vẫn còn hạn chế.
Trước tình trạng năng suất và chất lượng khoai mì giảm, Sở NN-PTNT khuyến cáo bà con nông dân không trồng giống khoai mì dễ nhiễm bệnh HLS-11, HSL-12 bởi đây là những giống có tỷ lệ mắc bệnh khảm lá rất cao. Đồng thời, người nông dân nên chọn giống khoai mì sạch bệnh và có năng suất cao như: KM94, KM140... Đồng thời tăng cường đầu tư phân bón vi sinh hữu cơ trong trồng khoai mì, vừa giúp cải tạo đất, giảm chi phí vật tư và tăng năng suất, chất lượng cây trồng để bán được giá cao.
NHƯ YẾN