Tạo đà hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới

Thứ Năm, 21/04/2022, 19:34 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 21/4, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đã chủ trì Hội nghị toàn quốc triển khai chương trình thực hiện mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Trần Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu.

Phấn đấu 80% xã đạt chuẩn NTM

Trong giai đoạn 2021-2025, Quốc hội đã thông qua thực hiện 3 chương trình MTQG bao gồm: phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững; xây dựng NTM. Trước bối cảnh và yêu cầu mới với những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, để cụ thể hóa yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Nghị định quy định về cơ chế quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG).

Đối với chương trình MTQG xây dựng NTM, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, chương trình đặt mục tiêu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn NTM. Có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn NTM, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có từ 17-19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; phấn đấu 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn NTM theo các tiêu chí NTM do UBND cấp tỉnh quy định. Tổng nguồn vốn huy động cho chương trình trong giai đoạn 2021-2015 tối thiểu là 196.332 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách trung ương 39.632 tỷ đồng và 156.700 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương.

Tập trung nguồn lực xây dựng NTM

Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương khẳng định việc triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững có ý nghĩa hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống của người dân, thay đổi căn bản diện mạo vùng nông thôn, nhất là những địa bàn khó khăn. Lãnh đạo các địa phương bày tỏ quyết tâm cao trong việc triển khai, thực hiện các chương trình MTQG, đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất như: các bộ, ngành cần khẩn trương ban hành hướng dẫn triển khai; bố trí nguồn lực thực hiện các đề án, ưu tiên các nguồn vốn từ các chương trình; chú trọng đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn.

Phát biểu tại điểm cầu Bà Rịa-Vũng Tàu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tuấn cho biết, được xếp vào nhóm các địa phương có nguồn thu ngân sách cao của cả nước nên tỉnh thời gian qua đã chủ động chi ngân sách thực hiện lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Trong bối cảnh chung chịu tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, Bà Rịa-Vũng Tàu vẫn tiếp tục chỉ đạo các ngành, các địa phương, nhất là cấp cơ sở tổ chức, vận động, hướng dẫn người dân hăng hái tham gia xây dựng NTM gắn kết chặt chẽ với công tác phòng, chống dịch.

Trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xã NTM theo Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 cho các xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Các đơn vị tăng cường vận động, khuyến khích người dân tham gia, đóng góp xây dựng NTM theo hình thức tự nguyện. Đồng thời triển khai các giải pháp duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn. Đối với các xã đã đạt chuẩn, phấn đấu tiếp tục xây dựng xã đạt chuẩn NTN nâng cao, kiểu mẫu.

Phát huy sức mạnh toàn xã hội

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá cao các bộ, ngành và địa phương đã nỗ lực thực hiện các chương trình và đạt nhiều thành quả cao trong lĩnh vực xây dựng NTM, xóa đói, giảm nghèo. Về nhiệm vụ năm 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, các địa phương khẩn trương trình HĐND phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025 để làm cơ sở cho việc tổ chức triển khai thực hiện các chương trình năm 2022.

Sau hơn 10 năm triển khai, đến hết năm 2020, Chương trình xây dựng NTM đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn NTM so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao. Tính đến 4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, có 663 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 15 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Trong đó, 5 tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTN.

Bên cạnh đó, tổ chức quán triệt, tuyên truyền, tập huấn cho CB, CCVC, DN, người dân và đối tượng có liên quan về các chương trình MTQG nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự đồng thuận và phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG. Đặc biệt, cần xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình MTQG, làm cơ sở để các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động xây dựng kế hoạch triển khai, lựa chọn nội dung ưu tiên đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, bố trí nguồn lực tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG.

Bài, ảnh: HỒNG PHÚC

;
.