Nghịch lý giá xăng dầu và hàng hóa

Thứ Tư, 20/04/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 7 lần tăng giá liên tiếp, từ cuối tháng 3 đến nay, giá xăng đã 3 lần hạ nhiệt với mức giảm gần 2.500 đồng/lít. Giá xăng tăng cao, giá hàng hóa cũng “nhanh nhảu” tăng giá theo, tuy nhiên, đến nay giá xăng dù đã liên tục giảm nhưng dường như vẫn chưa đủ sức hạ nhiệt giá tiêu dùng.

Mặc dù giá xăng dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa giảm nhiệt.  Trong ảnh: Người dân mua rau củ tại chợ Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu).
Mặc dù giá xăng dầu đã giảm 3 phiên liên tiếp nhưng giá cả hàng hóa, dịch vụ vẫn chưa giảm nhiệt. Trong ảnh: Người dân mua rau củ tại chợ Thắng Nhất (TP. Vũng Tàu).

Ghi nhận tại các chợ truyền thống cho thấy, các mặt hàng rau củ quả tăng thêm từ 5.000-7.000 đồng/kg ở thời điểm cuối tháng 3. Theo đó, xà lách Đà Lạt 65.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng); bông cải xanh, trắng có giá 50.000 đồng/kg (tăng 3.000 đồng); các loại rau họ cải (cải ngọt, cải xanh, cải thảo...) dao động từ 25.000-32.000 đồng/kg (tăng 5.000-7.000 đồng), rau muống 15.000 đồng/bó (tăng 3.000 đồng), hành lá 40.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng)... Các loại thịt, cá, thủy hải sản cũng có sự điều chỉnh tăng từ 2.000-15.000 đồng/kg.

Chị Thu Hường (TP. Vũng Tàu) cho biết, trước đây với 4 người, mỗi bữa cơm của gia đình chị chỉ dao động trong khoảng 80.000-100.000 đồng đổ lại, nhưng nay đã tăng lên 120.000-150.000 đồng. “Nghe tin xăng giảm giá 3 lần, tôi cũng mang hy vọng giá cả hàng hóa sẽ hạ nhiệt. Tuy nhiên, đi chợ mới thấy, nhiều mặt hàng không giảm mà còn tăng cao so với trước đây. Do đó, chi phí sinh hoạt của gia đình cũng bị dội lên, khiến tôi khó khăn co kéo sao cho đủ”, chị Thu Hường nói.

Không chỉ hàng hóa tiêu dùng, giá các dịch vụ ăn uống cũng chưa chịu hạ nhiệt sau đợt tăng thêm cuối tháng 3 vừa qua. Theo lý giải của các chủ cửa hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống thì dù giá xăng đã giảm nhưng chi phí vận chuyển, giá nguyên liệu đầu vào chưa hạ nhiệt, thêm vào đó, giá gas cũng vừa điều chỉnh tăng từ đầu tháng 4 thêm 14.000 đồng/bình 12kg nên có muốn hạ giá cũng khó.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, xăng dầu vừa là mặt hàng chiến lược, quan trọng, vừa là mặt hàng thiết yếu có tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN và đời sống của người dân, tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. 

Việc giá xăng dầu tăng cao gây áp lực lớn đến chi phí sản xuất, kinh doanh của DN cũng như chi tiêu tiêu dùng của người dân. Bên cạnh đó, giá xăng dầu tăng cũng tác động trực tiếp đến chỉ số lạm phát, ảnh hưởng đến nhiều mặt của nền kinh tế. 

Từ cuối tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, giá xăng liên tục tăng đã ngay tức khắc đã tác động và tạo áp lực lên thị trường. 

Phương tiện vận tải, dịch vụ ăn uống, giá cả hàng tiêu dùng thiết yếu… là những lĩnh vực tăng ngay sau khi giá xăng dầu tăng liên tục. Tuy nhiên, giá xăng đã giảm 3 phiên liên tiếp sau những chuỗi tăng giá mạnh, nhưng thực tế, giá cả hàng hóa vẫn không chịu giảm. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần có biện pháp kiểm soát giá các mặt hàng thiết yếu, không để xảy ra tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng việc tăng giá xăng dầu để tăng giá bán hàng hóa một cách bất hợp lý và cũng neo luôn ở mặt bằng giá mới mà không chịu giảm theo giá xăng dầu.

Bài, ảnh: SONG BÌNH

 
;
.